Xây dựng Huế trở thành trung tâm du lịch chăm sóc sức khỏe
Thừa Thiên Huế đang triển khai xây dựng đề án mang tính chiến lược toàn diện để khơi nguồn cho sự phát triển của loại hình du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe. Bên cạnh sản phẩm thế mạnh là du lịch văn hóa di sản, ngành du lịch Thừa Thiên Huế đang hướng đến dòng sản phẩm du lịch mới với nhiều tiềm năng khai thác lĩnh vực du lịch khám, chữa bệnh.
Một khu nghỉ dưỡng tại xã Phú Dương, thành phố Huế. |
Du lịch chăm sóc sức khỏe là loại hình du lịch mới của thế giới nhằm cải thiện, cân bằng con người bận rộn trong xã hội công nghiệp (bao gồm: thể chất, tinh thần, tình cảm, nghề nghiệp, trí tuệ và tâm linh). Với cảnh sắc thiên nhiên, văn hóa, lịch sử có sức thu hút du khách trên toàn thế giới, Thừa Thiên Huế còn là vùng đất có bề dày truyền thống về y học bao gồm cả đông y và tây y với nguồn nhân lực y tế mạnh, cả về số lượng lẫn chất lượng. Đây là lợi thế để Thừa Thiên Huế đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng kết hợp khám, chữa bệnh (du lịch chăm sóc sức khỏe).
Từ du lịch nghỉ dưỡng…
Năm 1928, bác sĩ A.Sallet đã khám phá ra suối khoáng nóng Alba Thanh Tân tại chân núi Mã Yên (xã Phong Sơn, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế). Alba trong tiếng Latin có nghĩa là rạng đông, ban mai tinh khôi. Năm 1957, bác sĩ Fontaine mang mẫu nước sang Pháp xét nghiệm, kết quả cho thấy rằng nước khoáng tại đây có tổng chất rắn hòa tan (TDS) 860 cao nhất tại Việt Nam lúc ấy, tương đương với các mỏ nước khoáng hàng đầu châu Âu. Gần một thế kỷ qua, nước khoáng nóng Thanh Tân trở thành điểm đến tham quan du lịch và chữa bệnh ở Thừa Thiên Huế.
Suối khoáng nóng Alba
Thanh Tân đã được khai thác, hình thành các khu nghỉ dưỡng phục vụ sức khỏe và du lịch, điển hình là Khu nghỉ dưỡng Alba Wellness Valley by Fusion. Theo một kết quả khảo sát, Thừa Thiên Huế có tới 7 nguồn nước khoáng nóng. Cùng với Alba Thanh Tân còn có nước khoáng nóng Mỹ An (được các nhà khoa học của Trường đại học Y Dược Huế so sánh với nhiều loại nước khoáng nổi tiếng thế giới, như Koundour của Nga hoặc Paven Banis của Bungary). Tại đây đã ra đời Khu nghỉ dưỡng Mỹ An Onsen Resort (xã Phú Dương, thành phố Huế) và trong nhiều năm nay đã trở thành điểm dừng chân lý tưởng để nghỉ ngơi, thư giãn và chữa bệnh của du khách.
Nằm ở sát Cố đô, Khu du lịch nghỉ dưỡng Mỹ An Onsen Resort được thiết kế theo lối kiến trúc đặc trưng truyền thống Huế, mang lại cho du khách cảm giác ấm cúng khi tắm nước khoáng nóng nơi đây. Phó Tổng quản lý Khu nghỉ dưỡng Mỹ An Onsen Resort, ông Sato Ikuo cho biết, suối khoáng nóng Mỹ An được phát hiện từ năm 1979, với nhiệt độ tự nhiên 520C và nhiệt độ tại bể là 420C, chứa nhiều nguyên tố vi lượng cần thiết cho sức khỏe, đặc biệt là hàm lượng lưu huỳnh lên tới 64,5mg/l.
Thừa Thiên Huế có dãy núi Bạch Mã xứng đáng để trở thành trung tâm du lịch-nghỉ dưỡng mang tầm quốc tế với những địa chỉ được người Pháp phát hiện và xây dựng cách nay hơn 100 năm. Thừa Thiên Huế còn có hệ thống các khu nghỉ dưỡng, khách sạn cao cấp được xây dựng ở những không gian yên bình, thoải theo triền đồi, ven hai bờ sông Hương, hay trải dài trên các bãi biển, để du khách dễ dàng hòa mình với thiên nhiên, thích hợp để khai thác du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh như: Laguna Lăng Cô, Vedana Lagoon, Lăng Cô Beach; Làng hành hương, Hue Riverside Boutique, Hue Ecolodge…
Đến kết hợp khám, chữa bệnh
Loại hình du lịch khám, chữa bệnh trong những năm gần đây được nhắc đến nhiều hơn ở Thừa Thiên Huế và đã có những khởi động trong thực tế. Bệnh viện Quốc tế Huế (thuộc Bệnh viện Trung ương Huế) đã đi đầu trong xây dựng một hệ thống cơ sở vật chất và các quy chế tương đối hoàn chỉnh liên quan đến khám, chữa bệnh cho người nước ngoài, mang tính chất đột phá và đón đầu mô hình du lịch y tế. Lượng khách đến khám, chữa bệnh tăng qua các năm, chứng tỏ chất lượng khám, chữa bệnh, cơ cấu khách cũng ngày càng đa dạng, từ những người khám, chữa bệnh đến từ Quảng Bình, Quảng Nam… mà còn đến từ Lào, Thái Lan và các nước trong khu vực. Thành công bước đầu của mô hình này rất đáng phấn khởi và cần được nhân rộng.
