Phối cảnh nhà ga tuyến tàu điện ngầm tại khu vực Bến Thành, quận 1 (TP Hồ Chí Minh). Giảm ùn tắc giao thông là một trong sáu chương trình đột phá phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2015 mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ 9 đã đề ra.Thực hiện chương trình này, ngoài các dự án hạ tầng giao thông đang triển khai, thành phố đang đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng hệ thống tàu điện ngầm (TĐN) (đi ngầm và đi trên cao), một trong những loại hình vận tải công cộng hiện đại đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân trong tương lai.Trong nỗ lực giải quyết tình trạng ùn tắc trên địa bàn, những năm qua, TP Hồ Chí Minh đã dành nhiều tiền của, công sức đầu tư xây dựng nhiều công trình giao thông trọng điểm. Một loạt công trình cầu đường hoàn thành được đưa vào sử dụng như: Cầu Phú Mỹ (nối quận 7 và quận 2), đại lộ Võ Văn Kiệt, cầu Rạch Chiếc... đã và đang mang lại hiệu quả rõ rệt, góp phần...
Phối cảnh nhà ga tuyến tàu điện ngầm tại khu vực Bến Thành, quận 1 (TP Hồ Chí Minh). |
Giảm ùn tắc giao thông là một trong sáu chương trình đột phá phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2011 – 2015 mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ 9 đã đề ra.
Thực hiện chương trình này, ngoài các dự án hạ tầng giao thông đang triển khai, thành phố đang đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng hệ thống tàu điện ngầm (TĐN) (đi ngầm và đi trên cao), một trong những loại hình vận tải công cộng hiện đại đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân trong tương lai.
Trong nỗ lực giải quyết tình trạng ùn tắc trên địa bàn, những năm qua, TP Hồ Chí Minh đã dành nhiều tiền của, công sức đầu tư xây dựng nhiều công trình giao thông trọng điểm. Một loạt công trình cầu đường hoàn thành được đưa vào sử dụng như: Cầu Phú Mỹ (nối quận 7 và quận 2), đại lộ Võ Văn Kiệt, cầu Rạch Chiếc… đã và đang mang lại hiệu quả rõ rệt, góp phần cải thiện tình hình trật tự giao thông trên địa bàn ngày một tốt hơn. Tuy nhiên, tình trạng ùn tắc, tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố vẫn là vấn đề nhức nhối và còn nhiều việc phải làm. Theo thống kê của Ban An toàn giao thông, sáu tháng đầu năm, thành phố đã xảy ra 342 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 303 người và bị thương 143 người. So cùng kỳ năm 2011, giảm 152 vụ (giảm 30,77%); giảm 117 người chết (giảm 27,86%) và giảm 119 người bị thương do TNGT (giảm 45,42%). Đáng chú ý, có 17/24 quận, huyện trên địa bàn thành phố giảm được số người chết do TNGT. Trong khi đó, số vụ kẹt xe hơn 30 phút cũng chỉ có hai vụ, giảm 22 vụ (giảm 91,67%) so với cùng kỳ năm ngoái. Để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, góp phần phát triển kinh tế – xã hội trong những năm tới của thành phố đông dân nhất cả nước, TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng các tuyến TĐN trong tương lai.
Quyết tâm này được cụ thể hóa theo Quyết định số 101/QĐ-TTg ngày 22-1-2007 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông TP Hồ Chí Minh đến năm 2020, tầm nhìn sau năm 2020 và điều chỉnh quy hoạch cục bộ hệ thống đường sắt đô thị đã được UBND thành phố phê duyệt; hệ thống đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh trong tương lai gồm bảy tuyến TĐN và ba tuyến xe điện với tổng chiều dài khoảng 160 km. Cụ thể, tuyến một (Bến Thành – Suối Tiên): đây chính là tuyến TĐN đầu tiên của cả nước có chiều dài 19,7 km (17,1 km đi trên cao và 2,6 km đi ngầm), 14 ga (ba ga ngầm, 11 ga trên cao). Dự án có tổng vốn đầu tư 2,4 tỷ USD; tuyến hai (Bến Thành – Tham Lương) có chiều dài 11,3 km (1,8 km đi trên cao và 9,5 km đi ngầm) với 11 ga (10 ga ngầm, 1 ga trên cao) và tổng mức đầu tư là 1,3 tỷ USD; tuyến 3a (Bến Thành – Tân Kiên); tuyến 3b (Bến Thành – Hiệp Bình Phước); tuyến bốn (cầu Bến Cát – Nguyễn Văn Linh); tuyến năm (cầu Sài Gòn – bến xe Cần Giuộc) có nhà ga tại huyện Bình Chánh với diện tích 25 ha. Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh còn tiếp tục xây dựng hai tuyến tàu điện một ray với mức vốn đầu tư gần 600 triệu USD và tuyến số 6 (Bà Quẹo – vòng xoay Phú Lâm) đã được khảo sát, lập dự án thiết kế chi tiết, với các mức vốn đầu tư từ 1,2 đến 2,5 tỷ USD/tuyến.
