Xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu
Mưa lớn, lốc xoáy gây thiệt hại tại một số địa phương
Ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa đã nỗ lực xây dựng các mô hình nuôi trồng thủy sản (NTTS) thích ứng biến đổi khí hậu (BĐKH), nâng cao sản lượng, bảo đảm chất lượng thủy sản. Đơn cử như mô hình NTTS kết hợp trồng lúa, toàn tỉnh đã chuyển đổi được 3.820,5 ha đất trồng một vụ lúa nằm trong khu vực sâu trũng sang trồng lúa kết hợp với nuôi cá và một số loại thủy sản khác, đạt kết quả khả quan.
* Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bến Tre phối hợp Hội Nông dân xã An Thuận (huyện Thạnh Phú) và xã Đại Hòa Lộc (huyện Bình Đại) triển khai mô hình nuôi luân canh tôm càng xanh toàn đực xen lúa với diện tích 7 ha, tạo ra sản phẩm tôm – lúa sạch, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều nông dân.
* Để nâng cao khả năng thoát lũ và phát triển sinh kế bền vững, thích ứng với khí hậu cho vùng Đồng Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp thực hiện nhiều mô hình sinh kế mùa lũ, gồm các loại hình sinh kế (mô hình hai lúa – một cá; hai lúa – một tôm; hai lúa một vịt – cá và mô hình hai màu – một cá) tại các huyện: Tam Nông, Thanh Bình… Tham gia mô hình, nông dân được tập huấn về quy trình sản xuất lúa, màu, nuôi thủy sản bảo đảm an toàn thực phẩm, giảm tác động BĐKH, bảo vệ môi trường…
* Do ảnh hưởng BĐKH, tỉnh Long An đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi có hiệu quả, chuyển những diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn. Giai đoạn 2021- 2025 tỉnh sẽ chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa 54.442 ha; trồng lúa kết hợp với NTTS 309 ha…
* Hiện nông dân tỉnh Tiền Giang phát triển nhiều mô hình trồng rau màu như: chuyên canh, luân canh, xen canh trên nền đất lúa…, kết hợp ứng dụng khoa học công nghệ để tăng năng suất, sản lượng, thích ứng BĐKH. Một số nơi nông dân trồng được hơn 25.000 ha rau màu các loại, thu nhập tăng, cải thiện đời sống.
* Ngày 13-5, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Quảng Bình cho biết, nông dân trong tỉnh thu hoạch được khoảng 50% diện tích lúa đông xuân, năng suất đạt gần 63 tạ/ha, cao nhất trong hơn 10 năm qua. Riêng huyện Lệ Thủy đạt bình quân 70 tạ/ha nhờ sử dụng nhiều giống lúa chất lượng cao và sử dụng phương pháp canh tác lúa cải tiến SRI. Hiện giá lúa tươi bán tại ruộng khoảng 6.000 đồng/kg, lúa thành phẩm từ 7.000 đến 7.500 đồng/kg, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2020.
* Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai (PCTT) tỉnh Bắc Kạn, mưa lớn trên diện rộng kết hợp với gió mạnh từ đêm 12 đến sáng 13-5 gây nhiều thiệt hại trên địa bàn, làm tốc mái 203 nhà dân ở các huyện Bạch Thông, Chợ Đồn và Na Rì; giật gãy, đổ 38 cây xanh tại TP Bắc Kạn; làm gãy, đổ 21 ha cây lâm nghiệp tại Chợ Đồn, Chợ Mới; đổ hai cột điện hạ thế tại huyện Na Rì; tốc mái nhà họp thôn ở xã Yên Mỹ, Chợ Đồn; hư hỏng mái, trần nhà Trường THCS Bắc Kạn và ba lớp học tại xã Sơn Thành, Na Rì; làm mất tín hiệu Đài Truyền thanh huyện Na Rì…
* Đêm 12, rạng sáng 13-5, tại tỉnh Lào Cai có mưa lớn kèm theo dông, lốc xoáy trên diện rộng. Lốc xoáy mạnh kéo dài khoảng 15 phút quét qua nhiều xã, phường thuộc TP Lào Cai và các huyện Bát Xát, Văn Bàn, Mường Khương gây nhiều thiệt hại về nhà ở, công trình hạ tầng, điện lưới, cáp viễn thông và hoa màu. Theo thống kê ban đầu, có hai người dân ở huyện Bát Xát bị thương do cây đổ; 69 nhà ở bị tốc mái, hư hại, 10 ha lúa và hoa màu bị đổ, hàng trăm cây xanh bị gãy đổ.
