Xây dựng hệ thống du lịch nông thôn
Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ VHTT&DL trong xây dựng một đề án về du lịch tại nông thôn với mục tiêu đến năm 2025, hoàn thành quy hoạch mạng lưới điểm du lịch nông thôn và có ít nhất 50% làng nghề truyền thống tham gia vào chuỗi giá trị này.
Trang trại Dê trắng (ngoại thành Hà Nội) là nơi thường xuyên đón tiếp các em nhỏ đến trải nghiệm công việc nông nghiệp – Ảnh: VGP/Đỗ Hương |
Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, qua thống kê từ báo cáo của 37 tỉnh, thành phố, hiện nay đã có 73 tuyến du lịch có đưa khách đến các điểm du lịch nông thôn và có 365 điểm du lịch nông thôn.
Du lịch nông thôn chủ yếu quy mô nhỏ, do các doanh nghiệp, hộ gia đình, tổ hợp tác cung cấp. Hiện nay, mô hình tổ chức du lịch nông thôn chủ yếu mang tính chất tự phát; một số địa phương có mô hình quản lý du lịch cộng đồng (Quảng Trị, Đồng Tháp, Bến Tre)…
Du lịch nông thôn được đánh giá là vùng tiềm năng còn bỏ ngỏ của ngành du lịch và đây cũng là cơ hội để nhiều làng quê phát triển đời sống thông qua việc làm du lịch ngay tại địa phương mình.
Từ lý do này, ngày 14/7, Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ VHTT&DL tổ chức hội thảo trực tuyến “Định hướng và giải pháp phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025”.
Theo ông Nguyễn Minh Tiến, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, du lịch nông thôn hiện nay khá đa dạng với các loại hình chủ đạo là: Du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng. Tuy nhiên về mặt chính sách để phát triển các hình thức này thì chủ yếu là lồng ghép vào các chương trình phát triển và các chính sách đặc thù của từng địa phương, chưa có chính sách tổng thể cho phát triển du lịch nông thôn ở cấp quốc gia.
Ông Nguyễn Minh Tiến cho rằng, để phát triển du lịch nông thôn cần có chủ trương, cơ chế và chính sách đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. Đó là chính sách về quản lý đất đai, hạ tầng, về quản lý du lịch nông thôn, hỗ trợ du lịch nông thôn, quản lý lưu trú, liên kết chuỗi giá trị du lịch nông thôn…
Để quản lý du lịch nông thôn, cần hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, tiêu chí, định mức kỹ thuật về điểm du lịch cộng đồng, trang trại du lịch, du lịch nông nghiệp và tiêu chuẩn dịch vụ du lịch nông thôn; vận hành hệ thống công cụ đánh giá, kiểm soát chất lượng dịch vụ du lịch nông thôn.
Sản phẩm du lịch cũng cần bảo đảm 3 yếu tố: Đa dạng, đặc sắc và gia tăng giá trị. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh phát triển, hình thành các các sản phẩm du lịch đặc thù của mỗi địa phương; đổi mới sáng tạo cho điểm đến và kết hợp nông nghiệp trong du lịch nhằm quảng bá, gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp. Cùng đó là phát triển du lịch nông thôn gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), quảng bá sản phẩm OCOP.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, tiềm năng phát triển du lịch nông thôn, nhất là du lịch cộng đồng phát triển rất lớn. Nhiều địa phương đã có mô hình du lịch cộng đồng để nâng cao đời sống, thu nhập người dân nông thôn như ở Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long… Các mô hình không chỉ đem lại kinh tế mà bảo tồn phát huy giá trị văn hóa, an sinh xã hội ở địa phương.
Tại hội thảo, nội dung xây dựng dự thảo Đề án “Phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025” đã được thông qua với mục tiêu đến năm 2025 phải hoàn thành quy hoạch mạng lưới điểm du lịch nông thôn; có ít nhất 200 dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó, có ít nhất 10% sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng đạt tiêu chuẩn 5 sao. Bên cạnh đó, có ít nhất 50% làng nghề truyền thống tham gia vào chuỗi giá trị du lịch nông thôn…
Đề án kỳ vọng góp phần đưa chương trình xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, đồng thời, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng thương mại dịch vụ; tăng tỉ trọng đóng góp của dịch vụ du lịch vào kinh tế nông thôn.
Ý kiến ()