Xây dựng mô hình liên kết theo chuỗi khép kín
Nghiên cứu giống cây thích hợp với thổ nhưỡng Lạng Sơn, xây dựng vườn ươm, cung cấp giống đầu dòng cho nông dân và bao tiêu toàn bộ sản phẩm, Công ty Cổ phần mac ca và sa chi Lạng Sơn đang xây dựng chuỗi liên kết nhà khoa học, nhà nông và doanh nghiệp.
Ông Lục Văn Bằng kiểm tra chất lượng hạt sa chi sau chế biến
Cây mac ca xuất hiện trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn gần 10 năm trở lại đây, còn cây sa chi mới xuất hiện khoảng 2 năm. Đến nay, 2 loại cây này đang được người dân trên địa bàn tỉnh nhân rộng. Ông Lục Văn Bằng, Giám đốc Công ty Cổ phần mac ca và sa chi Lạng Sơn cho biết: Phải mất 6 năm thử nghiệm tôi mới chọn ra được những giống mac ca, sa chi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng tỉnh Lạng Sơn. Không giữ riêng cho mình, tôi đã quảng bá rộng rãi, đồng thời trực tiếp sản xuất cây giống thuần chủng cho bà con trên địa bàn với mong muốn cùng nông dân tạo ra sản phẩm mac ca, sa chi tốt nhất đưa ra thị trường.
Sau một thời gian công ty liên kết cùng nông dân mở rộng diện tích, đến nay, vùng nguyên liệu mac ca, sa chi toàn tỉnh đạt khoảng 140 ha. Riêng cây mac ca có diện tích 100 ha, trong đó 40 ha đang cho quả, 60 ha đang được chăm sóc. Còn lại 40 ha sa chi đã cho thu hoạch. Diện tích cây trồng được mở rộng, sản lượng bắt đầu ổn định đặt ra yêu cầu cần phải xây dựng một chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy, tháng 5/2018, Công ty Cổ phần mac ca và sa chi Lạng Sơn được thành lập. Song song với thành lập công ty, hệ thống xưởng sản xuất, chế biến cũng được mở rộng. Hiện công ty có mặt bằng trên 3.000 m2, trong đó, 1.000m2 xưởng chế biến, 2.000 m2 vườn ươm cây giống. Quy mô sản xuất 150 tấn hạt thô/năm.
Bên cạnh cung cấp cây giống, công ty còn trực tiếp cung cấp cho nông dân toàn bộ quy trình, kỹ thuật trồng, chăm sóc 2 cây trồng này; chia sẻ kinh nghiệm khi nông dân có thắc mắc trong quá trình trồng, chăm sóc. Cùng đó, Công ty Cổ phần mac ca và sa chi Lạng Sơn phối hợp với các giáo sư đầu ngành chuyên nghiên cứu về mac ca, sa chi chia sẻ các kiến thức về thị trường cũng như phương pháp chăm sóc, phòng bệnh cho 2 cây trồng này. Đặc biệt, công ty phối hợp với Hiệp hội mac ca Việt Nam tổ chức các hội thảo đánh giá chất lượng sản phẩm, cây giống trồng ở các khu vực khác nhau trên địa bàn tỉnh để nông dân có cái nhìn tổng quan về cây trồng này, từ đó yên tâm sản xuất.
Khác với nhiều loại nông sản, người nông dân, doanh nghiệp rất khó khăn trong khâu tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Riêng các sản phẩm mac ca sấy nứt, mac ca nhân, sa chi nguyên vị, sa chi rang muối ngay khi có mặt trên thị trường đã được người tiêu dùng đón nhận. Qua đó, đối tác từ các tỉnh, thành phố lớn như: Đà Nẵng, Hồ Chí Minh thậm chí là nước ngoài như: Hàn Quốc, Trung Quốc quan tâm đặt vấn đề tiêu thụ với số lượng lên đến hàng nghìn tấn/năm. Theo ông Bằng, nhu cầu thị trường quá lớn trong khi vùng sản xuất nguyên liệu chưa hoàn chỉnh nên sản lượng còn thấp, thời gian này, công ty chỉ cung cấp sản phẩm mac ca, sa chi cho thị trường trong nước và xuất khẩu một phần sang Hàn Quốc. Nguồn hàng nông dân bán cho công ty bao nhiêu, tiêu thụ hết bấy nhiêu. Từ khi thành lập đến nay, công ty đã cung cấp ra thị trường gần 2 tấn sản phẩm. Giá thu mua với nông dân luôn ổn định từ 40.000 – 80.000 đồng/kg hạt tươi.
Không chỉ dừng lại ở sản phẩm xuất thô, chuỗi sản xuất của Công ty Cổ phần mac ca và sa chi Lạng Sơn còn hướng đến chế biến ra các sản phẩm đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của thị trường. Theo đó, cuối năm 2018, công ty sẽ cho ép thử dầu mac ca, sa chi phục vụ nhu cầu chế biến các món ăn. Trong thời gian tiếp theo sẽ chế biến các loại sô – cô – la mac ca, sa chi, bánh kẹo nhân mac ca, sa chi…. Đồng thời tiếp tục mở rộng vùng nguyên liệu trong tỉnh và một số tỉnh lân cận nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Ý kiến ()