Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân trong các đoàn thể quần chúng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là minh chứng sinh động về sức mạnh vĩ đại của khối đại đoàn kết dân tộc. Trong cuộc vận động Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh đã dày công xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân thông qua Mặt trận Việt Minh, trước hết là chăm lo xây dựng và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết trong các đoàn thể quần chúng.
Quần chúng cách mạng và tự vệ chiến đấu Hà Nội chiếm Phủ Khâm sai (Bắc Bộ phủ), ngày 19/8/1945. (Ảnh: TƯ LIỆU TTXVN) |
“Việc cứu quốc là việc chung. Ai là người Việt Nam đều phải kề vai gánh vác một phần trách nhiệm”, Đảng chủ trương mở rộng tối đa khối đại đoàn kết, tập hợp lực lượng.
Đảng xác định rằng: Tất cả các giai cấp, các giới trong cộng đồng dân tộc đều có mục tiêu chung là đánh Pháp, đuổi Nhật, giành độc lập tự do cho xứ sở, do đó, hết thảy các tổ chức của các giới đều phải liên hiệp lại trong Mặt trận Việt Minh để “đặng có sức mạnh đánh kẻ thù chung”. Mặt trận Việt Minh còn có thể và cần thiết bao gồm “hết thảy các đảng phái cách mệnh”.
Tuy nhiên, mỗi giới đồng bào có quyền lợi riêng và xu hướng riêng, do đó, giới nào phải tổ chức riêng cho giới ấy để cho người trong một giới dễ gần gũi, dễ làm việc với nhau. Trong mỗi giai cấp, mỗi giới đồng bào lại có nhiều mức giác ngộ và xu hướng khác nhau, do đó, trong mỗi giai cấp, mỗi giới “có thể có nhiều tổ chức khác nhau”, “Có như thế tổ chức quần chúng mới mau phát triển”.
Từ nhận thức đúng đắn đó, trên cơ sở đánh giá chính xác tinh thần và khả năng cách mạng của các tầng lớp nhân dân, Đảng chủ trương xây dựng những đoàn thể quần chúng cứu quốc là những tổ chức có “tính cách chính trị cách mệnh rõ rệt”, đóng vai trò chủ đạo trong tập hợp, thắt chặt đội ngũ và phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc.
Đó là các tổ chức: Công nhân cứu quốc hội, Nông dân cứu quốc hội, Thương nhân cứu quốc hội; Thanh niên cứu quốc đoàn, Phụ nữ cứu quốc đoàn, Đội tự vệ cứu quốc; Văn hóa cứu quốc hội; Nhi đồng cứu quốc hội, Thiếu niên tiền phong đội… Trong đó, các đoàn thể thợ thuyền và dân cày đóng vai trò quan trọng nhất, đó là “xương sống của Mặt trận dân tộc thống nhất chống Nhật-Pháp”.
Trên tinh thần “chân chính” và “thành thật, dân chủ” trong thực hiện mục tiêu “ích nước, lợi dân”, Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh chủ trương tổ chức nhiều đoàn thể quần chúng “đơn sơ, không điều lệ…, nhẹ nhàng, bán công khai hoặc công khai”, để thu hút được quảng đại quần chúng trong hoàn cảnh hoạt động bí mật, bị địch khủng bố.
Theo đó, đối với giai cấp công nhân, bên cạnh Hội công nhân cứu quốc, tổ chức thêm các hội Ái hữu, Tương tế, Công nhân tự vệ đội,… Đối với giai cấp nông dân, ngoài Hội nông dân cứu quốc, tổ chức các hội Tương tế, phường, bạn, hội hiếu hỷ, đội tự vệ,…
Những hình thức tổ chức linh hoạt, tùy hoàn cảnh, tùy từng địa phương cụ thể là “những bậc thang đưa quần chúng bước lên các tổ chức cứu quốc… là muôn nghìn cái chân của Mặt trận thống nhất phản đế trong quần chúng”.
