Xây dựng hệ thống hạ tầng thương mại đồng bộ, hiệu quả
Đến nay, hệ thống hạ tầng thương mại (HTTM) trong cả nước, nhất là ở các đô thị lớn đã có bước phát triển đáng kể, thúc đẩy sản xuất, lưu thông hàng hóa, phục vụ đời sống nhân dân ở các vùng, miền. Tuy nhiên, khi Việt Nam hội nhập ngày càng sâu vào kinh tế thế giới và mở cửa dịch vụ phân phối theo cam kết hội nhập WTO thì HTTM vẫn còn yếu kém và lạc hậu, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển thương mại nói chung và thúc đẩy phát triển thị trường trong nước nói riêng.Quy hoạch phát triển HTTM có nhiều tiến bộNhững năm gần đây, công tác xây dựng quy hoạch phát triển HTTM có nhiều tiến bộ, về cơ bản đã hoàn thành quy hoạch phát triển hệ thống chợ, đang khẩn trương hoàn thành quy hoạch phát triển các loại hình HTTM khác trên địa bàn toàn quốc. Trong tổng số quy hoạch HTTM được phê duyệt phần lớn phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch phát triển thương mại của địa phương, hạn chế xây dựng các công trình HTTM...
Quy hoạch phát triển HTTM có nhiều tiến bộ
Những năm gần đây, công tác xây dựng quy hoạch phát triển HTTM có nhiều tiến bộ, về cơ bản đã hoàn thành quy hoạch phát triển hệ thống chợ, đang khẩn trương hoàn thành quy hoạch phát triển các loại hình HTTM khác trên địa bàn toàn quốc. Trong tổng số quy hoạch HTTM được phê duyệt phần lớn phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội và quy hoạch phát triển thương mại của địa phương, hạn chế xây dựng các công trình HTTM mang tính tự phát, đầu tư tràn lan, không có hiệu quả. Trên cơ sở quy hoạch chung, hằng năm các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch đầu tư cụ thể, có ưu tiên đối với dự án quan trọng nhất là các chợ đầu mối tại các vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung, những địa bàn có lợi thế về giao thương hàng hóa và có nhu cầu bức xúc về chợ và những chợ cần đầu tư cải tạo nâng cấp, mở rộng để đáp ứng nhu cầu lưu thông trên địa bàn. Trong quá trình xây dựng quy hoạch HTTM tại các địa phương có sự phối hợp chặt chẽ và tham gia tích cực của các sở, ban, ngành và sự hướng dẫn về chuyên môn của Bộ Công thương.
Từ khi có Nghị định số 02/2003/NĐ-CP đến hết năm 2011 số lượng chợ xây mới, cải tạo nâng cấp tiếp tục tăng với sự đa dạng về loại hình và cấp độ. Đến nay, cả nước đã xây mới gần hai nghìn chợ, cải tạo nâng cấp khoảng ba nghìn chợ, nâng tổng số chợ cả nước lên khoảng mười nghìn chợ, trong đó, chợ nông thôn chiếm khoảng 78%. Một số chợ đầu mối quy mô lớn được xây dựng, bước đầu hoạt động hiệu quả. Hoạt động kinh doanh siêu thị, trung tâm thương mại với phương thức hoạt động văn minh hiện đại làm thay đổi diện mạo thương mại bán lẻ và thói quen mua sắm truyền thống của nhiều bộ phận dân cư. Theo Bộ Công thương, đến cuối năm 2011, cả nước có 615 siêu thị và 102 trung tâm thương mại ở 35/63 tỉnh, thành phố cùng với hàng nghìn cửa hàng chuyên doanh và cửa hàng tiện ích phân bổ rộng khắp cả nước. Một số doanh nghiệp (DN) tổ chức kinh doanh theo “chuỗi” như Liên hiệp HTX thương mại TP Hồ Chí Minh với 50 siêu thị Co.op Mart, hệ thống siêu thị Hapro Mart của Tổng công ty thương mại Hà Nội… Một số DN đã thiết lập hệ thống phân phối mang tính chuyên nghiệp cao, gắn kết chặt chẽ giữa các khâu trên cơ sở phân chia thị trường theo khu vực, xây dựng các kho hàng bán buôn, các trung tâm logistics khép kín từ đặt hàng, phân loại, đóng gói, chế biến và cung ứng hàng cho mạng lưới bán lẻ… Từ phát triển tự phát, đơn lẻ, thời gian qua nhiều DN đã liên kết phát triển HTTM, trên cơ sở tận dụng thế mạnh của từng thành viên, nâng quy mô kinh doanh ngày càng lớn hơn. Quá trình tích tụ, liên kết, liên doanh đã góp phần làm thay đổi diện mạo thị trường trong nước theo hướng văn minh, hiện đại, phù hợp xu hướng phát triển của khu vực và thế giới.
Hiệu quả mô hình chợ đầu mối
Hoạt động của các chợ đầu mối ngoài hiệu quả trực tiếp tạo ra thị trường bán buôn, thúc đẩy lưu thông hàng hóa còn góp phần giảm mật độ giao thông ở các đô thị lớn, gắn với quá trình sắp xếp đưa các chợ bán buôn ra xa trung tâm thành phố.
TP Hồ Chí Minh là địa phương đi đầu trong cả nước về sắp xếp, đưa các chợ đầu mối ra xa nội thành. Khai thác thế mạnh và thu hút hàng hóa của vùng châu thổ đồng bằng sông Cửu Long trong sản xuất các loại nông sản, trái cây và thực phẩm, hải sản tươi sống, đến nay, thành phố đã xây dựng và đưa vào hoạt động ba chợ đầu mối quy mô lớn ở ngoại thành như chợ Bình Điền, chợ Thủ Đức và chợ Hóc Môn. Các địa chỉ này đã trở thành trung tâm bán buôn, phát luồng hàng hóa cung cấp cho tiêu dùng hằng ngày của thành phố đông dân nhất cả nước, hình thành các chợ đầu mối chuyên kinh doanh trái cây, nông sản và thực phẩm.
