Bám dân xây dựng địa bàn
Độc Lập là xã vùng 135 duy nhất của huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình) hầu hết dân cư là người dân tộc Mường. Dẫn chúng tôi đi trên con đường trải nhựa hơn mười cây số vào xã Độc Lập, qua nhiều cây cầu và những triền đồi trập trùng hai bên đường, thượng tá Bùi Văn Vinh, Chính trị viên Huyện đội Kỳ Sơn, chỉ tay về phía dải rừng xanh mướt, nơi có con đường nền đất đỏ, nói: Con đường này bộ đội ta mới mở, vừa để phục vụ diễn tập, vừa để thuận tiện cho việc đi lại tới các bản xa. Anh kể, từ công tác dân vận của bộ đội, gần một trăm hộ dân hai xã Dân Hạ và Độc Lập đã tự nguyện ủng hộ hơn 12 nghìn m2 đất để mở đường. Dẫn đoàn đi thăm thôn bản, Bí thư Đảng ủy xã Độc Lập Nguyễn Hồng Binh kể, gần chục năm về trước đời sống người dân trong xã rất khó khăn và kèm theo đó là những hủ tục. Còn nhớ, khi đoàn công tác của Ban Chỉ huy Quân sự huyện, do thượng tá Nguyễn Phú Oai dẫn đầu, về xã đặt vấn đề triển khai Đề án “Xây dựng làng, bản văn hóa quốc phòng tại xã Độc Lập”, giúp người dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, có cán bộ lãnh đạo xã lúc đó, hỏi: Các anh có bao nhiêu tiền để đầu tư cho từng ấy công trình, công việc. Khi nghe đoàn trưởng nói, chỉ có trí tuệ và công sức của bộ đội huyện, đại diện lãnh đạo xã khẳng định ngay, thế thì các anh không làm được rồi … Nhưng Đề án vẫn được triển khai. Với sự “chung lưng đấu cật” của LLVT huyện, đảng bộ, nhân dân xã Độc Lập đã tạo bước phát triển mới trong xây dựng hệ thống chính trị và lãnh đạo phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa. Theo đó, đã thành công trong việc mở rộng diện tích cây trồng cho hiệu quả kinh tế gấp nhiều lần so với trồng lúa, góp phần cải thiện nhanh đời sống nhân dân. Đến nay, xã đã hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa và giáo dục. Người dân đã bỏ các hủ tục, thủ tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Nhiều năm liền đảng bộ xã đạt trong sạch, vững mạnh.
Mô hình dân vận tại xã Độc Lập đã lan tỏa tới các xã Phúc Tiến và Phú Minh của huyện Kỳ Sơn, đã trở thành Đề án của LLVT tỉnh Hòa Bình về xây dựng mô hình “Làng, bản văn hóa – quốc phòng”, triển khai nhân rộng trong toàn tỉnh. Đảng ủy Quân sự tỉnh đã và đang triển khai có hiệu quả Đề án phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh ở hai xã Hang Kia và Pà Cò. Đồng chí Trần Đăng Ninh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hòa Bình cho biết, những đề án, mô hình dân vận nêu trên được nghiên cứu, đánh giá và triển khai nhân rộng trên địa bàn tỉnh.
Có thể thấy, nhiều năm liền công tác dân vận của LLVT Quân khu 3 đã hướng mạnh về cơ sở; xuất hiện nhiều mô hình dân vận tốt, giúp sức cùng người dân các địa phương xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện.
