Trong tiến trình lịch sử, trên vùng đất Hưng Yên văn hiến và cách mạng, đã tồn tại thương cảng Phố Hiến với câu nói “nhất Kinh kỳ, nhì Phố Hiến” thể hiện tư duy kinh tế và chính trị của vùng đất này. Đồng thời, ở đây cũng xuất hiện nhiều danh nhân có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và giải phóng đất nước. Trong số những người con ưu tú của Hưng Yên, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh là người tiêu biểu, trở thành niềm tự hào của quê hương.
Đồng chí Nguyễn Văn Linh, tên thật là Nguyễn Văn Cúc (còn gọi là Mười Cúc), sinh ngày 1-7-1915, tại làng Yên Phú, xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Mới 4 tuổi, đồng chí đã mồ côi cha, lên 10 tuổi, đồng chí mồ côi mẹ, phải ở với chú ruột tại Hải Phòng. Sống trong cảnh nước mất, nhà tan, khi mới 14 tuổi, đồng chí đã tham gia hoạt động trong phong trào Học sinh đoàn do Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên lãnh đạo. Bị địch bắt, kết án và giam cầm ở nơi địa ngục trần gian Côn Đảo trong khi chưa đủ tuổi thành niên, đồng chí vẫn luôn giữ vững khí tiết của người cộng sản.
Qua gần 70 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã được T.Ư Đảng giao phó nhiều trọng trách trong các cuộc kháng chiến cứu nước. Đến Đại hội VI của Đảng, đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư BCH T.Ư Đảng. Từ tổng kết thực tiễn trên nhiều lĩnh vực, đồng chí đã có những đóng góp tích cực và hiệu quả vào việc hoạch định đường lối, chính sách đổi mới của Đảng. Suốt nhiệm kỳ Đại hội VI, với cương vị là Tổng Bí thư BCH T.Ư Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã cùng tập thể lãnh đạo nhạy bén, chủ động, sáng tạo, linh hoạt chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua thời điểm khó khăn sau chiến tranh, tiến hành công cuộc đổi mới, thu được những thành tựu quan trọng, phát triển kinh tế – xã hội, củng cố quốc phòng – an ninh, cải thiện đời sống nhân dân, mở rộng quan hệ đối ngoại và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế… Đồng chí đã cùng các nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng sáng tạo và kiên định đường lối đổi mới trên nền tảng tư tưởng là chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện ''dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra''… Đánh giá về đồng chí, Điếu văn của BCH T.Ư Đảng nêu rõ: “đồng chí đã để lại cho cán bộ và nhân dân ta một tấm gương trong sáng về phẩm chất của người cộng sản “Tận trung với nước, tận hiếu với dân”, sống trung thực, thẳng thắn, chan hòa, gần gũi mọi người, giản dị và cần kiệm, ghét thói phô trương, hình thức…”.
Thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo mà người đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, từ Đại hội VI của Đảng, gần 25 năm qua, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã giành được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử. Trong bối cảnh ấy, Hưng Yên, với niềm tự hào là nơi sinh ra Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, nhà lãnh đạo kiên định, sáng tạo của Đảng, đã cùng các tỉnh, thành phố trong cả nước đẩy mạnh thực hiện công cuộc đổi mới, phát triển đất nước. Từ một tỉnh có cơ sở vật chất nghèo nàn, hạ tầng kỹ thuật thấp kém lúc mới tái lập tỉnh, đến nay, Hưng Yên đã vươn lên trở thành tỉnh khá