Xây dựng Hội Nông dân Việt Nam thật vững mạnh
Chiều 1/7, tiếp tục chương trình làm việc tại Đại hội đại biểu Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VI, các đại biểu thảo luận tại tổ về: Báo cáo tổng kết công tác Hội và phong trào nông dân nhiệm kỳ V, phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ VI; Báo cáo sửa đổi, bổ sung Điều lệ Hội; Báo cáo kiểm điểm của Ban chấp hành Hội khóa V.
Chiều 1/7, tiếp tục chương trình làm việc tại Đại hội đại biểu Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VI, các đại biểu thảo luận tại tổ về: Báo cáo tổng kết công tác Hội và phong trào nông dân nhiệm kỳ V, phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ VI; Báo cáo sửa đổi, bổ sung Điều lệ Hội; Báo cáo kiểm điểm của Ban chấp hành Hội khóa V.
Chỉ tiêu đề ra phải phù hợp với thực tế
Các đại biểu đánh giá cao các Báo cáo của Ban chấp hành Hội Nông dân Việt Nam khóa V trình Đại hội. Tuy nhiên, theo nhiều đại biểu, 12 chỉ tiêu Hội Nông dân Việt Nam đề ra trong nhiệm kỳ 2013-2018 là quá cao so với thực tế nông nghiệp, nông dân, nông thôn hiện nay.
[ Khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân VN]
Theo ông Nguyễn Hữu Văn, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Hội, chỉ tiêu phấn đấu 80% Hội Nông dân cấp xã hướng dẫn, tổ chức nông dân xây dựng ít nhất một mô hình kinh tế tập thể có hiệu quả, là quá cao.
Theo đại biểu, mô hình kinh tế tập thể phải thực sự do hội viên nông dân có nhu cầu thành lập và phải phù hợp với tính chất, trình độ của lực lượng sản xuất mới bền vững. Qua đó, đại biểu Nguyễn Hữu Văn đề nghị chỉ tiêu trên nên giảm xuống còn 60%.
Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm cơ bản thống nhất với dự thảo Báo cáo tổng kết công tác Hội và phong trào nông dân nhiệm kỳ V, phương hướng nhiệm kỳ VI.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm, chỉ tiêu Hội Nông dân đề ra hằng năm có từ 60% số hộ nông dân trở lên đăng ký phấn đấu và có từ 50% số hộ đăng ký đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp là khó thực hiện.
Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm cho rằng, để khả thi cần hạ thấp chỉ tiêu này trên cơ sở ưu tiên cho những vùng còn nhiều khó khăn, vùng sâu, vùng sa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Thứ trưởng cũng cho rằng, các mục tiêu đều có tính bao quát rộng, do vậy để thực hiện các mục tiêu này giải pháp cơ bản là phải tập trung phát triển nguồn nhân lực.
Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm nêu rõ, hiện nay, chúng ta có hệ thống đào tạo quốc dân tương đối rộng, nhưng chất lượng đào tạo, đặc biệt là đào tạo phục vụ nông nghiệp, nông dân, nông thôn, khai thác tiềm năng thế mạnh nông thôn chưa cao. Hội Nông dân các cấp cần tham gia mạnh mẽ vấn đề này, đào tạo nghề phải bắt nguồn từ nhu cầu thực tế từ cơ sở, ông Đàm nhấn mạnh.
Cùng ý kiến với nhiều đại biểu, tuy nhiên tiến sỹ Nguyễn Đăng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đất – Phân bón và Môi trường phía Nam, đề nghị Hội Nông dân Việt Nam cần xem xét, điều chỉnh lại mục tiêu đề ra tại nhiệm kỳ 2013- 2018, đồng thời các giải pháp đề ra phải phù hợp với thực tế từng địa phương.
Tiếp tục khẳng định vai trò của của Hội Nông dân trong Điều lệ Hội
Theo báo cáo của Hội Nông dân Việt Nam, Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam hiện hành được Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ V thông qua ngày 24/12/2008.
Qua gần 5 năm triển khai thực hiện, Điều lệ Hội cơ bản điều chỉnh được các vấn đề có tính nguyên tắc trong tổ chức và hoạt động của Hội, góp phần xây dựng tổ chức Hội vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và hành động, qua đó thúc đẩy công tác Hội và phong trào nông dân phát triển. Điều lệ Hội là cơ sở quan trọng tạo nên sự thống nhất ý chí và hành động trong toàn hệ thống Hội. Tuy nhiên, từ thực tiễn công tác Hội và phong trào nông dân, Điều lệ cũng bộc lộ một số điểm bất cập.
Thảo luận tại tổ, các đai biểu đều thống nhất với sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung nhằm thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Hội trong giai đoạn mới. Các đại biểu đều cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ Hội phải xuất phát từ quan điểm, đường lối của Đảng; tiếp tục khẳng định vai trò của Hội Nông dân là nòng cốt cho phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Điều lệ sửa đổi, bổ sung phải giải quyết những vấn đề thực tiễn trong công tác xây dựng Hội; xác định rõ cơ cấu tổ chức, hoạt động, góp phần xây dựng tổ chức Hội vững mạnh toàn diện. Các đại biểu cũng đề nghị, các quy định của Điều lệ Hội phải đảm bảo cho tổ chức và hoạt động Hội thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; xây dựng nông thôn mới và hội nhập quốc tế.
Ngày mai (2/7), Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI Hội Nông dân Việt Nam tiếp tục làm việc./.
Theo vietnamplus.vn
Ý kiến ()