Chợ Trung tâm nông sản Hậu Thạnh Đông (Long An) do Nhà nước đầu tư, Công ty lương thực miền nam quản lý, khai thác với diện tích bốn ha đưa vào hoạt động từ năm 2005, đến nay trở thành trung tâm tiêu thụ lúa hàng hóa cho bà con nông dân với lượng thóc hàng hóa thu mua mỗi năm từ 60 nghìn đến 100 nghìn tấn. Để trở thành một địa chỉ tin cậy của nhà nông, chợ được thiết kế khép kín với hệ thống sân phơi, một tháp sấy tiên tiến, công suất thiết kế 100 tấn/ngày cùng với hệ thống đường nội bộ, băng tải và hệ thống bốc rót hàng hiện đại thuận lợi cho cả phương tiện đường thủy và đường bộ. Trong khuôn viên chợ có khu giao dịch mua bán rộng một nghìn m2 cùng với các dịch vụ tư vấn sản xuất, cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Chị Hồ Thị Chanh, ấp Huỳnh Thơ, xã Hậu Thạnh Đông cho biết, khi nông dân chở lúa bán bằng đường sông, chợ trung tâm bố trí bằng chuyến bốc hàng từ kênh Dương Văn Dương lên chợ rất thuận lợi. Ngoài ra, khi bà con nông dân bán lúa tại nhà, chợ trung tâm sẵn sàng đưa ghe đến tận ruộng để mua theo yêu cầu người bán. Thông qua chợ Trung tâm nông sản Hậu Thạnh Đông, người sản xuất lúa ở Long An và các khu vực Đồng Tháp Mười được “mua tận gốc, bán tận ngọn” bớt được khâu trung gian để tăng thêm lợi nhuận, đó chính là sức hút của mô hình này ở một vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung.
Ở Hà Nội, chợ đầu mối phía nam (quận Hoàng Mai) được đầu tư xây dựng và giao cho Tổng công ty thương mại Hà Nội (Hapro) quản lý từ cuối năm 2007. Với diện tích bốn ha gồm hai khu nhà chợ và bến xe Kim Ngưu 1, hoạt động kinh doanh chợ đầu mối được khép kín bởi các dịch vụ vận chuyển, bốc xếp, trông giữ hàng hóa… Sau khi tiếp nhận, Hapro đã cải tạo tăng diện tích sân bãi đỗ xe lên hơn mười nghìn m2, đủ chỗ cho 250 xe trọng tải từ 3,5 tấn trở lên vào bán hàng cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ. Nhiều năm nay, chợ liên tục hoạt động khai thác nguồn hàng nông sản, thực phẩm, trái cây từ các tỉnh phía nam, rau, củ, quả của nông dân ngoại thành và các tỉnh lân cận đem vào bán buôn. Chợ hoạt động liên tục hằng ngày từ 18 giờ chiều đến 10 giờ trưa hôm sau. Giám đốc Trung tâm kinh doanh chợ đầu mối phía nam Hoàng Minh Thọ cho biết: Để bảo đảm nguồn hàng cung ứng cho thị trường Hà Nội, bình quân mỗi ngày chợ tiếp nhận, tổ chức bốc xếp hàng khoảng 250 đến 350 lượt xe ô-tô trọng tải nhỏ và khoảng 50 đến 60 chuyến xe tải, xe công-ten-nơ trọng tải từ 7 đến 15 tấn. Tổng lượng hàng tiêu thụ mỗi ngày qua chợ từ 800 đến 1.000 tấn/ngày, chủ yếu là hàng nông sản, hoa quả từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh miền trung.
Anh Lê Ngọc Phi, chủ xe ô-tô BKS 43X – 5048 cho hay, việc khai thác nguồn hàng trái cây từ miệt vườn Vĩnh Long đưa ra tiêu thụ tại Hà Nội thông qua chợ đầu mối phía nam được thông suốt từ nhiều năm nay. Bình quân một chuyến xe đi hết hai ngày hai đêm, mỗi tháng ba chuyến được duy trì đều đặn. Để tăng hiệu quả kinh tế cho nhà xe sau khi bán xong trái cây còn khai thác nguồn hàng chở về phía nam. Do đặc thù đường vận chuyển xa, mô hình chợ đầu mối rất phù hợp với thương nhân trong lưu thông, qua đó khai thác tốt nguồn hàng ở các vùng, miền cho thị trường Thủ đô.
Tổng Giám đốc Hapro Vũ Thanh Sơn cho biết: Để từng bước hoàn thiện hệ thống HTTM, trong đó có hệ thống chợ đầu mối cho thị trường Thủ đô, Hapro đang nghiên cứu tham mưu cho UBND thành phố lập quy hoạch đầu tư xây dựng một số chợ đầu mối nông sản thực phẩm có quy mô lớn, hiện đại, đạt tiêu chuẩn cấp vùng ở khu vực ngoại thành trở thành trung tâm thu mua, phân phối, bán buôn và dự trữ lớn. Do đặc thù chợ đầu mối phải đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn chậm, thành phố cần có cơ chế hỗ trợ, tập trung cho đầu tư hạ tầng đồng bộ, đồng thời có cơ chế chính sách kêu gọi DN bỏ vốn đầu tư. Từng bước nghiên cứu sắp xếp lại hệ thống chợ đầu mối ở nội thành hiện nay đưa ra xa trung tâm để giảm ách tắc giao thông.
Theo Nhandan
Ý kiến ()