Xây dựng mô hình sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm: Cơ sở để nông dân phát triển măng tây xanh theo hướng hàng hóa
– Măng tây xanh là thực phẩm được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng và mang lại giá trị kinh tế cao. Để trồng thành công cây trồng này thì cần nghiên cứu cụ thể. Chính vì vậy, Sở Khoa học và Công nghệ đã đưa việc nghiên cứu cây măng tây xanh vào nhiệm vụ khoa học cấp tỉnh, giao Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Lộc Bình chủ trì triển khai. Kết quả nghiên cứu đề tài là cơ sở để nông dân trên địa bàn tỉnh đầu tư phát triển măng tây xanh theo hướng hàng hóa.
Chuyên viên Sở Khoa học và Công nghệ kiểm tra tiến độ thực hiện đề tài
Măng tây xanh được nhiều nông dân đưa về trồng thử nghiệm trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên do thiếu kinh nghiệm trong công tác lựa chọn thế đất, xử lý mầm bệnh trong đất trước khi trồng nên chỉ sau khoảng 2 năm khai thác đã phải nhổ bỏ. Nhận thấy trên địa bàn huyện Lộc Bình có nhiều bãi bồi, địa hình tương đối bằng phẳng phù hợp để trồng cây măng tây xanh và có thể mở rộng diện tích sản xuất theo hướng hàng hóa, từ tháng 8/2018 đến tháng 12/2022, nhóm nghiên cứu do Thạc sỹ Lý Quang Ngọc, nguyên Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Lộc Bình và kỹ sư Dương Thị Thu Hằng, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện đồng chủ nhiệm đã triển khai đề tài “Xây dựng mô hình sản xuất măng tây xanh gắn với tiêu thụ sản phẩm tại huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn”.
Triển khai đề tài, nhóm đã tìm hiểu, nghiên cứu và lựa chọn giống măng tây xanh Jersey Knight đời F1. Đây là giống măng tây xanh có khả năng kháng bệnh cao, phù hợp với khí hậu miền Bắc, cho năng suất cao. Chú trọng khâu chuẩn bị đất trước khi xuống giống, 2 tháng trước khi trồng, nhóm đã tiến hành làm đất theo quy trình cách 15 ngày làm đất 1 lần với việc bón phân chuồng hoai mục kết hợp với sử dụng Chế phẩm trichoderma NANO, vôi, trấu… để xử lý mầm bệnh trong đất nhằm đảm bảo điều kiện tốt nhất cho cây phát triển. Cây măng tây không chịu được ngập úng nên phải làm rãnh thoát nước sâu, rộng, lên luống cao. Cây giống được trồng, chăm sóc trong bầu 3 tháng trước khi xuống đồng, lúc này cây đã phân nhánh, mật độ trồng là 19.000 cây/ha. Trong quá trình trồng và chăm sóc, nhóm đã tiến hành nghiên cứu ảnh hưởng của thời vụ trồng, phương pháp tưới, biện pháp cắt ngọn, sâu bệnh hại đến sự sinh trưởng, thời gian thu hoạch, năng suất và chất lượng của cây. Kết quả nghiên cứu cho thấy măng tây gieo trồng tốt nhất vào 2 vụ trong năm, đó là vào vụ thu đông từ tháng 9 đến tháng 10 và vụ xuân từ cuối tháng 2 đến tháng 4 dương lịch. Cách tưới nhỏ giọt kết hợp bón phân bằng hệ thống điều khiển tự động công nghệ cao có thể cho năng suất cao hơn khoảng 30% – 50% so với tưới phun sương, đồng thời còn góp phần hạn chế cỏ dại phát triển. Cắt ngọn ở độ cao 1,2 m…
Năm 2019, nhóm đã ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất măng tây xanh với quy mô 1 ha tại thôn Bản Tấu, xã Tú Đoạn. Quá trình xây dựng mô hình cho thấy sản xuất măng tây xanh tại huyện Lộc Bình có chi phí đầu tư ban đầu lớn; ở năm đầu, măng tây cho năng suất thấp, những năm sau, năng suất thu hoạch cao và ổn định hơn, nếu chăm sóc tốt, cây có thể cho thu hoạch kéo dài 5 – 10 năm. Hiện giá bán măng tây xanh tại vườn khoảng 80.000 đến 100.000 đồng/kg. Mỗi héc ta măng tây xanh có thể cho doanh thu từ 200 – 400 triệu đồng/năm/ha. So với các loại cây trồng khác như lúa, khoai lang, ngô thì mô hình măng tây xanh cho hiệu quả kinh tế cao hơn.
Ông Vi Văn Đức, Giám đốc Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Vi Gia, xã Đồng Bục, huyện Lộc Bình cho biết: Tham gia đề tài, công ty đã phối hợp trồng thành công gần 1 ha măng tây xanh cho năng suất, chất lượng cao. Cùng đó, công ty cũng được chuyển giao quy trình kỹ thuật thu hoạch, sơ chế, bảo quản sản phẩm. Trong năm 2023, công ty đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm “Măng tây xanh VIGIA”. Hiện nay, bên cạnh tập trung mở rộng diện tích sản xuất cây măng tây xanh, chúng tôi cũng đang xây dựng các kênh tiêu thụ tại các cửa hàng, siêu thị trên địa bàn huyện Lộc Bình và thành phố Lạng Sơn.
Bà Dương Thị Thu Hằng, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Lộc Bình, đồng chủ nhiệm đề tài cho biết: Từ thực tế nghiên cứu sản xuất cho thấy, cây măng tây xanh có thể cho thu hoạch đến 10 năm, tuy nhiên để đảm bảo năng suất, chất lượng cao thì chúng tôi khuyến cáo sau 4 năm khai thác, nông dân nên đầu tư trồng mới hoặc trồng gối lứa. Thực hiện khuyến cáo này, hiện doanh nghiệp và một số hộ dân triển khai đề tài đã tiến hành dỡ bỏ vườn cũ để chuẩn bị đất, giống để tiếp tục mở rộng diện tích trồng măng tây xanh trên địa bàn huyện. Chúng tôi luôn sẵn sàng hướng dẫn chuyển giao công nghệ khi có yêu cầu để nông dân trên địa bàn phát triển cây trồng này.
Trong quá trình triển khai đề tài, nhóm nghiên cứu đã hoàn thiện quy trình kỹ thuật canh tác cây măng tây xanh; xây dựng thành công mô hình sản xuất măng tây xanh tại huyện Lộc Bình; đưa ra quy trình hướng dẫn thu hoạch, sơ chế, bảo quản sản phẩm măng tây xanh; xây dựng nhãn hiệu hàng hóa gắn với tiêu thụ sản phẩm măng tây xanh trên địa bàn huyện Lộc Bình và thành phố Lạng Sơn. Với những giá trị mà đề tài mang lại, tháng 6/2023, Hội đồng khoa học tỉnh đã tiến hành nghiệm thu đề tài. Tin rằng, thời gian tới, những thành tựu của đề tài sẽ tiếp tục được ứng dụng và mang lại hiệu quả tích cực.
HOÀNG VƯƠNG
Ý kiến ()