Đối với thanh niên, bên cạnh Thanh niên cứu quốc đoàn, tổ chức các đoàn du lịch, nhóm tự học, nhóm nghệ thuật, nhóm tự học viết văn, nhóm đá bóng, đoàn ca kịch… Đối với phụ nữ, bên cạnh Phụ nữ cứu quốc đoàn, tổ chức các nhóm phụ nữ học quốc ngữ, hợp tác xã buôn chung, nhóm học đan, đọc sách, xem báo…
Những hình thức tổ chức linh hoạt, tùy hoàn cảnh, tùy từng địa phương cụ thể là “những bậc thang đưa quần chúng bước lên các tổ chức cứu quốc… là muôn nghìn cái chân của Mặt trận thống nhất phản đế trong quần chúng”. Càng tiến gần đến Tổng khởi nghĩa, hệ thống các đoàn thể quần chúng càng mở rộng, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc càng tăng, lực lượng chính trị của quần chúng càng hùng mạnh.
Việt Nam nông dân cứu quốc hội (gọi tắt là Hội nông dân cứu quốc) cùng các hội, đoàn thể khác do nông dân tổ chức ra đóng vai trò tập hợp khối đại đoàn kết của nông dân vào cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do.
Hội nông dân cứu quốc là tổ chức liên hiệp “hết thảy các hạng nông dân yêu nước”, hễ ai là nông dân, từ 18 tuổi trở lên, đều có thể tham gia Hội cùng đoàn kết đấu tranh “binh vực quyền lợi hằng ngày… và cùng với các đoàn thể khác chuẩn bị đánh Pháp, đuổi Nhật giành quyền độc lập lại cho nước Việt Nam”. Tôn chỉ của Hội vừa kêu gọi giành quyền lợi thiết thực trước mắt vừa phục vụ lợi ích chung của dân tộc.
Sức mạnh đấu tranh của khối đại đoàn kết nông dân ngày càng gia tăng, tạo nên những làn sóng đấu tranh trực diện, liên tục, rộng khắp từ chống sưu cao, thuế nặng, chống chiếm đất công, đòi chia lại công điền, công thổ, chống bắt lính, bắt phu, đóng góp gây quỹ cho Mặt trận,… đến khởi nghĩa từng phần, phá kho thóc chống nạn đói trong cao trào kháng Nhật cứu nước. Khi thời cơ đến, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Mặt trận Việt Minh, lực lượng hùng hậu của nông dân đã cùng các đoàn thể quần chúng tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi.
Hội Công nhân cứu quốc và các tổ chức công nhân như Nghiệp đoàn, Hội tương tế, Hội ái hữu, Tổng công đoàn Nam Kỳ… đóng vai trò đoàn kết giai cấp công nhân trong các xí nghiệp vào cuộc đấu tranh đánh Pháp, đuổi Nhật.
Các đoàn thể công nhân, nhất là Hội công nhân cứu quốc đã quy tụ đông đảo công nhân các xí nghiệp, nhà máy, hầm mỏ, đồn điền, thợ tiểu thủ công nghiệp, thợ giày, bồi bếp, lái xe… trên cả nước, nhất là tại các trung tâm công nghiệp, các đô thị, các đồn điền… vào phong trào đấu tranh chống đàn áp, chống cúp lương, đòi tăng lương, giảm giờ làm, chống giới chủ đánh đập, bạc đãi…
Sức mạnh của khối đại đoàn kết công nhân đóng vai trò chủ chốt trong các hoạt động tuyên truyền vũ trang sôi động, táo bạo trong cao trào đấu tranh tiền khởi nghĩa và trực tiếp tham gia, góp phần quan trọng trong Tổng khởi nghĩa ở các thành phố lớn, các trung tâm đầu não của kẻ thù.
Thanh niên cứu quốc đoàn, Phụ nữ cứu quốc đoàn, Hội Văn hóa cứu quốc đã làm nòng cốt và cùng nhiều tổ chức, hội đoàn khác như: Hội truyền bá quốc ngữ, Hội hướng đạo, Tổng hội sinh viên…, đóng vai trò đoàn kết các tầng lớp trí thức, văn nghệ sĩ, nhà văn hóa, thanh niên học sinh trong cuộc đấu tranh chống văn hóa nô dịch, phản động của Nhật, Pháp và tay sai; tuyên truyền tinh thần yêu nước, tư tưởng tiến bộ, tăng cường ảnh hưởng của cách mạng tại các trung tâm văn hóa, chính trị, thiết thực góp phần vào công cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc.