Nhằm đón đầu xu hướng du lịch mới, Bệnh viện Trung ương Huế và Sở Du lịch Thừa Thiên Huế đã hợp tác xây dựng chương trình kết hợp chăm sóc sức khỏe với du lịch chữa bệnh cho du khách. Trung tâm Điều trị theo yêu cầu và quốc tế – Bệnh viện Trung ương Huế với cơ sở vật chất khang trang, thiết bị y tế hiện đại, chi phí hợp lý…, đã thu hút du khách trong và ngoài nước đến khám, chữa bệnh. PGS, TS, Bác sĩ Nguyễn Văn Hỷ, Giám đốc Trung tâm Điều trị theo yêu cầu và quốc tế, cho biết: “Các gói khám từ cơ bản đến nâng cao tại trung tâm không chỉ đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân mà còn giải quyết được xu hướng du lịch chăm sóc sức khỏe của du khách. Đặc biệt, với ba đơn vị (Nha khoa thẩm mỹ, Nội khoa thẩm mỹ và Phẫu thuật thẩm mỹ), Trung tâm có thể đáp ứng những yêu cầu cao hơn về chăm sóc sắc đẹp của người dân, du khách”.
Du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe được du khách ưa chuộng khi đến Huế. |
Là kinh đô của triều Nguyễn, Huế có Thái Y viện – cơ quan y tế cấp trung ương hình thành từ thời vua Gia Long và hoàn chỉnh dưới thời vua Minh Mạng. Thái Y viện có tổ chức quy mô và hoạt động nghiêm cẩn. Nhiệm vụ chính của Thái Y viện là chăm sóc sức khỏe cho Vua, Hoàng gia và nội cung; ngoài ra, còn khám, chữa bệnh cho các đại quan tại kinh thành Huế, những người phụng trực tại các điện miếu, lăng tẩm và binh lính, dân phu ở các công trường của triều đình; tham gia chống dịch bệnh ở các địa phương, mở trường dạy thuốc, tư vấn cho Thượng thiện sở (bếp của hoàng cung) khi chế biến thức ăn cho Vua cùng Hoàng gia. Thái Y viện triều Nguyễn là một di sản độc đáo, hiện đang từng bước được phục hồi và phát huy giá trị. Nhiều chuyên gia, các nhà quản lý xem Thái Y viện như là một địa chỉ, một sản phẩm văn hóa tinh thần riêng có của Huế, phù hợp với mô hình gắn kết du lịch với khám, chữa bệnh.
Tại Thừa Thiên Huế còn có Bệnh viện Y học cổ truyền cùng các trung tâm đào tạo ứng dụng y học cổ truyền như: Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa, Tuệ Tĩnh đường Hải Đức… Và hầu hết các trung tâm y tế trong tỉnh đã thành lập khoa Y học cổ truyền, các trạm y tế đều triển khai khám, chữa bệnh bằng châm cứu, dùng thuốc nam dược cổ truyền, thu hút nhiều bệnh nhân đến khám, chữa bệnh. Ngay trong nội đô Huế cũng có hệ thống khách sạn kết hợp lưu trú và dịch vụ khám, chữa bệnh theo đông y cổ truyền.
Tạo thương hiệu khác biệt
Theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc, ở Việt Nam, du lịch chăm sóc sức khỏe là loại hình du lịch khá mới mẻ, chỉ bắt đầu phát triển trong vài năm gần đây và được đánh giá phù hợp, có tiềm năng. Tuy nhiên, các sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe tại nước ta chưa thật sự hấp dẫn; hoạt động trải nghiệm chưa phong phú, kỹ năng phục vụ thiếu chuyên nghiệp. Thừa Thiên Huế có hệ thống nghỉ dưỡng cao cấp, thân thiện với thiên nhiên cùng nguồn tài nguyên nước khoáng nóng, hệ thống đầm phá, bãi biển đẹp –
đó là những thế mạnh để địa phương phát triển loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe.
