Xây dựng hội thẩm đoàn và tổ chức xét xử trực tuyến đáp ứng yêu cầu mới
Tố tụng hình sự (TTHS) là quá trình phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử tội phạm và người phạm tội; đồng thời phải thật sự là chỗ dựa của nhân dân trong bảo vệ công lý, triệt để tôn trọng và bảo vệ các quyền con người, bảo đảm không làm oan người vô tội.
Trong định hướng nghiên cứu các vấn đề cốt lõi liên quan đổi mới tổ chức và hoạt động của tòa án đáp ứng yêu cầu các nghị quyết của Đảng trong tình hình mới, theo chúng tôi có hai vấn đề cần quan tâm nghiên cứu xây dựng chế định hội thẩm đoàn và tổ chức xét xử trực tuyến phù hợp tình hình dịch Covid-19 hiện nay.
Tòa án nhân dân (TAND) hiện đã thành lập đủ các Đoàn hội thẩm và hiện đang có 16.913 hội thẩm nhân dân (HTND) phục vụ công tác xét xử. Là những người trực tiếp tham gia các vụ án do TAND và tòa án quân sự các cấp xét xử, giới luật sư ghi nhận và đánh giá cao bước chuyển rất lớn của ngành tòa án khi tổ chức các phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp, đổi mới theo hướng công tác xét xử phải tuân thủ pháp luật, bảo đảm nguyên tắc tranh tụng.
Cần thí điểm xây dựng chế định hội thẩm đoàn
Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy còn tồn tại một số bất cập trong việc xác định vị trí, vai trò và thực hiện các nguyên tắc cơ bản trong hoạt động của HTND. Vẫn còn tình trạng tại các phiên tòa, cơ chế lựa chọn và tham gia chưa được phân bổ phù hợp, một số vị HTND được thường xuyên chỉ định trong hội đồng xét xử.
Phần lớn người được MTTQ giới thiệu để HĐND bầu làm hội thẩm là cán bộ công chức, viên chức của các cơ quan nhà nước hiện đang công tác hoặc đã nghỉ hưu, cho nên có ý kiến cho rằng chưa thật sự đại diện đầy đủ cho tính nhân dân của chức danh này. Do đó, trong cơ chế và hoạt động của HTND hiện nay cần giải quyết, xử lý các bất cập của chế định HTND trong mô hình TTHS thẩm vấn, nâng cao “tính đại diện nhân dân”, tiếng nói khách quan, vô tư và nhận thức sâu sắc của các vị HTND về các nguyên tắc cơ bản trong TTHS như suy đoán vô tội, tranh tụng trong xét xử bảo đảm, để mỗi lá phiếu biểu quyết của mình trong bản án phải xuất phát từ kết quả kiểm tra, đánh giá chứng cứ và kết quả tranh tụng tại phiên tòa.
Từ kết quả nghiên cứu so sánh chế định HTND của Việt Nam và bồi thẩm đoàn của một số nước trên thế giới, với trải nghiệm thực tiễn xét xử của tòa án các cấp, chúng tôi đề nghị Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, Ban cán sự đảng TAND tối cao nghiên cứu xây dựng chế định hội thẩm đoàn với các tiêu chuẩn, tổ chức và hoạt động nhằm đáp ứng yêu cầu và thực hiện chủ trương cải cách tư pháp của Đảng. Trong đó, cần đề cao nguyên tắc độc lập trong xét xử của thẩm phán, cơ chế bảo đảm tính trung lập, khách quan của HTND, xây dựng hình ảnh tòa án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp nhưng đóng vai trò là trọng tài khách quan, là nơi người dân có cơ hội tiếp cận công lý, tạo điều kiện cho các bên đối tụng thực hiện chức năng cơ bản của mình, trên cơ sở kết quả tranh tụng để hình thành phán quyết của tòa án.
Xây dựng cơ chế tuyển chọn HTND đạt yêu cầu tiêu chuẩn, chất lượng, đặc biệt không phụ thuộc vào tiêu chí bằng cấp hoặc trình độ hiểu biết về pháp luật để tạo sự khách quan, công bằng, không thiên vị và không bị ảnh hưởng bởi quyết định hoặc chi phối của thẩm phán theo hướng bất lợi cho người bị buộc tội.
Xây dựng khung pháp lý cho phiên tòa xét xử trực tuyến
Thời gian gần đây, TAND tối cao đã triển khai các bước đi quan trọng nhằm xây dựng tòa án điện tử như một phần cam kết của ngành tòa án Việt Nam tại Hội nghị Chánh án các nước ASEAN cho đến năm 2025, phù hợp xu thế tất yếu trong thời đại số, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và bắt kịp với các nền tư pháp văn minh của thế giới. TAND thành phố Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) cũng đã bước đầu xây dựng Đề án thí điểm xét xử trực tuyến vụ án hình sự.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp, nghiêm trọng và khó lường trên phạm vi toàn thế giới và ở Việt Nam; ngành tòa án đã ban hành nhiều chỉ thị và giải pháp nhằm thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, để hoạt động xét xử phù hợp tình hình. Nhu cầu xây dựng mô hình xét xử trực tuyến hiện nay đang được đặt ra một cách cấp thiết.
Có thể thấy, hiện nay nhiều quốc gia như Hoa Kỳ, CHLB Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore đã triển khai thành công mô hình tòa án điện tử, số hóa các tài liệu trong hồ sơ vụ án, hệ thống quản lý án, hệ thống cơ sở dữ liệu pháp luật. Một số ứng dụng được triển khai nhằm áp dụng hệ thống nộp và bổ sung đơn, các tài liệu khác qua mạng (eLodgment); hệ thống quản lý án (Federal Law Search); phòng xử án ảo (eCourtroom); xây dựng mô hình và quy trình thực hiện xét xử trực tuyến.
Ở nước ta hiện nay, pháp luật chưa có một khung pháp lý hoàn chỉnh để điều chỉnh hướng dẫn cách thức tổ chức xét xử trực tuyến. Trong khi đó, với số lượng các vụ án hình sự được điều tra, truy tố, xét xử lên tới hàng trăm nghìn vụ án hằng năm, áp lực về bảo đảm thời hạn điều tra, tạm giam, xét xử, tôn trọng và bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của người bị buộc tội ngày càng lớn. Nếu tiếp tục phiên tòa xét xử trực tiếp dễ làm lây lan dịch bệnh, không bảo đảm sức khỏe, an toàn cho người tiến hành và tham gia tố tụng, có khả năng ảnh hưởng hoạt động của các cơ quan tòa án, viện kiểm sát, công an, luật sư và của cộng đồng xã hội.
Sự khác nhau cơ bản giữa xét xử theo thủ tục thông thường và xét xử trực tuyến, là những người tham gia phiên tòa xét xử không ở cùng một địa điểm và không gian. Việc chuyển sang hình thức xét xử trực tuyến một số vụ án hình sự, dân sự, hành chính… vẫn tuân thủ các nguyên tắc cơ bản và trình tự thủ tục, trong đó có nguyên tắc xét xử trực tiếp, bằng lời nói mà Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định, tôn trọng quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khi xét xử trực tuyến. Tuy nhiên, do đặc điểm phiên tòa xét xử vụ án hình sự bằng hình thức trực tuyến thông qua đường truyền viễn thông, cho nên các yếu tố pháp lý, yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật, trình tự tố tụng kiểm tra, đánh giá chứng cứ và tranh tụng tại phiên tòa là những vấn đề cần được quan tâm giải quyết.
Ý kiến ()