Xây dựng mô hình quản lý cao tốc hiệu quả
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Thọ chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: VGP/PT |
Ghi nhận những kết quả đạt được của ngành đường bộ trong năm qua, Thứ trưởng Lê Đình Thọ nhìn nhận, năm 2021 là năm mà ngành giao thông tiếp nối tinh thần “đi trước mở đường” trong cuộc chiến chống dịch bệnh COVID-19. Trong bối cảnh giãn cách xã hội ở nhiều địa phương, ngành giao thông đã kịp thời phối hợp với các bộ, ngành khác bảo đảm không tuyến đường nào bị ách tắc, hàng hóa thiết yếu phục vụ bà con được vận chuyển liên tục.
“Vào những đợt dịch bệnh cao điểm tại các tỉnh phía nam, cán bộ, người lao động của ngành GTVT, đặc biệt là các Cục đường bộ đã có mặt kịp thời, khẩn trương đưa ra những cách giải quyết đúng đắn để duy trì được sự ổn định trong lưu thông hàng hoá thiết yếu phục vụ người dân. Thời điểm đó lực lượng thanh tra giao thông phải ứng trực tại các chốt kiểm soát dịch cả ngày, cả đêm 24/7, phối hợp với các lực lượng duy trì chốt kiểm dịch, không để xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông làm tăng nguy cơ gây lây lan dịch bệnh”, Thứ trưởng cho biết.
Trong công tác duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng đường quốc lộ, Thứ trưởng đánh giá cao Tổng cục đường bộ Việt Nam đã bảo đảm chất lượng hạ tầng giao thông và bảo đảm an toàn giao thông êm thuận, xử lý nhiều “điểm đen” hay xảy ra tai nạn giao thông… trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp.
Giao nhiệm vụ cho Tổng cục Đường bộ Việt Nam trong năm mới, Thứ trưởng Lê Đình Thọ yêu cầu cơ quan này phải tập trung cao độ trong việc phối hợp với Bộ Công an để sửa Luật Giao thông đường bộ, trong đó có Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ.
“Sửa Luật Giao thông đường bộ phải xuất phát từ những vấn đề trong thực tiễn, lấy thực tiễn để dự báo những xu hướng tiếp theo đưa vào luật. Đối với nội dung quy hoạch đường bộ đã được Chính phủ phê duyệt, cần tập trung xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch để đầu tư phát triển hạ tầng. Nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách, phân cấp, phân quyền, cụ thể hóa gắn Quy hoạch đường bộ vào Luật giao thông đường bộ để từng bước thực hiện thành công quy hoạch này”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ yêu cầu.
Ngoài ra, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng cần chú trọng xây dựng được cơ chế huy động nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, hình thức đầu tư và cơ chế khai thác; nghiên cứu mô hình quản lý nguồn vốn bảo trì đường bộ.
“Đến năm 2050, cả nước sẽ có trên 10.000 km đường cao tốc. Với chức năng nhiệm vụ của mình, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cần xây dựng mô hình quản lý đường cao tốc hiệu quả ngay từ bây giờ, trong đó chú ý đến việc áp dụng công nghệ vào quản lý như: hệ thống giao thông thông minh ITS và hệ thống thu phí không dừng”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ nói.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam tiếp tục phối hợp với các cơ quan, lực lượng chức năng, nhất là ở các địa phương tăng cường giám sát, kiểm soát tải trọng phương tiện; lực lượng thanh tra giao thông phải kiểm soát chặt tại các bến bãi, kho bãi, doanh nghiệp đặc biệt trong thời điểm trước Tết Nguyên đán 2022.
Lực lượng Thanh tra giao thông làm việc tích cực trong giai đoạn giãn cách xã hội ở nhiều địa phương. Ảnh minh họa |
Điểm sáng cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử
Trước đó, báo cáo tại Hội nghị, ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay, năm 2021, Tổng cục Đường bộ xây dựng, trình 16 dự thảo văn bản văn bản quy phạm pháp luật, hoàn thành 100% kế hoạch bảo đảm chất lượng. Tổng cục cũng hoàn thành giải ngân hơn 1.500 tỷ đồng cho các dự án đầu tư công.
Trong năm, Tổng cục Đường bộ đã xử lý 81 điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông; sơn kẻ hơn 1.200 km vạch sơn đường; thay thế, điều chỉnh hơn 1.400 biển báo; sửa chữa, bổ sung 140 km hộ lan tôn sóng; thường trực tiếp nhận, thông tin phản ánh của người dân qua đường dây nóng, xử lý kịp thời các bất cập trong tổ chức giao thông, hư hỏng đột xuất cầu đường; tổ chức phân luồng, ưu tiên cho phương tiện vận chuyển hàng hóa, phục vụ phòng, chống dịch COVID-19.
Một điểm sáng đáng chú ý trong công tác năm 2021 của Tổng cục Đường bộ đó là việc triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, cải cách thủ tục hành chính của Tổng cục được đặc biệt chú trọng quan tâm, đạt được nhiều kết quả tích cực.
Tổng cục đã đa dạng hoá nguồn ngân sách để chi cho phát triển công nghệ thông tin và chuyển đổi số; đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, sử dụng điện toán đám mây, xây dựng phần mềm; phối hợp với Trung tâm Công nghệ thông tin (Bộ GTVT) xây dựng tiêu chuẩn dữ liệu số; hoàn thiện xây dựng cơ sở dữ liệu về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và đặc biệt là chú trọng công tác bảo đảm an toàn an ninh mạng, bảo đảm an toàn cho các phần mềm, ứng dụng triển khai.
Về xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) chuyên ngành đường bộ, đến nay đã hoàn thành xây dựng CSDL các lĩnh vực: Quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ, quản lý giám sát hành trình phương tiện kinh doanh vận tải, quản lý người điều khiển phương tiện. Tổ chức cập nhật dữ liệu tại Hệ thống thông tin Báo cáo Bộ GTVT theo quy định tại Nghị định số 09/2019/NĐ-CP ngày 22/4/2019 của Chính phủ quy định về chế độ báo cáo của cơ quan hành chính nhà nước theo tiến độ yêu cầu.
Hệ thống một cửa, một cửa điện tử liên thông cung cấp 57 thủ tục hành chính với tỷ lệ kết quả hồ sơ thủ tục hành chính trả cho người dân, doanh nghiệp đúng hạn đạt 100%. Tổng cục đã hoàn thành các nhiệm vụ xây dựng và cung cấp các thủ tục trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; nâng cấp 05 thủ tục hành chính từ mức độ 2 lên mức độ 4.
Ý kiến ()