tle=”Click vào để xem ảnh phóng to” rel=””> amesmall” src=”http://nhandan.com.vn/media/k2/items/cache/1993/df55bdb0f0e5e13880a91285db2b7eec_L.jpg” border=”0″ alt=”Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank). Ảnh: THÁI HÒA” /> Theo Dự thảo Nghị định của Chính phủ về thanh toán bằng tiền mặt (dưới đây gọi tắt là Dự thảo), việc dùng tiền mặt chỉ còn được áp dụng trong trường hợp chi trả tiền lương, tiền công, phụ cấp lương, thưởng cho người lao động; chi trả tiền thu mua nông, lâm, thổ, hải sản và các loại vật tư khác hoặc các khoản thanh toán khác dưới hạn mức thanh toán bằng tiền mặt được Nhà nước quy định.
Cá nhân không thanh toán tiền mặt trực tiếp đối với: Mua, bán, chuyển nhượng chứng khoán trên hoặc không qua Sở giao dịch chứng khoán (GDCK) và trung tâm giao dịch chứng khoán (TTGDCK); Mua, bán, chuyển nhượng các tài sản khác phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng, gồm: máy bay; tàu thủy, sà-lan, ca-nô, tàu kéo, tàu đẩy; ô-tô (kể cả ô-tô điện), rơ-moóc hoặc sơ-mi rơ-moóc được kéo bởi ô-tô phải đăng ký và gắn biển số do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp; Các giao dịch khác có giá trị vượt hạn mức thanh toán bằng tiền mặt, gồm: Mua, bán, chuyển nhượng bất động sản; xe mô-tô hai bánh, xe máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự phải đăng ký và gắn biển số; giao dịch góp vốn bằng tiền. Các tổ chức cũng bị cấm không được dùng tiền mặt giao dịch bất động sản, chứng khoán, tàu bay, tàu thủy, ô-tô (bất kể giá trị giao dịch) và thanh toán cho tổ chức, cá nhân khác với số tiền vượt hạn mức (hiện hạn mức được phép thanh toán bằng tiền mặt dưới 30 triệu đồng đang được thực hiện theo Nghị định 161/2006/NÐ-CP)…
Trước hết, thực chất của dự thảo Nghị định của Chính phủ về thanh toán bằng tiền mặt là nhằm tăng cường quy mô và thói quen giao dịch thanh toán qua ngân hàng, chứ không phải là cấm người dân sở hữu, sử dụng hay giao dịch tiền mặt. Người dân sẽ giảm bớt các rủi ro liên quan đến an ninh cá nhân, thiệt hại do mất mát tiền hoặc tiền cũ, tiền rách và các phiền toái khác khi không còn dùng quá nhiều tiền mặt trong đời sống cá nhân. Theo Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước), việc mở rộng quy định giao dịch thanh toán qua ngân hàng (với các hình thức chuyển khoản, séc hay ủy nhiệm chi, ủy nhiệm thu qua ngân hàng) là nhằm tạo sự an toàn cho người dân khi có nhu cầu mua, bán tài sản có giá trị lớn như ô-tô, nhà đất… Người dân sẽ không phải cầm số tiền lớn để thanh toán trực tiếp với nhau, hạn chế được rủi ro như bị cướp giật, tiền rách, giả, thiếu tiền, cũng như giúp người dân chứng minh được tính hợp pháp gắn với bảo đảm tài sản sở hữu, đặc biệt trong các trường hợp kiện tụng, tranh chấp tài sản, về lâu dài tạo tính an toàn và minh bạch trong giao dịch. Bên cạnh đó, việc tăng cường giao dịch qua ngân hàng sẽ giúp phát triển các dịch vụ đa dạng của hệ thống ngân hàng thương mại, hạn chế quy mô sử dụng tiền mặt, cũng như những mầm mống bất ổn về an ninh trật tự xã hội, thất thu thuế và tham nhũng…
Hơn nữa, cần thấy rằng, tăng cường thực hiện các giao dịch thanh toán qua hệ thống ngân hàng hiện đại, có cơ sở hạ tầng thanh toán tốt, với mạng lưới chi nhánh và đơn vị chấp nhận thanh toán phủ khắp đất nước, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp là phù hợp với xu huớng thế giới về quản lý tài chính, văn minh tiền tệ, nhằm tăng cường quản lý chặt chẽ về tài sản, minh bạch thu nhập của người dân, tiết kiệm chi phí chung cho xã hội, giảm bớt hiện tượng trốn thuế, tham nhũng và rửa tiền…. Ở Thụy Ðiển, tỷ lệ tiền mặt trong tổng phương tiện thanh toán của Thụy Ðiển sau năm 2000 chỉ còn 0,7%, so với hơn 17% trước năm 1999. Hiện tại, người dân chi hơn 50 USD đều phải thanh toán qua thẻ tín dụng. Nước Mỹ, với hơn 200 năm phát triển ngân hàng nói chung, trong đó có gần một trăm năm áp dụng thanh toán qua ngân hàng, nay chỉ khoảng 1% thanh toán bằng tiền, còn lại thanh toán qua thẻ tín dụng hay ngân hàng. Các ngân hàng thương mại Việt Nam mới có lịch sử 20 năm và 6 năm áp dụng Nghị định hạn chế sử dụng tiền mặt, trong khi còn quá nhiều bất cập về tổ chức, năng lực, trình độ công nghệ, tính chuyên nghiệp và