trong cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng nhanh công nghiệp và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp. Thu nhập bình quân đầu người đạt 20 triệu đồng/năm. Thu ngân sách tăng bình quân hơn 15%/năm (năm 2010, sáu tháng đầu năm thu ngân sách của Hưng Yên đã đạt 1.383 tỷ đồng). Nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa, phát triển nhanh cây, con có giá trị kinh tế cao. Phát triển được gần 4.000 trang trại, gia trại, hoạt động có hiệu quả, tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Diện tích lúa chất lượng cao đạt 45%. Chương trình “nạc hóa” đàn lợn, “sind hóa” đàn bò, nuôi cá rô phi đơn tính xuất khẩu, sản xuất giống lúa, rau quả chất lượng cao được quan tâm phát triển. Hưng Yên là một trong hai tỉnh trong cả nước sớm thực hiện miễn thủy lợi phí cho nông dân; thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn và nông dân nhằm đẩy mạnh sản xuất; nhiều nghề truyền thống và các loại hình dịch vụ trong nông thôn được khuyến khích phát triển. Công nghiệp phát triển nhanh, giá trị sản xuất bình quân tăng 21%/năm. Trong 14 khu công nghiệp được quy hoạch đã có năm khu đi vào hoạt động và hai khu đã lấp đầy diện tích. Thu hút được 813 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký tương đương 3.590 triệu USD; 475 dự án đi vào hoạt động, đạt giá trị sản xuất gần 20 nghìn tỷ đồng/năm. Nhiều dự án có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao, đóng góp hơn 80% số thu ngân sách hằng năm, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 8 vạn lao động. Thương mại, dịch vụ tăng trưởng bình quân đạt 15%/năm. Giá trị xuất khẩu hàng nông sản và chế biến ngày càng tăng. Trải nhựa 100% tuyến đường tỉnh và cơ bản đường huyện; xây dựng hàng nghìn km đường giao thông nông thôn; phê duyệt xong quy hoạch thủy lợi; cải tạo nâng cấp cơ bản hệ thống kênh mương, nâng cao hiệu quả tưới tiêu. Cơ sở vật chất giáo dục, y tế được tăng cường; bưu chính, viễn thông được đầu tư cải tạo, nâng cấp hiện đại, đáp ứng nhu cầu thông tin phát triển kinh tế – xã hội. Một số công trình trọng điểm có ý nghĩa kinh tế – xã hội được đầu tư và hoàn thành như: Cầu Yên Lệnh, Trung tâm quảng trường tỉnh, đường 54 m. Thu ngân sách tăng bình quân hơn 15%/năm. Văn hóa – xã hội phát triển, nhiều mặt tiến bộ. Sự nghiệp giáo dục – đào tạo tiếp tục phát triển, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài. Có 157 trường đạt chuẩn quốc gia. Hưng Yên thuộc nhóm năm tỉnh có tỷ lệ học sinh vào đại học cao nhất toàn quốc. Đề án Khu Đại học Phố Hiến đã được Chính phủ phê duyệt, đang tích cực triển khai để sớm đi vào hoạt động. Công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học – công nghệ đạt nhiều kết quả. Chủ động phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời có hiệu quả các dịch bệnh. Công tác dân số, gia đình và trẻ em được quan tâm. Văn hóa, văn nghệ, thông tin, thể dục – thể thao cơ bản đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Quốc phòng, an ninh tiếp tục được củng cố, tăng cường. Giải quyết kịp thời các vụ việc khiếu kiện; kiềm chế tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội; an ninh chính trị, an ninh kinh tế, an ninh văn hóa-tư tưởng được bảo đảm. Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được duy trì.
