Xây dựng hệ thống pháp luật về phòng, chống rửa tiền phù hợp với các yêu cầu, chuẩn mực quốc tế
Việc xây dựng Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) là cần thiết, bảo đảm phù hợp với các nghĩa vụ thực hiện điều ước quốc tế, cam kết quốc tế của Việt Nam, đồng thời thể hiện Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm trong công tác phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt của khu vực cũng như trên toàn thế giới.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng trình bày Tờ trình dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi). (Ảnh: DUY LINH) |
Chiều 20/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng trình bày Tờ trình dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi).
Nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác phòng, chống rửa tiền
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nêu rõ, việc xây dựng Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) nhằm thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước đối với công tác phòng, chống rửa tiền, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Bà Hồng cho biết, trải qua 10 năm thi hành Luật Phòng, chống rửa tiền (hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013), công tác phòng, chống rửa tiền ở Việt Nam đã đạt được những thành tựu nhất định. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Luật bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động phòng, chống rửa tiền, cần được nghiên cứu, sửa đổi, hoàn thiện.
Cụ thể, Luật Phòng, chống rửa tiền hiện hành không có quy định về việc đánh giá rủi ro quốc gia và tại từng đối tượng báo cáo về rửa tiền, trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền; đồng thời, quy định về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống rửa tiền trên cơ sở rủi ro của các đối tượng báo cáo tại Luật Phòng, chống rửa tiền chưa bảo đảm tính đầy đủ, hợp lý…
Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp chiều 20/10. (Ảnh: DUY LINH) |
“Việc xây dựng Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống rửa tiền; xây dựng hệ thống pháp luật về phòng, chống rửa tiền phù hợp với các yêu cầu, chuẩn mực quốc tế liên quan mà Việt Nam có nghĩa vụ thực hiện trên cơ sở bảo đảm sự độc lập, tự chủ về kinh tế cũng như bảo đảm an ninh tiền tệ, an toàn tài chính quốc gia; nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm rửa tiền nói riêng và công tác phòng, chống tội phạm nói chung” – Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh.
Dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) được bố cục gồm 4 Chương, 65 Điều, cơ bản kế thừa quy định tại Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012. Phạm vi điều chỉnh của Luật quy định về các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi rửa tiền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống rửa tiền; hợp tác quốc tế trong phòng, chống rửa tiền…
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, dự thảo Luật kế thừa quy định về đối tượng báo cáo phòng, chống rửa tiền tại Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012, bao gồm tổ chức tài chính và tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính. Ngoài ra, sửa đổi, bổ sung một số nội dung về đối tượng báo cáo, trong đó có tên gọi của một số hoạt động của đối tượng báo cáo; bổ sung đối tượng báo cáo là các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.
Bên cạnh đó, để đáp ứng thực tiễn công tác trao đổi, cung cấp thông tin về phòng, chống rửa tiền, dự thảo Luật bổ sung nguyên tắc: trường hợp giữa Việt Nam và nước ngoài chưa có điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế về phòng, chống rửa tiền, việc trao đổi, chuyển giao thông tin trong hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền được thực hiện trên nguyên tắc có đi có lại nhưng không trái với pháp luật Việt Nam, phù hợp với pháp luật và tập quán quốc tế.
Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định về về việc đánh giá, cập nhật rủi ro quốc gia về rửa tiền. Theo đó định kỳ 5 năm, Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền tại Việt Nam, trình Chính phủ phê duyệt kết quả đánh giá, kế hoạch thực hiện sau đánh giá. Trên cơ sở kết quả cập nhật rủi ro của các bộ, ngành, Ngân hàng Nhà nước tổng hợp trình Chính phủ phê duyệt kết quả cập nhật rủi ro quốc gia, kế hoạch thực hiện sau đánh giá…
Sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền 2012 là cần thiết
Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nêu rõ, Ủy ban Kinh tế nhất trí sự cần thiết sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012 với các lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ, cho rằng các nội dung của dự thảo Luật phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 và cơ bản tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam đã gia nhập hoặc phê chuẩn.
Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế đề nghị cần tiếp tục rà soát kỹ lưỡng các nội dung tại dự thảo Luật về các quy định liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin trong thu thập dữ liệu, xác minh thông tin nhận biết khách hàng với các luật có liên quan, như Luật An ninh mạng và dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 và thông qua tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV…
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi). (Ảnh: DUY LINH) |
Về đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền (Điều 7) và đánh giá rủi ro về rửa tiền của đối tượng báo cáo (Điều 15), Ủy ban Kinh tế nhận thấy đây là những điểm mới so với Luật hiện hành. Quy định này là cần thiết trong bối cảnh các hành vi rửa tiền ngày càng tinh vi, thường xuyên thay đổi và phù hợp với khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế (FATF).
Ủy ban Kinh tế đề nghị tiếp tục rà soát, cân nhắc kỹ lưỡng quy định tại khoản 2 Điều 15 về việc báo cáo kết quả đánh giá rủi ro hoặc cập nhật kết quả đánh giá rủi ro về rửa tiền cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và bộ, ngành quản lý nhà nước theo từng lĩnh vực của đối tượng báo cáo; và quy định tại khoản 1 Điều 16 về xây dựng quy trình quản lý rủi ro về rửa tiền tại đối tượng báo cáo. Theo đó, các quy định này cần bảo đảm tính khả thi khi triển khai và tránh tạo gánh nặng về thủ tục hành chính vì số lượng đối tượng báo cáo lớn, phạm vi rộng, nhất là các trường hợp đối tượng là cá nhân, doanh nghiệp siêu nhỏ.
Liên quan đến nội dung báo cáo giao dịch đáng ngờ, Ủy ban Kinh tế nhất trí việc bổ sung các dấu hiệu đáng ngờ tại khoản 3 Điều 26 phải được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi Chính phủ ban hành quy định để bảo đảm phù hợp với quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tương đồng với quy định tại khoản 3 Điều 4 của dự thảo Luật. Ủy ban Kinh tế thống nhất việc quy định các dấu hiệu đáng ngờ bao gồm dấu hiệu đáng ngờ cơ bản và dấu hiệu đáng ngờ theo các lĩnh vực cụ thể.
Ý kiến ()