trách nhiệm, thì việc chỉ còn 13% tổng thanh toán xã hội dùng tiền mặt hiện nay là một cố gắng lớn và đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, không ít ý kiến người dân, chuyên gia và các đối tượng xã hội khác có liên quan đến Dự thảo, cũng băn khoăn: Liệu có quá cực đoan, duy ý chí không khi áp dụng quá nhanh, quá rộng quy định các giao dịch buộc phải thanh toán qua ngân hàng, trong khi điều kiện về cơ sở vật chất và thực tế đời sống chưa thật chín muồi. Giao dịch qua ngân hàng hiện còn mất nhiều thời gian chờ đợi, dù chỉ là mang tiền mặt đến gửi tiết kiệm hay chuyển khoản cho bên nhận. Hơn nữa, người dân sẽ bức xúc hơn khi ngoài chuyện nộp thuế theo quy định, tự dưng “mất không” một khoản tiền lớn tỷ lệ thuận với quy mô giao dịch cho ngân hàng khi buộc phải đến gõ cửa nhờ ngân hàng thu-trả tiền theo quy định của Dự thảo. Chắc chắn với mức tăng giá – lạm phát và đời sống hiện nay, thì các giao dịch thuộc diện mất phí này sẽ ngày càng tăng. Việc buộc người dân gửi tiền với lãi suất thấp vào ngân hàng để giao dịch, trong khi phải trả phí giao dịch cao sẽ chỉ có lợi cho ngân hàng. Ngoài ra, không ai dám bảo đảm rằng sẽ không phát sinh nhũng nhiễu và ảnh huởng tiêu cực đến quyền công dân và đời sống xã hội khi việc đưa ra các ràng buộc như phải có chứng từ của ngân hàng mới được đăng ký tài sản; nhất là các giao dịch này diễn ra tại các địa bàn mà dịch vụ ngân hàng còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng…
Kinh nghiệm nước ngoài cho thấy, trong lĩnh vực thanh toán qua ngân hàng cần xây dựng đồng bộ nhiều luật khác nhau như Luật Thanh toán bằng tiền mặt, Luật Séc, Luật Hối phiếu, Luật Phòng chống rửa tiền. Thực tế cũng đã, đang và sẽ còn cho thấy, một chính sách khi chuẩn bị ban hành cần phải có những cơ chế, chính sách khuyến khích và lộ trình hợp lý để người dân tham gia, tránh gây sốc; đặc biệt, cần hài hòa các lợi ích và mục tiêu, tránh nóng vội và nhất là bị chi phối bởi lợi ích nhóm hay lối tư duy nhiệm kỳ trong quản lý nhà nước, nhất là các vấn đề quốc kế dân sinh nhạy cảm. Hãy làm thế nào để người dân thấy được tiện ích của việc thanh toán qua ngân hàng để tự tìm đến chứ không đơn phương áp đặt khiến phát sinh những hệ lụy mới, phức tạp mà vẫn không đạt mục tiêu quản lý nhà nước như kỳ vọng.
Vì vậy, cần một lộ trình cụ thể phù hợp, “thấu lý đạt tình” cho quy định về thanh toán bằng tiền mặt, nhận được sự đồng thuận và khuyến khích tự giác thực hiện cao của mọi người dân và doanh nghiệp, đồng thời tiện lợi cho cơ quan quản lý nhà nước trong phát triển các dịch vụ ngân hàng nói chung, phát triển các giao dịch thanh toán qua ngân hàng nói riêng.
Với tinh thần đó, trước mắt, cần áp dụng giai đoạn đầu các quy định của Dự thảo về bắt buộc giao dịch qua ngân hàng cho các giao dịch sử dụng ngân sách, cũng như các giao dịch của doanh nghiệp với nhau và với Nhà nước. Sau khi rút kinh nghiệm mới mở rộng dần, có các quy định cụ thể, với các khuyến khích áp dụng về đối tượng, quy mô, tỷ lệ, thời gian, chi phí, địa bàn và tính chất các giao dịch thanh toán khác của người dân, trong sự đồng bộ với khuôn khổ luật pháp chung, bảo đảm lợi ích dân sự và quyền công dân. Ðồng thời, cần lành mạnh và minh bạch hóa hệ thống và của từng ngân hàng thương mại; có kế hoạch tái cơ cấu và phát triển các dịch vụ, tiện ích của ngân hàng, xây dựng quy trình, trách nhiệm, chế tài cho các bên liên quan, bảng phí chuyển khoản và các chi phí dịch vụ liên quan phù hợp, giá rẻ. Một khi các điều kiện để thực hiện Dự thảo vẫn chưa đủ, chưa bảo đảm, chưa đồng bộ; các ngân hàng không đủ tin cậy về tài chính, với nợ xấu cao, hệ số tín nhiệm xếp hạng của ngân hàng không có hoặc không rõ ràng; phí chuyển khoản và dịch vụ ngân hàng cao, không phù hợp với thực tế các chi phí và lợi nhuận kinh doanh khác; thời gian thực hiện giao dịch không thuận lợi (ngân hàng nghỉ thứ bảy, chủ nhật và chỉ làm vào giờ hành chính), cùng quy trình chậm chạp; trách nhiệm của ngân hàng không chặt chẽ; dịch vụ ngân hàng chưa thân thiện và hấp dẫn…, tất cả sẽ tạo ra những rào cản thủ tục cùng các e ngại và khó khăn khác, khiến người dân chưa muốn và tự giác giao dịch thanh toán qua ngân hàng.
Nhandan
Nhandan
Ý kiến ()