Xây dựng hệ thống biển chỉ dẫn du lịch: Góp phần tạo thuận tiện cho du khách
– Nhằm tạo thuận lợi cho du khách tiếp cận các khu, điểm du lịch, thời gian qua, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã quan tâm đến lắp đặt hệ thống biển chỉ dẫn du lịch. Qua đó, góp phần tạo thuận tiện cho du khách, vừa thể hiện sự chuyên nghiệp trong cách làm du lịch Xứ Lạng.
Đến Bắc Sơn thời gian gần đây, nhiều du khách không khỏi bất ngờ với diện mạo mới của các điểm du lịch, đặc biệt là hệ thống biển chỉ dẫn du lịch. Anh Trịnh Quang Hiệp, du khách đến từ tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Lần đầu đến Bắc Sơn theo tuyến quốc lộ 1B, tôi đã bị thu hút bởi dòng chữ cỡ lớn quảng bá điểm du lịch cộng đồng Hoan Trung, xã Chiến Thắng, bên cạnh đó còn có sơ đồ chỉ dẫn tất cả các điểm du lịch của huyện. Nhờ đó, tôi tìm tới vườn quýt Hang Hú, một địa điểm du lịch khác ở xã một cách thuận lợi mà không phải hỏi thăm”.
Biển chỉ dẫn du lịch tại suối Mỏ Mắm, xã Chiến Thắng, huyện Bắc Sơn
Qua tìm hiểu được biết, hiện nay, ngoài 9 điểm du lịch được UBND tỉnh công nhận của Bắc Sơn đã có biển chỉ dẫn du lịch, huyện đã chủ động lắp đặt biển chỉ dẫn tại 12 di tích nằm trong Khu di tích Quốc gia Đặc biệt với số kinh phí trên 600 triệu đồng.
Cùng với Bắc Sơn, thời gian qua, các huyện, thành phố trong tỉnh cũng rất quan tâm đến việc lắp đặt biển chỉ dẫn du lịch. Tiêu biểu như thành phố Lạng Sơn, từ năm 2017 đến nay, thành phố đã đầu tư hệ thống biển chỉ dẫn tại 16 điểm du lịch và biểu tượng chữ đèn Led cỡ lớn tại một số điểm di tích với kinh phí trên 1 tỷ đồng; huyện Chi Lăng đầu tư lắp các tấm biển chỉ dẫn du lịch tại các điểm nằm trong Khu di tích Quốc gia đặc biệt với số kinh phí trên 500 triệu đồng…
Ông Hoàng Thế Vinh, Phó Giám Đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) cho biết: Từ năm 2015 đến nay, cùng với việc khảo sát, xây dựng các điểm du lịch mới, chúng tôi cũng thường xuyên quan tâm tới công tác đặt biển báo chỉ dẫn đến các điểm du lịch. Đến nay, chúng tôi đã cơ bản hoàn thành việc bổ sung biển báo chỉ dẫn tại các điểm du lịch mới, qua đó tạo thuận lợi cho du khách khi tới Lạng Sơn. Các biển du lịch đều đáp ứng tiêu chí rõ ràng, dễ đọc, dễ hiểu và tuân thủ thông lệ quốc tế.
Theo thống kê, hiện nay, 50 điểm du lịch được công nhận trên địa bàn tỉnh đều đã được lắp đặt các biển chỉ dẫn du lịch. Các biển này đa phần có kích thước 1,5 x 3m, chất liệu chính là khung sắt, mặt biển in bạt với những hình ảnh nổi bật như: Khu du lịch Mẫu Sơn, hoa hồi, hình ảnh bà con dân tộc Tày, Nùng hoặc các đặc sản Lạng Sơn… Đặc biệt, từ năm 2021 đến nay, ngành VHTT&DL đã chú trọng tới việc lắp đặt biển chỉ dẫn du lịch với chất liệu bền hơn như: inox, đồng, mica. Các loại biển được làm đa dạng hơn như: sơ đồ chỉ dẫn du lịch; biển quảng bá du lịch cỡ lớn gồm cả tiếng Việt và tiếng Anh kèm logo biểu tượng du lịch tỉnh. Các biển du lịch đều đáp ứng tiêu chí rõ ràng, dễ đọc, dễ hiểu và tuân thủ thông lệ quốc tế.
Đối với các biển quảng bá du lịch tấm lớn đặt trên hành lang giao thông thì do Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch (TTXTDL) thực hiện. Từ năm 2021 đến nay, Trung tâm TTXTDL đã thiết kế và lắp đặt 3 biển chỉ dẫn du lịch cỡ lớn kích thước 5 x 10 m tại các tuyến giao thông quan trọng qua địa bàn các huyện: Hữu Lũng, Bình Gia, Bắc Sơn với số tiền trên 400 triệu đồng
Bà Trần Thị Bích Hạnh, Giám Đốc Trung tâm TTXTDL tỉnh cho biết: Hằng năm, chúng tôi đều lên kế hoạch cụ thể để tham mưu với lãnh đạo ngành, xây dựng kế hoạch lắp đặt các tấm biển chỉ dẫn du lịch. Trong những tháng cuối năm, chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện một biển du lịch tấm lớn thị trấn Chi Lăng, huyện Chi Lăng và hỗ trợ các huyện Bắc Sơn, Hữu Lũng sửa chữa một số biển chỉ dẫn xuống cấp…
Có thể thấy, việc xây dựng đồng bộ các biển chỉ dẫn là cần thiết, mang lại thuận tiện cho du khách. Mong rằng, thời gian tới, các điểm đến của tỉnh sẽ có thêm những biển chỉ dẫn mang biểu tượng độc đáo, qua đó, tạo ấn tượng đẹp, góp phần thu hút du khách đến với Lạng Sơn.
Ý kiến ()