Sau thời gian khẩn trương chuẩn bị, mọi điều kiện đã sẵn sàng, ngày 28-8-2012, thành phố chính thức khởi công xây dựng 17,1 km đường TĐN đầu tiên của thành phố. Đó cũng là những ki-lô-mét TĐN đầu tiên của nước ta. Chia sẻ niềm vui này, Phó trưởng Ban quản lý (BQL) đường sắt đô thị thành phố Lê Khắc Huỳnh cho biết: Sự kiện này đánh dấu một mốc son mới trong xây dựng hạ tầng giao thông tại TP Hồ Chí Minh. Trong các dự án về giao thông, xây dựng TĐN là một trong những dự án chưa từng có tiền lệ nên các đơn vị phải tìm hiểu và nghiên cứu rất kỹ lưỡng trước khi bắt tay vào thực hiện. Lãnh đạo thành phố, các sở, ngành liên quan luôn quan tâm, chỉ đạo để chuẩn bị chu đáo nhất cho sự kiện quan trọng này. Với tốc độ thi công ổn định thì đến năm 2018, người dân thành phố đã có thể “thưởng thức” cảm giác trên tuyến TĐN số 1 đầu tiên.
Bên cạnh đó, tuyến TĐN số 2 cũng đang được BQL tích cực chuẩn bị thực hiện. Tuyến này được đầu tư theo hai giai đoạn gồm Bến Thành đến Tham Lương và hai đoạn Bến Thành – Thủ Thiêm, Tham Lương – Bến xe Tây Ninh được đầu tư sau. Công tác giải phóng mặt bằng đang được triển khai. Năm 2010, thành phố đã khởi công depot (trạm bảo hành kỹ thuật), đã hoàn thành được 70% khối lượng công việc.
Cùng với việc hoàn thành tuyến TĐN số 1 và 2, thành phố cũng đang đẩy nhanh tiến độ để đến năm 2025 hình thành được hệ thống TĐN, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân. Tuyến TĐN số 5 từ cầu Sài Gòn đến Bến xe Cần Giuộc dài khoảng 17 km được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho sử dụng nguồn vốn trị giá 500 triệu ơ-rô từ khoản vay ODA của Tây Ban Nha để đầu tư, trong đó trước mắt xây dựng đoạn từ ngã tư Bảy Hiền đến cầu Sài Gòn. Dự án đang chờ Bộ Giao thông vận tải sớm có ý kiến chuyên môn về thiết kế này. Tuyến TĐN 3a Bến Thành đi Tân Kiên vừa được UBND thành phố thông qua thiết kế cơ sở vào tháng 5-2012 và BQL đang tiến hành lập hồ sơ ranh mốc, trình thành phố phê duyệt để các quận, huyện nơi tuyến TĐN đi qua có cơ sở quản lý quy hoạch. Tuyến TĐN 3b từ Ngã sáu Cộng Hòa đi Hiệp Bình Phước cũng đã được UBND thành phố phê duyệt khung tiêu chuẩn kỹ thuật. Tháng 3-2012, tuyến TĐN số 4 từ đại lộ Nguyễn Văn Linh đi Thạnh Xuân đã được thành phố đồng ý chủ trương bổ sung nhiệm vụ, dự toán công tác lập tự án. Tuyến TĐN số 6 Bà Quẹo – vòng xoay Phú Lâm được Bộ Giao thông vận tải có ý kiến về thiết kế cơ sở và đơn vị tư vấn đang hoàn thiện báo cáo.
Nằm trong quy hoạch mạng lưới tuyến TĐN của thành phố, nhà ga trung tâm Bến Thành cũng là một điểm nhấn quan trọng của hệ thống các tuyến TĐN này. Việc xây dựng nhà ga đang được xúc tiến khẩn trương. Theo ông Lê Khắc Huỳnh, hiện ban quản lý đường sắt đô thị đã trình kết quả nghiên cứu UBND thành phố có ý kiến triển khai bước tiếp theo: vay vốn ODA của Nhật Bản để xây dựng nhà ga trung tâm Bến Thành. Không chỉ là đầu mối giao thông, nhà ga còn được đầu tư để trở thành một trung tâm thương mại ngầm lớn của thành phố trong tương lai.
Để công tác triển khai các tuyến TĐN thuận lợi, BQL kiến nghị, đây là một dự án mới tại Việt Nam, các công trình cần có những cơ chế, hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật để quản lý đầu tư xây dựng và vận hành, do đó, Bộ Giao thông vận tải sớm ban hành hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật, hệ thống quy chuẩn về đường sắt đô thị làm cơ sở để triển khai các dự án quản lý, khai thác đường sắt đô thị tại hai thành phố trong tương lai.
Theo Nhandan
Ý kiến ()