Thừa Thiên Huế hội tụ đầy đủ điều kiện để phát triển thành một trung tâm du lịch khám, chữa bệnh của cả nước, nhưng hiện tại chưa tận dụng, khai thác triệt để và xứng tầm. Du lịch khám, chữa bệnh chưa mang về nguồn thu tương xứng cho Thừa Thiên Huế. Hiện, ở Huế mới chỉ có Bệnh viện Trung ương Huế đang thu hút một số thị trường khách, chủ yếu là du khách tự tìm đến. Theo ông Trương Thành Minh, Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Thừa Thiên Huế, điểm yếu của Huế là chưa quảng bá được nhiều về thương hiệu du lịch khám, chữa bệnh. Tiêu chuẩn của dịch vụ khám, chữa bệnh ở Huế được đánh giá cao, nhưng chưa áp dụng quy chuẩn theo thông lệ quốc tế trong khai thác, phục vụ khách du lịch.
Để nhìn nhận và đánh giá đúng, đủ tiềm năng và định hướng phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe vừa qua, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế giao Sở Du lịch chủ trì tổ chức Diễn đàn Du lịch Huế 2022 với chủ đề “Du lịch chăm sóc sức khỏe ở tỉnh Thừa Thiên Huế”. Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình khẳng định, thông qua diễn đàn này, Thừa Thiên Huế mong muốn không chỉ giới thiệu những tiềm năng để khai thác, phát triển sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe trên địa bàn, mà còn là cầu nối giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe; là dịp để giới thiệu, quảng bá hình ảnh của Thừa Thiên Huế – địa phương có thế mạnh về văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, xanh và thông minh.
Để Huế trở thành một trung tâm du lịch khám, chữa bệnh đích thực, theo ông Nguyễn Thanh Bình, trong thời gian tới, tỉnh cần tập trung vào một số công việc cụ thể, như: Đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp (đặc biệt là đào tạo những người có đầu óc tổ chức); liên kết nguồn nhân lực trong các lĩnh vực khác nhau phục vụ cho loại hình du lịch khám, chữa bệnh. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tiếp thị, giới thiệu các kỹ thuật chuyên sâu, phổ biến các thành tựu y học hiện đại… Và quan trọng nhất vẫn là xây dựng được tour tuyến riêng, kết hợp tham quan, trải nghiệm Huế cùng với khám, chữa bệnh.
Thừa Thiên Huế đang có rất nhiều tiềm năng để đón đầu dòng khách nghỉ dưỡng phục hồi sức khỏe – một xu hướng du lịch nổi lên sau hơn 2 năm thế giới phải đối mặt với đại dịch Covid-19. Ngành du lịch tỉnh đang có kế hoạch quảng bá các lợi thế này nhằm thu hút du khách trong giai đoạn bình thường mới và kêu gọi các nhà đầu tư nghiên cứu, xây dựng dự án du lịch, trong đó có mảng dịch vụ chăm sóc sức khỏe theo các mô hình thực sự đẳng cấp để tạo thương hiệu khác biệt cho hình thức du lịch này.
Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phúc cho biết, ngành du lịch tỉnh đã xác định, định hướng phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe như một dòng sản phẩm bổ trợ cho sản phẩm du lịch di sản-văn hóa-lễ hội, nhằm tăng thêm sự hấp dẫn, sự mới mẻ của điểm đến Huế. “Ngành du lịch sẽ vận động chính quyền và nhân dân thành phố Huế cùng các sở, ngành liên quan, phối hợp các cơ sở nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe… tham gia hưởng ứng Cuộc vận động World Wellness Weekend (Kỳ nghỉ cuối tuần chăm sóc sức khỏe toàn cầu), nhằm kích cầu du lịch gắn với loại hình Wellness (chăm sóc sức khỏe) và thu hút du khách quan tâm đến Huế cùng tham gia hoạt động này với cộng đồng địa phương”, ông Phúc chia sẻ ■
1. Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Ngành Du lịch muốn tạo nên dấu ấn thương hiệu cần mang lại sự tận hưởng tốt nhất cho du khách. Trong đó, hai yếu tố định hướng cốt lõi chính là “khác biệt” và “đẳng cấp”. 2. Theo báo cáo của The Global Wellness Institute (Viện Sức khỏe toàn cầu), du lịch chăm sóc sức khỏe đang dần trở thành lựa chọn của du khách nhằm hướng đến cuộc sống khỏe mạnh và thư thái, gần gũi với thiên nhiên, trải nghiệm và cân bằng cảm xúc… Tính đến cuối năm 2019, loại hình du lịch này đã có mặt ở hơn 100 quốc gia và được dự báo tăng trưởng với tốc độ trung bình 7,5% hằng năm. |
https://nhandan.vn/xay-dung-hue-tro-thanh-trung-tam-du-lich-cham-soc-suc-khoe-post741074.html
Ý kiến ()