Cán bộ Công ty 78 - Binh đoàn 15 giới thiệu cây lúa nước do đơn vị trồng giúp bà con xã Mo Rai, huyện Sa Thầy (Kon Tum). ( Ảnh: QUANG HỒI ) Binh đoàn 15 (Bộ Quốc phòng) đứng chân trên địa bàn 220 thôn làng của 33 xã, phường, thị trấn thuộc các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Quảng Bình, Bình Định... Cùng với việc phát triển kinh tế, giữ vững quốc phòng an ninh (QPAN) trên địa bàn, Binh đoàn đã làm tốt công tác dân vận, xây dựng tình cảm giữa những người lính với người dân; giữa người dân với người dân, tạo nên tình đoàn kết gắn bó keo sơn trong cộng đồng.Một trong những thành công đó là mô hình "Gắn kết hộ công nhân người Kinh với hộ đồng bào dân tộc thiểu số địa phương" được Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh đoàn 15 phát động từ năm 2006, ban đầu với 30 cặp hộ công nhân là người Kinh và hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), đến nay đã có 4.276 cặp hộ gắn kết với nhau.Chúng tôi đến thăm Tổ sản xuất số 3, đứng chân...
Cán bộ Công ty 78 – Binh đoàn 15 giới thiệu cây lúa nước do đơn vị trồng giúp bà con xã Mo Rai, huyện Sa Thầy (Kon Tum). ( Ảnh: QUANG HỒI ) |
Binh đoàn 15 (Bộ Quốc phòng) đứng chân trên địa bàn 220 thôn làng của 33 xã, phường, thị trấn thuộc các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Quảng Bình, Bình Định… Cùng với việc phát triển kinh tế, giữ vững quốc phòng an ninh (QPAN) trên địa bàn, Binh đoàn đã làm tốt công tác dân vận, xây dựng tình cảm giữa những người lính với người dân; giữa người dân với người dân, tạo nên tình đoàn kết gắn bó keo sơn trong cộng đồng.
Một trong những thành công đó là mô hình “Gắn kết hộ công nhân người Kinh với hộ đồng bào dân tộc thiểu số địa phương” được Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh đoàn 15 phát động từ năm 2006, ban đầu với 30 cặp hộ công nhân là người Kinh và hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), đến nay đã có 4.276 cặp hộ gắn kết với nhau.
Chúng tôi đến thăm Tổ sản xuất số 3, đứng chân trên địa bàn làng Kro, xã Ia Krêl (Đức Cơ, Gia Lai) do anh Phan Bá Hậu làm tổ trưởng. Anh Hậu cũng là một trong những người đầu tiên hưởng ứng phong trào nói trên. K’sor Tiên, dân tộc Gia Rai, người anh em kết nghĩa với anh Hậu tâm sự: Từ hồi nhận kết nghĩa, anh Hậu tận tình giúp đỡ nhiều việc lắm, từ việc sản xuất cho đến cách ăn, nếp ở.
Ai cũng biết, trước đây nhà Ksor Tiên là một trong những hộ nghèo, vợ chồng làm lụng vất vả quanh năm, nhưng vẫn đói ăn, thiếu mặc. Đất canh tác có nhưng đều bỏ hoang, chỉ trồng một ít lúa, ngô, thiếu ăn đến vài ba tháng trong năm. Bây giờ thì đời sống của nhà Ksor Tiên khác trước nhiều rồi, không những đủ ăn mà còn có tích lũy. Ngoài việc nhận khoán chăm sóc hai ha cao-su của một công ty trồng cao-su, vợ chồng K’sor Tiên còn mở rộng diện tích, đưa hết quỹ đất canh tác vào sản xuất. Hiện nay, tài sản riêng của nhà K’sor Tiên lên đến bạc tỷ, trong đó có 2,5 sào cao-su tiểu điền, 0,5 ha cà-phê, 300 trụ tiêu, hai ha mì cao sản và nuôi được hơn chục con bò và lợn sinh sản. Sắp tới, gia đình anh còn cải tạo lại vườn tạp để tiếp tục trồng mới thêm 1.000 trụ tiêu nữa. Anh Nguyễn Bá Hậu cho rằng, việc giúp đỡ bà con dân làng là trách nhiệm, bổn phận, anh nói: Mình quê ở Nghệ An vào lập nghiệp tại làng Kro, xã Ia Krêl từ năm 1995. Lúc mới vào, cuộc sống nghèo khổ lắm. Nhờ sự che chở, đùm bọc của bà con dân làng, kinh tế gia đình mình đã ổn định và khá hơn. Do vậy, việc giúp đỡ lại dân làng nơi mình đang sinh sống cũng là cái nghĩa, cái tình mình đáp lại với bà con.
