Xây dựng mô hình công dân học tập: Sức lan tỏa ở thành phố Lạng Sơn
– Xác định việc xây dựng mô hình công dân học tập (CDHT) là việc làm cần thiết nhằm tạo tiền đề, cơ sở để tiếp tục triển khai thực hiện Đề án đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng giai đoạn 2021 – 2030. Do đó 2 năm qua, các cấp hội khuyến học (HKH) thành phố Lạng Sơn đã chú trọng triển khai việc thực hiện xây dựng mô hình CDHT và bước đầu đạt những kết quả tích cực, tạo sự lan tỏa sâu rộng, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về sự cần thiết phải học tập suốt đời.
Chi hội trưởng Chi hội khuyến học thôn Hoàng Tân, xã Hoàng Đồng (bên phải) tuyên truyền về nội dung mô hình CDHT đến người dân
Ông Ngô Hiền, Chủ tịch HKH thành phố Lạng Sơn cho biết: Ngay khi HKH tỉnh có Kế hoạch số 77/KH-HKH ngày 29/10/2020 và thống nhất triển khai thí điểm mô hình CDHT đến các huyện, thành phố, HKH thành phố đã nhanh chóng triển khai thí điểm mô hình này trong thời gian 1 năm (năm 2021) tại 2 phường, 1 xã gồm: phường Vĩnh Trại, phường Chi Lăng và xã Hoàng Đồng với tổng số 90 người tham gia. Trong quá trình xây dựng mô hình điểm, HKH thành phố và HKH của 3 phường, xã trên thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc quá trình triển khai thực hiện. Sau khi kết thúc mô hình điểm, căn cứ vào các tiêu chí xét danh hiệu CDHT, chúng tôi tập trung bình xét, đánh giá và có 98% số người đăng ký đạt danh hiệu trên. Với kết quả ban đầu đó, chúng tôi rút kinh nghiệm và bàn bạc triển khai tiếp các phương án khác nhằm nhân rộng mô hình CDHT trên toàn thành phố.
Theo đó, thành công từ mô hình điểm đã tạo sức lan tỏa không chỉ ở phạm vi 3 phường, xã trên mà còn lan tỏa đến từng xã, phường còn lại và từng người dân trên địa bàn thành phố. Đến năm 2022, các cấp HKH đã triển khai đại trà mô hình CDHT đến 100% khu, thôn trên địa bàn. Các cấp hội đã phát huy vai trò nòng cốt trong vận động, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai xây dựng các mô hình học tập mà trọng tâm là mô hình CDHT. Cùng đó nhằm giúp mọi người hiểu rõ hơn ý nghĩa mô hình, các cấp hội đẩy mạnh tuyên truyền, vận động theo hình thức “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, đến từng nhà hội viên khi cần và đến các cơ quan, trường học tuyên truyền về nội dung mô hình. Đáng chú ý, các cấp hội đẩy mạnh tuyên truyền theo phương châm lấy cán bộ, đảng viên đi đầu để người dân noi theo và mỗi cán bộ, đảng viên sẽ tiếp tục là đội ngũ tuyên truyền viên hữu hiệu đến những người xung quanh.
Cùng đó, các cấp hội chú trọng thực hiện công tác tập huấn về mô hình CDHT. Từ năm 2021 đến nay, HKH thành phố đã phối hợp với Phòng GD&ĐT tổ chức 5 cuộc tập huấn với hơn 600 lượt người dự; HKH cấp cơ sở phối hợp tổ chức được gần 30 cuộc với trên 1.500 lượt người tham dự. Ngoài ra, HKH thành phố còn tham mưu Ban Chỉ đạo xây dựng xã hội học tập thành phố thành lập các đoàn kiểm tra xây dựng mô hình CDHT tại 13 đơn vị phường, xã. Qua kiểm tra, hầu hết các đơn vị đều thực hiện rất nghiêm túc.
Kết quả sau 2 năm triển khai, mô hình CDHT đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trên địa bàn thành phố. Nếu như năm 2021, toàn thành phố mới có 90 người đăng ký tham gia và có 98% số người đăng ký đạt danh hiệu CDHT thì hiện tại, toàn thành phố có 30.689 cá nhân đăng ký thì có 22.975 người đạt danh hiệu CDHT. Với kết quả này, thành phố Lạng Sơn là địa bàn có số người đạt danh hiệu CDHT cao nhất trên toàn tỉnh.
Qua việc triển khai mô hình, mỗi cá nhân đều có nhận thức đầy đủ, đúng đắn về sự cần thiết mỗi công dân phải là một CDHT, đơn vị phải là đơn vị học tập trong thời kỳ cách mạng 4.0 hiện nay… Ông Vi Văn Rao, Bí thư Chi bộ, Khối trưởng khối 8, phường Đông Kinh cho biết: Nhờ được tuyên truyền về mô hình, tôi hiểu rằng CDHT là những người biết tự học và áp dụng kiến thức vào thực tiễn để giúp bản thân, gia đình có cuộc sống tốt đẹp hơn. Với đặc thù công việc hay phải làm các văn bản nên tôi đã quyết tâm tìm hiểu và sử dụng được thành thạo phần mềm Word và Excel. Không chỉ vậy, tôi còn ứng dụng mạng xã hội bằng cách lập nhóm Zalo chung để tuyên truyền, vận động và trao đổi thông tin giữa các hộ dân với khối trưởng để kịp thời giải quyết các công việc chung.
Bà Lê Kim Hòa, Chủ tịch HKH tỉnh đánh giá: Thời gian qua, với sự quyết tâm, đa dạng trong cách làm, các cấp HKH thành phố đã thực hiện rất tốt việc xây dựng mô hình CDHT, qua đó tạo được sức lan tỏa mạnh trên địa bàn. Đây cũng là đơn vị có số cá nhân đạt danh hiệu CDHT cao nhất trên toàn tỉnh. Kết quả trên là nền tảng để tiến tới xây dựng xã hội học tập trên địa bàn thành phố nói riêng và toàn tỉnh nói chung bởi lẽ muốn có được các mô hình gia đình, dòng họ, cơ quan – đơn vị, cộng đồng học tập thì trước hết phải có những CDHT.
Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, các cấp HKH của thành phố phấn đấu có trên 40.000 người đăng ký danh hiệu CDHT và trên 55% số cá nhân đăng ký đạt danh hiệu CDHT.
Người được đánh giá là CDHT phải đạt 80/100 điểm, ứng với 10 tiêu chí dựa trên 3 năng lực cốt lõi gồm: năng lực tự học và học tập suốt đời: công dân phải dành thời gian đọc sách báo, cập nhật thông tin trên báo, đài và biết xây dựng kế hoạch học tập tại cộng đồng, trung tâm dạy nghề hoặc trung tâm ngoại ngữ – tin học…; năng lực sử dụng công cụ học tập, làm việc: công dân biết sử dụng thiết bị thông minh như máy tính, điện thoại…; năng lực xây dựng và thực hiện các mối quan hệ xã hội: thân thiện, hòa đồng với mọi người và biết hợp tác, chia sẻ trong sản xuất, kinh doanh… |
Ý kiến ()