Xây dựng hệ thống kho lạnh bảo quản nông sản: Cần xem là ưu tiên hàng đầu
Vì nhiều lý do khác nhau, hệ thống kho lạnh hiện nay ở Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu từ thực tế sản xuất. Để đẩy lùi vấn nạn ùn ứ nông sản khi vào vụ thu hoạch, đầu tư vào hệ thống kho lạnh cần được xem là ưu tiên hàng đầu.
Kho lạnh vẫn là vấn đề nan giải
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), mỗi năm Việt Nam xuất khẩu hơn 40 tỷ USD các mặt hàng nông, lâm, thủy sản, nhưng chủ yếu dưới dạng thô, tươi sống và thời điểm hiện tại, hệ thống kho lạnh chưa đáp ứng được yêu cầu về bảo quản tươi và chế biến xuất khẩu.
Hiện nay, cả nước có 48 kho lạnh làm dịch vụ bảo quản nông sản với công suất khoảng 700.000 pallet và hàng nghìn kho lạnh loại nhỏ với tổng công suất ước đạt 2 triệu tấn sản phẩm, chủ yếu phục vụ nhu cầu xuất khẩu nông sản.
Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản nhận định, số lượng kho lạnh nói trên chưa đáp ứng được nhu cầu bảo quản nông sản, thủy sản phục vụ và chế biến xuất khẩu, nhất là với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, hàng hóa ứ đọng không có nơi bảo quản sẽ gây thiệt hại không nhỏ cho doanh nghiệp.
Ông Đỗ Hoàng Phương, Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm xuất nhập khẩu Toàn Cầu (tỉnh Bắc Giang) cho biết, doanh nghiệp đã đầu tư kho lạnh với sức chứa khoảng 700-800 tấn vải, nhưng có những thời điểm không đủ chỗ bảo quản nên phải thuê kho lạnh của các doanh nghiệp khác, dẫn tới tăng chi phí sản xuất.
Còn theo ông Đàm Văn Đua, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đông Cao, xã Tráng Việt (huyện Mê Linh, Hà Nội), Hợp tác xã rất muốn đầu tư hệ thống kho lạnh để bảo quản, sơ chế, chế biến nông sản, nhưng không có tiềm lực về vốn.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hiểu, Trưởng Bộ môn nghiên cứu công nghệ bảo quản nông sản thực phẩm – Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch (Bộ NN&PTNT), kho lạnh không chỉ cần thiết cho doanh nghiệp, hợp tác xã khi thu mua nông sản, mà còn để dự trữ nguồn hàng đáp ứng các hợp đồng xuất khẩu khi nhu cầu thị trường tăng. Tuy nhiên, chỉ các doanh nghiệp có tiềm lực mới có thể đầu tư kho lạnh, còn với doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã thì đây quả là vấn đề nan giải bởi chi phí đầu tư lớn, cần nhiều thời gian.
Cần chính sách hỗ trợ đầu tư
Để đẩy lùi vấn nạn ùn ứ nông sản khi vào vụ thu hoạch, đầu tư vào hệ thống kho lạnh được các doanh nghiệp, hợp tác xã xem là ưu tiên hàng đầu.
Theo ông Đào Quang Vinh, Giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm Vinh Anh (huyện Thường Tín, Hà Nội), các cơ quan chức năng cần tham mưu Chính phủ có chính sách với lãi suất vay ưu đãi đối với các doanh nghiệp logistics, chế biến bảo quản nông sản để kịp thời hỗ trợ dịch vụ hậu cần, bảo quản hàng hóa nông sản, đặc biệt trong thời gian chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Cũng về vấn đề này, ông Đào Thế Anh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam (Bộ NN&PTNT) nhận định: Việt Nam có nhiều vùng nông sản khác nhau nên việc quy hoạch hệ thống kho lạnh cần phù hợp với từng vùng sản xuất và đặc tính của từng loại nông sản như vải thiều, thanh long, nhãn…, không để tự phát như hiện nay. Cùng với đó, các địa phương cần ưu tiên đầu tư kho lạnh cỡ nhỏ cho hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ để các đơn vị chủ động thu mua nông sản cho nông dân trong bối cảnh sản lượng thu hoạch có số lượng lớn.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, để nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản, cần triển khai nhiều giải pháp, trong đó có việc ưu tiên xây dựng các kho lạnh. Bộ NN&PTNT sẽ đề xuất Chính phủ có cơ chế, chính sách hỗ trợ về thuế và lãi suất vay đối với các doanh nghiệp đầu tư vào hệ thống kho lạnh. Trước mắt, Bộ Tài chính cần xem xét miễn thuế, miễn tiền thuê bến bãi, tiền điện, dịch vụ kho lạnh cho các doanh nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản… trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Về lâu dài, các địa phương cần quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp cho phù hợp với nhu cầu thị trường, đẩy mạnh việc xây dựng liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản, bảo đảm đầu ra ổn định…
Theo Hanoimoi
Ý kiến ()