* Ban Chỉ huy PCTT tỉnh Lai Châu cho biết, đêm 12, sáng 13 – 5 tại các huyện Nậm Nhùn, Tam Đường, Tân Uyên, Phong Thổ và TP Lai Châu xảy ra mưa to kèm dông, lốc, làm sập và tốc mái 97 nhà, có hai nhà bị sập hoàn toàn tại huyện Nậm Nhùn; làm thiệt hại hơn 18 ha lúa, gần 10 ha chuối, hơn 3 ha ngô của huyện Tam Đường và Tân Uyên. Hàng trăm cây xanh ở TP Lai Châu bật gốc, gãy đổ… Ban Chỉ huy PCTT tỉnh đã yêu cầu các địa phương huy động mọi lực lượng tại chỗ để hỗ trợ giúp các hộ dân, gia đình bị thiệt hại về nhà cửa sớm ổn định cuộc sống.
* Ngày 13-5, ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa cho biết, bệnh khảm lá sắn đã xuất hiện tại các huyện: Thường Xuân, Như Xuân, Như Thanh, Ngọc Lặc và Thọ Xuân khiến hơn 1.975 ha sắn nhiễm bệnh. Lãnh đạo tỉnh đã yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã chỉ đạo, thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng trừ bệnh, hướng dẫn người dân nhổ bỏ, tiêu hủy diện tích sắn bị nhiễm bệnh hơn 70%, chuyển sang cây trồng mới để cắt nguồn bệnh.
* Tại Nghệ An, bệnh khảm lá sắn cũng xảy ra tại huyện Tân Kỳ làm hơn 800 ha sắn mắc bệnh, huyện Quỳ Châu có 180 ha bị nhiễm bệnh. Các cơ quan chuyên môn đã cử cán bộ xuống hiện trường hướng dẫn người dân cách phòng trừ bệnh.
* Bệnh viêm da nổi cục (VDNC) trên trâu, bò lần đầu xuất hiện ở Việt Nam vào tháng 10-2020; đến nay dịch đã xảy ra tại 1.622 xã, thuộc 204 huyện của 29 tỉnh, thành phố, với tổng số gia súc mắc bệnh hơn 44.709 con, hơn 5.116 con phải tiêu hủy. Hiện cả nước còn 1.179 ổ dịch tại 164 huyện của 25 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày.
* Dịch VDNC xảy ra tại 137 xã ở tất cả các huyện, thị xã và thành phố trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, làm hơn 2.300 con trâu, bò mắc bệnh, trong đó hơn 400 con đã chết. Để khống chế dịch lây lan, tỉnh hỗ trợ toàn bộ kinh phí mua vắc-xin. 55 nghìn con trâu, bò được tiêm vắc-xin VDNC, đạt hơn 60% tổng đàn…
* UBND thành phố Cẩm Phả (Quảng Ninh) vừa công bố ổ dịch tả lợn châu Phi xuất hiện ở xã Dương Huy, vào ngày 12-5, tại hộ gia đình bà Đỗ Thị Nhạn, thôn Đoàn Kết và hộ ông Lý Văn Đức, thôn Tân Tiến; yêu cầu chính quyền xã có trách nhiệm tiêu hủy đàn lợn bị nhiễm dịch và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.
Ý kiến ()