Sinh thời, dù xa quê hương từ khi còn nhỏ, song tình cảm với Hưng Yên thân yêu vẫn luôn ở trong trái tim đồng chí Nguyễn Văn Linh. Tuy bận trăm công nghìn việc, nhưng đồng chí vẫn dành cho quê hương tình cảm đặc biệt. Đồng chí đã nhiều lần về thăm Hưng Yên, động viên cán bộ, nhân dân quê nhà chiến đấu, lao động, sản xuất, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Năm 1997, do tuổi cao sức yếu, không thể trực tiếp về dự Đại hội lần thứ 14 Đảng bộ tỉnh Hưng Yên, đồng chí gửi điện chúc mừng, thể hiện tình cảm sâu nặng với quê hương: “Vì lý do sức khỏe, đáng tiếc, tôi không thể về dự Đại hội đại biểu của tỉnh được. Xin gửi lời chúc mừng Đại hội đạt kết quả tốt đẹp. Tỉnh ủy sẽ xây dựng mọi mặt của tỉnh nhà thật tốt, để Hưng Yên trở thành một tỉnh mạnh của toàn quốc Việt Nam”…
Kỷ niệm 95 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh kính yêu, học tập bản lĩnh kiên định, sáng tạo của đồng chí, chúng ta quyết tâm tiếp tục xây dựng Hưng Yên thành tỉnh mạnh của cả nước. Để làm được điều đó, phương hướng trong những năm tiếp theo của Hưng Yên là tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; xây dựng hệ thống chính trị các cấp trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân; khai thác lợi thế, huy động nguồn lực, chủ động hội nhập, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, tăng trưởng kinh tế cao, chất lượng và bền vững; xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, mang nét đặc trưng của địa phương. Củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, tạo nền tảng vững chắc để Hưng Yên cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp trước năm 2020. Trong đó, chú trọng triển khai thực hiện tốt Nghị quyết T.Ư Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững. Bố trí lại cơ cấu cây trồng, vật nuôi; phát triển kinh tế hộ, trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp. Hình thành các khu nông nghiệp công nghệ cao, vùng chuyên canh, thâm canh, sản xuất hàng hóa chất lượng, an toàn. Gắn sản xuất với chế biến và thị trường, mở rộng xuất khẩu; có chính sách khuyến khích tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Tập trung phát triển công nghiệp theo hướng ưu tiên phát triển những ngành, sản phẩm có nhiều lợi thế cao và hiệu quả bền vững; phát huy hiệu quả các khu, cụm công nghiệp hiện có và đẩy mạnh phát triển công nghiệp theo hình thức cụm, nhóm sản phẩm tạo thành các tổ hợp công nghiệp có quy mô phù hợp và hiệu quả cao, sức cạnh tranh lớn. Tập trung khai thác thế mạnh của các ngành dịch vụ còn nhiều tiềm năng, có giá trị gia tăng cao, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục, đào tạo. Khuyến khích nhân dân ưu tiên dùng hàng hóa trong nước, phát triển mạnh thương mại ở tất cả các vùng trong tỉnh; ưu tiên nâng cấp các trung tâm thương mại, chợ đầu mối ở thành phố Hưng Yên, khu vực Phố Nối, các thị trấn và những địa bàn trọng điểm kinh tế, thương mại sôi động, gắn kết chặt chẽ với thị trường Hà Nội và các thành phố lớn. Đầu tư xây dựng, tạo bước đột phá về kết cấu hạ tầng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội. Hoàn thành nâng cấp quốc lộ 38, 39B và tỉnh lộ 200 theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng. Phối hợp đẩy nhanh tiến độ xây dựng đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng; đường nối đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng với đường 1 cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình. Xây dựng các điểm đấu nối với các trục vành đai Hà Nội và đường giao thông đối ngoại với các tỉnh lân cận; hoàn thiện tuyến đường từ cầu Thanh Trì đi Dân Tiến (Khoái Châu)… tạo thành mạng lưới giao thông thuận lợi cho phát triển kinh tế. Xây dựng cảng Sông Hồng, trước mắt hoàn thành đầu tư cảng Sông Luộc. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu đô thị, khu du lịch dịch vụ tại các huyện. Tăng cường quản lý đô thị và hành lang đường giao thông. Phát triển mạnh các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp… Bên cạnh đó, Đảng bộ đề ra các giải pháp phát triển lĩnh vực văn hóa – xã hội, không ngừng nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Triển khai thực hiện quy hoạch bảo tồn, tôn tạo Phố Hiến cổ gắn với phát triển du lịch. Tiếp tục hoàn thiện mạng lưới y tế từ tỉnh đến cơ sở đạt chuẩn quốc gia, đa dạng hóa các dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân…
Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên đang nỗ lực hoàn thành tốt các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội, tổ chức tốt Đại hội Đảng bộ các cấp, đề ra mục tiêu và giải pháp phát huy thành tựu đã đạt được, tận dụng mọi thời cơ, vượt qua mọi thách thức, nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện của các tổ chức Đảng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững.
Ý kiến ()