"Xây dựng Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp đáp ứng yêu cầu thực tiễn": Phát triển công nghiệp quốc phòng thành một mũi nhọn của công nghiệp quốc gia
Nhận rõ tầm quan trọng của công nghiệp quốc phòng (CNQP), động viên công nghiệp với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng, Nhà nước và Quân đội ta luôn quan tâm xây dựng, hoàn thiện và triển khai thực hiện các chính sách thúc đẩy phát triển CNQP, động viên công nghiệp.
Thực hiện sự lãnh đạo của Đảng, sự phân công của Chính phủ, Bộ Quốc phòng chủ trì xây dựng dự án Luật CNQP, an ninh và động viên công nghiệp để Chính phủ trình Quốc hội khóa XV xem xét, cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ sáu; xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ bảy. Để góp phần xây dựng dự án Luật CNQP, an ninh và động viên công nghiệp, bắt đầu từ số báo này, Báo Quân đội nhân dân mở Chuyên mục "Xây dựng Luật CNQP, an ninh và động viên công nghiệp đáp ứng yêu cầu thực tiễn". Bạn đọc quan tâm và có ý kiến đóng góp cho dự án luật, xin gửi ý kiến, bài cộng tác về chuyên mục theo địa chỉ: Phòng biên tập Kinh tế-Xã hội-Nội chính, Báo Quân đội nhân dân, số 8 Lý Nam Đế, phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội hoặc email: [email protected]. Điện thoại: 024 3845 6735 / 069 551 285. |
Phát triển CNQP là một trong những nội dung được nhấn mạnh tại các kỳ đại hội Đảng. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta đã đưa ra những định hướng quan trọng cho phát triển CNQP. Cụ thể, tại Báo cáo chính trị trình đại hội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII nêu rõ yêu cầu: "Phát triển CNQP, an ninh kết hợp phục vụ dân sinh"; "Xây dựng, phát triển nền CNQP, công nghiệp an ninh hiện đại, lưỡng dụng, vừa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc vừa góp phần quan trọng phát triển kinh tế xã-hội (KT-XH)...".
Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm 2021-2030 cũng nêu rõ: "Phát triển CNQP, an ninh theo hướng lưỡng dụng, thực sự trở thành một mũi nhọn của công nghiệp quốc gia; nghiên cứu sản xuất vũ khí công nghệ cao; tăng cường tiềm lực tận dụng và đẩy mạnh phát triển liên kết CNQP, an ninh và công nghiệp dân sinh"; "Đẩy mạnh đầu tư và ứng dụng khoa học, công nghệ trong nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; phát triển CNQP, an ninh theo hướng lưỡng dụng, ngày càng hiện đại, có trình độ khoa học-công nghệ cao, là bộ phận quan trọng và trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia, chế tạo được một số loại vũ khí có ý nghĩa chiến lược, từng bước bảo đảm vũ khí, trang bị cho lực lượng vũ trang".
Thực tiễn lịch sử phát triển CNQP của nước ta cho thấy, CNQP luôn là một bộ phận quan trọng của công nghiệp quốc gia, có đóng góp quan trọng không chỉ trong việc bảo đảm vũ khí, trang bị, phương tiện kỹ thuật phục vụ các cuộc chiến tranh giành độc lập, tự do, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, mà còn trong việc thúc đẩy phát triển KT-XH của cả nước. Nhiều sản phẩm CNQP mang tính lưỡng dụng đã đáp ứng được nhu cầu của xã hội, được người tiêu dùng rất ưa chuộng, trở thành những thương hiệu mạnh.
Các sản phẩm hàng hóa mang tính kinh tế phục vụ đời sống dân sinh trở thành lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phát triển ngày càng mạnh, vừa đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài nước, góp phần trực tiếp vào nền sản xuất hàng hóa của Việt Nam, vừa góp phần bảo đảm việc làm cho người lao động của doanh nghiệp CNQP trong bối cảnh nhiệm vụ sản xuất hàng quốc phòng trong thời bình không thể khai thác hết năng lực sản xuất và mang lại mức lương đủ để thu hút, giữ chân người lao động.
Thực tiễn các cuộc xung đột vũ trang, chiến tranh giữa các quốc gia trong thời gian gần đây càng cho thấy vai trò của CNQP trong phát triển công nghiệp quốc gia, làm bệ đỡ cho phát triển KT-XH khi hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp dân sự bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi chiến tranh.
Vì thế, có thể khẳng định, việc phát triển CNQP trở thành một mũi nhọn của công nghiệp quốc gia là vấn đề mang tính chiến lược, vừa cấp bách, vừa cơ bản, lâu dài.
Thực tế ở các doanh nghiệp CNQP hiện nay cho thấy, nhiệm vụ sản xuất hàng kinh tế phục vụ dân sinh luôn được coi là nhiệm vụ thứ yếu. Điều này là đương nhiên, bởi nhiệm vụ sản xuất hàng quốc phòng là nhiệm vụ chính, chủ yếu và thường xuyên của các doanh nghiệp CNQP nên luôn được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, trong bối cảnh doanh nghiệp cạnh tranh gay gắt trong việc tìm kiếm và giữ đơn hàng, đối tác, sự ngắt quãng-nhất là ngắt quãng không báo trước-khi thực hiện hợp đồng sản xuất hàng hóa trở thành một trở ngại không hề nhỏ cho các doanh nghiệp CNQP trong cuộc cạnh tranh vô cùng khốc liệt này.
Vì thế, bên cạnh nhu cầu được tạo điều kiện cho các doanh nghiệp CNQP thực hiện đơn hàng kinh tế của các đối tác, các doanh nghiệp CNQP cũng có nhu cầu rất lớn về vốn và nguồn vốn để có thể thực hiện độc lập sản xuất hàng hóa, phát triển thị trường mà không còn phải phụ thuộc vào các đối tác đặt hàng. Do vậy, giải pháp về vốn, nguồn vốn dành cho doanh nghiệp CNQP là một trong những nội dung nhận được sự quan tâm và kỳ vọng rất lớn của các doanh nghiệp CNQP trong dịp Quốc hội xem xét dự án Luật CNQP, an ninh và động viên công nghiệp lần này.
Khi giải pháp về vấn đề này được quan tâm xây dựng và triển khai thi hành, đây sẽ là đòn bẩy mang lại sức bung mạnh mẽ để CNQP phục vụ phát triển KT-XH, thực sự trở thành một mũi nhọn của công nghiệp quốc gia.
Ý kiến ()