Thiếu tướng, Tư lệnh Binh đoàn 15 Nguyễn Xuân Sang khẳng định, mô hình “Gắn kết hộ công nhân người Kinh với hộ đồng bào DTTS địa phương” là cách làm sáng tạo, mang tính nhân văn sâu sắc, làm phong phú thêm hình thức, chất lượng và hiệu quả trong phong trào thi đua “Dân vận khéo”.
Kết nghĩa giữa các hộ gia đình người Kinh với hộ đồng bào DTTS tại chỗ là một trong những hoạt động có hiệu quả của công tác dân vận ở tỉnh Đác Lắc. Hoạt động này đã làm tăng thêm tình đoàn kết, gắn bó, giúp nhau vượt qua khó khăn của người dân trên địa bàn. Theo Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Krông Năng (Đác Lắc) Phạm Thị On Ga: Các đơn vị kết nghĩa đã chú trọng giúp đỡ bà con phát triển kinh tế thông qua những việc làm cụ thể như: thành lập tổ, nhóm vay vốn, tổ xóa đói, giảm nghèo có địa chỉ; cử cán bộ hội viên xuống cơ sở tập huấn việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, tổ chức cho bà con tham quan mô hình làm ăn hiệu quả… Ngoài ra, các chi hội còn vận động những hội viên có đời sống kinh tế khá nhận đỡ đầu các chị có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, như hỗ trợ tiền mua cây, con giống…
Trước kia, đời sống của người dân trong buôn chủ yếu phụ thuộc vào cây ngô và lúa. Do đất canh tác của đồng bào trong buôn chủ yếu ở các đồi núi xa, muốn đến nơi phải băng qua một con suối lớn. Vào mùa mưa, nước lũ tràn về, người dân không thể lội qua nên đành bỏ hoang nương rẫy khiến đời sống càng thêm khó khăn… Là đơn vị nhận kết nghĩa với buôn Liêng Ông, Công ty xăng dầu Nam Tây Nguyên quyết định xây một cây cầu treo bắc qua sông trị giá gần 100 triệu đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào trong buôn và khu vực lân cận đi làm rẫy. Phó Chủ tịch UBND xã Dak Phơi (huyện Lắc, tỉnh Đác Lắc) Y Tuyên Buôn Krông cho biết, vùng canh tác nông nghiệp bên kia cầu là vùng đất trù phú rộng hơn 100 ha. Trước đây khi chưa có cây cầu này, chỉ cần vài trận mưa nhỏ là nước đã đổ về cuồn cuộn và bà con phải ở nhà không thể đi làm rẫy. Từ khi có cây cầu, giao thương thuận tiện, nên các loại nông sản như cà-phê, lúa, ngô, đậu sau thu hoạch bà con vận chuyển ngay về nhà không bị tư thương ép giá như trước đây. Nhiều hộ đã sắm được các tiện nghi như xe máy, ti-vi, máy kéo… góp phần cải thiện đáng kể tình hình kinh tế-xã hội của buôn.
Về buôn Bu Srê A, xã Đác Som (Đác Glong, Đác Nông) vào những ngày cuối tháng 4 lịch sử này, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự thay đổi nhanh chóng của buôn làng vùng sâu này. Nhiều con đường trong buôn đều được quét dọn sạch sẽ, các gia đình treo cờ Tổ quốc để kỷ niệm 37 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước và Ngày Quốc tế Lao động. Buôn trưởng K’Phim không giấu được niềm vui: Những năm gần đây, mặc dù kẻ xấu thường xuyên lén lút về các buôn làng xúi giục, kích động, nhưng bà con trong buôn đều cảnh giác, không nghe, không tin, không làm theo lời kẻ xấu, mà tập trung lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, xóa đói, giảm nghèo tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, tương thân, tương ái giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống. Nhờ đó, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn luôn ổn định.
Ở Kon Tum, để xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, tỉnh đã tập hợp, động viên lực lượng già làng, người tiêu biểu tham gia phong trào. Hiện nay, tỉnh Kon Tum có hơn 900 già làng tiêu biểu và người có uy tín trong cộng đồng, trong đó có gần 170 già làng là đảng viên. Tất cả các thôn làng trong toàn tỉnh đều có ” Tổ nòng cốt thôn”. Các tổ nòng cốt thôn tổ chức cho từng hộ gia đình trên địa bàn dân cư đăng ký chấp hành tốt các quy định của pháp luật, giảm thiểu vi phạm pháp luật, tạo sự ổn định về an ninh trật tự, an toàn xã hội ở địa phương.
Theo Nhandan
Ý kiến ()