Để thu hút, tập hợp, đoàn kết bộ phận sinh viên, trí thức, tiểu tư sản lớp trên, Đảng Dân chủ Việt Nam ra đời ngày 30/6/1944, với mục tiêu tôn chỉ là đấu tranh cho độc lập dân tộc, tự do dân chủ, dân sinh hạnh phúc. Đảng Dân chủ Việt Nam tuyên bố là một thành viên của Mặt trận Việt Minh đã tạo điều kiện để Đảng tranh thủ tầng lớp trung gian, làm thất bại âm mưu của phát-xít và tay sai lôi kéo tư sản dân tộc và tầng lớp trí thức.
Tổ chức Thanh niên Tiền phong, thành lập tháng 6/1945, ở Sài Gòn, là một hình thức tập hợp lực lượng rất sáng tạo của Xứ ủy Nam Kỳ tranh thủ thời cơ và khả năng hoạt động công khai. Chỉ trong một thời gian ngắn, tổ chức của Thanh niên Tiền phong đã phát triển mạnh mẽ, lan ra hầu hết các tỉnh Nam kỳ, thu hút, đoàn kết mọi tầng lớp, lứa tuổi, giới tính vào tổ chức.
Công đoàn bí mật và các hình thức tổ chức sáng tạo của nó đã thật sự trở thành nòng cốt cho phong trào Thanh niên Tiền phong. Thanh niên Tiền phong hoạt động sôi nổi: Tổ chức huấn luyện chính trị, huấn luyện quân sự; tiến hành các hoạt động xã hội như truyền bá quốc ngữ, giữ gìn trật tự, cứu tế cho miền bắc…
Ngày 22/8/1945, Thanh niên Tiền phong tuyên bố đứng trong Mặt trận Việt Minh. Thanh niên Tiền phong là tổ chức đoàn kết lực lượng cách mạng hùng hậu nhất ở Nam Bộ, đóng vai trò quan trọng làm nên thắng lợi của Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 ở Sài Gòn và các tỉnh Nam Kỳ.
Để huy động mọi nguồn lực của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Đảng và Mặt trận Việt Minh còn kêu gọi đồng bào sống ở nước ngoài hướng về xứ sở. Tháng 2/1945, Tổng hội Việt kiều cứu quốc toàn Thái-Lào – một chi nhánh của Mặt trận Việt Minh, được thành lập nhằm tạo điều kiện cho người Việt định cư Thái Lan và Lào đoàn kết, đóng góp vào sự nghiệp cứu nước.
Hiện thực lịch sử cuộc vận động Cách mạng Tháng Tám 1945 rất sinh động cho thấy sáng tạo của Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh.
Hiện thực lịch sử cuộc vận động Cách mạng Tháng Tám 1945 rất sinh động cho thấy sáng tạo của Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh: Chủ trương xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên mọi địa bàn, mọi giai cấp, tầng lớp trong cộng đồng dân tộc Việt Nam thông qua mở rộng mô hình tổ chức quần chúng trong Mặt trận Việt Minh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định kết quả của đường lối sáng tạo này: “Trong một thời gian ngắn, các giai cấp đoàn kết thành một khối, muôn dân đoàn kết để mưu hạnh phúc chung là nước được hoàn toàn độc lập và chống được giặc xâm lăng, đuổi bọn thực dân tham ác ra ngoài bờ cõi”(1). Những thành công và bài học về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong các đoàn thể quần chúng trong cuộc vận động Cách mạng Tháng Tám 1945 vẫn còn nguyên giá trị đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập – Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 4, tr 48.
Nguồn:https://nhandan.vn/xay-dung-khoi-dai-doan-ket-toan-dan-trong-cac-doan-the-quan-chung-post768131.html
Ý kiến ()