Tại tỉnh Quảng Ninh, Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn đánh giá cao những mô hình, đơn vị dân vận tốt của Đoàn B95; Đoàn Kinh tế – Quốc phòng B27. Nổi bật là trong phối hợp cấp ủy, chính quyền và nhân dân các xã, phường xây dựng cơ sở chính trị địa bàn, tham gia phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội, củng cố quốc phòng – an ninh. Đoàn Kinh tế – Quốc phòng B27 bám trụ ở tuyến biên giới tỉnh Quảng Ninh, nơi có phần đông dân số là đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Dao,… Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, cho biết, Đoàn B27 đã góp công lớn trong việc xây dựng cơ sở chính trị nơi phên dậu của Tổ quốc. Với chương trình dân vận hằng năm và từng giai đoạn các đơn vị của Đoàn tổ chức cán bộ, chiến sĩ thực hiện “bốn cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào) để vận động, hướng dẫn nhân dân triển khai nhiều mô hình phát triển kinh tế, văn hóa, củng cố cơ sở chính trị. Đến nay Đoàn B27 đã xây dựng 250 mô hình phát triển kinh tế bền vững ở 20 thôn, bản của chín xã giáp biên giới.
Một trọng tâm khác của công tác dân vận của LLVT quân khu là phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Nam đã phối hợp Ban Dân vận Tỉnh ủy, các huyện ủy, thành ủy tham mưu Tỉnh ủy triển khai hiệu quả phong trào. Cán bộ, chiến sĩ LLVT chủ động giúp nhân dân tích cực thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống nhân dân… Cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh Hà Nam đã quyên góp ủng hộ xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn hàng tỷ đồng và giúp nhân dân hàng chục nghìn ngày công lao động, làm mới và nâng cấp hơn 40 km đường giao thông nông thôn.
Lực lượng Quân y Quân khu phát huy hiệu quả công tác dân vận qua tổ chức khám, chữa bệnh, điều trị cho người bệnh tại bệnh viện và tổ chức các đợt khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí, tư vấn sức khỏe, tuyên truyền vệ sinh phòng bệnh, hướng dẫn kế hoạch hóa gia đình cho người dân vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo… Bệnh viện Quân y 5 đã tổ chức các đợt khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí, tư vấn sức khỏe cho gần 10 nghìn các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách tại các địa phương, những vùng khó khăn về y tế trên địa bàn Quân khu. Bệnh viện Quân y 7 cũng có cách làm tương tự ở tuyến đảo Đông Bắc và tỉnh Hòa Bình. Thực hiện mô hình dân vận khéo đã góp phần nâng cao trách nhiệm, thái độ phục vụ của đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên trong bệnh viện, Viện trưởng Viện Quân y 7, đại tá Nguyễn Văn Tý cho biết.
Sức mạnh tổng hợp, giải pháp đồng bộ
Vào những ngày cuối tháng 7, khi cơn bão số 1 (tên quốc tế Mirinae) đổ bộ vào các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nam Định, ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh thuộc địa bàn quân khu. Tại quận Đồ Sơn (Hải Phòng) nơi dự báo tâm bão đi qua, Thiếu tướng Trần Thành, Phó Tư lệnh Quân khu đã có mặt, trực tiếp chỉ đạo lực lượng chính quy và dân quân tự vệ tại chỗ triển khai các phương án cùng nhân dân phòng, chống bão. Ông cho biết, nhận được thông báo tình hình bão, Bộ Tư lệnh Quân khu triển khai, huy động khẩn cấp năm nghìn cán bộ, chiến sĩ và hơn 14 nghìn dân quân, tự vệ cùng 309 phương tiện ô-tô, tàu, thuyền và tổ chức Quân y dã chiến… tuyên truyền và sơ tán nhân dân tại các vùng nguy hiểm. Nhiều ngày liền, LLVT của Quân khu đã ứng trực suốt 24 giờ, dốc sức cùng nhân dân tại năm tỉnh ven biển có bão đi qua, đối phó với diễn biến phức tạp và khắc phục hậu quả của bão.
Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ nhiệm Chính trị Quân khu cho biết, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 3 đã lãnh đạo, chỉ đạo LLVT Quân khu, tập trung xây dựng các mô hình dân vận khéo toàn diện và trên từng lĩnh vực. Quân khu chỉ đạo các cơ quan, đơn vị xây dựng nội dung, chỉ tiêu thi đua “Dân vận khéo” sát với đặc điểm tình hình nhiệm vụ; chỉ đạo lực lượng thường trực, dân quân tự vệ thực hiện tốt công tác dân vận và xây dựng “Đơn vị dân vận tốt” thời kỳ mới. Các cơ quan, đơn vị căn cứ đặc điểm tình hình nhiệm vụ, vận dụng linh hoạt trong từng điều kiện hoàn cảnh, triển khai các mô hình dân vận, tiêu biểu là: Giúp dân xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, thực hiện nhiệm vụ quốc phòng – an ninh, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; giúp dân tái định cư, hợp tác phát triển sản xuất; xóa đói, giảm nghèo, phòng, chống thiên tai; xây dựng lực lượng cốt cán trong các dân tộc, tôn giáo; vận động nhân dân tham gia xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh, chính quyền vững mạnh toàn diện…
Các mô hình dân vận được vận dụng hiệu quả thông qua các hình thức: Hành quân huấn luyện dã ngoại, hoạt động của tổ, đội công tác dân vận; dân vận trong diễn tập; phối hợp tạo nguồn cán bộ cơ sở địa phương, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng – an ninh cho già làng, trưởng bản; phối hợp giải quyết các vụ việc phức tạp… Hiện, Quân khu có 897 đầu mối đơn vị kết nghĩa. Hoạt động kết nghĩa giúp Quân khu nắm dư luận xã hội, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. LLVT quân khu đã thực hiện tốt các chính sách dân tộc, tôn giáo trong tuyển quân, tham gia bồi dưỡng đào tạo cán bộ là con em đồng bào các dân tộc, tôn giáo. Các cơ quan, đơn vị đã vận động 9.396 chức sắc, chức việc tôn giáo và 2.473 già làng, trưởng bản tham gia 123 lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng – an ninh ở các địa phương.
Với mục tiêu tham gia xây dựng cơ sở địa phương vững mạnh toàn diện, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị phối hợp tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền chú trọng nâng cao vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội. Nhiều địa phương có sự phối hợp trong tập hợp, vận động quần chúng, giải quyết kịp thời các vụ việc phức tạp từ cơ sở. Thông qua xây dựng phát huy hiệu quả các mô hình “dân vận khéo”, LLVT Quân khu 3 đã trực tiếp huy động các nguồn lực trong nhân dân thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh góp phần xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị của địa phương. Công tác dân vận của LLVT Quân khu 3 đã góp phần đưa Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” có sức lan tỏa mạnh mẽ, làm ngời sáng hình ảnh, phẩm chất cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ trong tình hình mới.
Với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh, LLVT Quân khu đang tiếp tục triển khai thực hiện nhiều mô hình, dự án phát triển kinh tế – xã hội kết hợp với củng cố quốc phòng – an ninh; thực hiện tốt vai trò nòng cốt, xung kích của LLVT Quân khu trong phòng, chống thiên tai, thảm họa, cứu hộ cứu nạn; xây dựng thế trận lòng dân vững chắc, nhất là địa bàn biên giới, hải đảo, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số và tôn giáo… góp phần nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu của LLVT Quân khu, năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ các cấp.
Từ năm 2012 đến nay, các cơ quan, đơn vị Quân khu 3 đã thực hiện thành công 53 mô hình dân vận khéo toàn diện; 71 mô hình dân vận khéo trên các lĩnh vực. Quân khu đã huy động gần 50 nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ thực hiện huấn luyện dã ngoại kết hợp làm công tác dân vận ở 2.918 lượt xã, phường, thị trấn. Các cơ quan, đơn vị của Quân khu đã tham gia xây dựng, củng cố hơn 870 tổ chức chính quyền, 2.575 tổ chức cơ sở Đảng, hơn 8.320 tổ chức chính trị – xã hội cơ sở thôn, bản, làng, xã, phường, thị trấn; hỗ trợ hàng chục tỷ đồng vật chất và tiền mặt, giúp nhân dân hơn 440 nghìn ngày công phát triển sản xuất, phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn chín tỉnh, thành phố địa bàn Quân khu.
Ý kiến ()