Xây dựng hệ thống an sinh xã hội bao trùm, toàn diện
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020, kết quả cho thấy, hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra với nhiều “điểm sáng” trong lĩnh vực người có công, giảm nghèo và an sinh xã hội. Trong tổng số 26 chỉ tiêu có 5 chỉ tiêu vượt và hoàn thành trước thời hạn và 16 chỉ tiêu đạt mục tiêu vào năm 2020…
Đại biểu phát biểu tại hội thảo. (Ảnh MINH THẮNG) |
Tại hội thảo đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020 tổ chức ngày 16/9, Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi cho rằng, “các thành tựu nổi bật đã đem lại niềm tin và sự hài lòng của người dân, khẳng định tính ưu việt của chế độ ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Chính sách ưu đãi người có công được quan tâm đặc biệt là chính sách tốt nhất trong các chính sách xã hội; chính sách an sinh xã hội khẳng định vai trò là xương sống của hệ thống chính sách xã hội trong phòng ngừa, giảm và khắc phục các rủi ro của người dân trong cuộc sống. Quyền an sinh xã hội của người dân cơ bản được bảo đảm tốt hơn…”. Tuy nhiên, việc thực hiện các chính sách xã hội bảo đảm an sinh, an dân, an cư cho mọi người dân thích ứng với các bối cảnh mới, cần có các quan điểm phát triển cũng như các mục tiêu phù hợp trong giai đoạn tới.
Chính sách bảo hiểm khẳng định vai trò trụ cột
Một trong những điểm sáng của chính sách an sinh xã hội là việc phát triển bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Theo đánh giá, bảo hiểm xã hội đã từng bước khẳng định và phát huy vai trò là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội. Diện bao phủ bảo hiểm xã hội ngày càng mở rộng, năm 2020 đã có 16,2 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội. Dù đại dịch Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế nhưng tổng số người tham gia bảo hiểm xã hội vẫn tiếp tục tăng, đạt 16,6 triệu người năm 2021, ước tính đạt 19 triệu người năm 2022.
Tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội tăng đều hằng năm, đạt 32,6% vào năm 2020, 36% năm 2021. Từ năm 2019, chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện được triển khai với nhiều đổi mới về phương thức tổ chức thực hiện, phát triển hệ thống đại lý đến cấp xã/phường, tạo bước đột phá về số lượng người tham gia qua các năm. Đến năm 2021, tổng số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là gần 1,5 triệu người, bằng 6 lần số lượng năm 2018. Năm 2021, cả nước có gần 3,3 triệu người hưởng các chế độ hưu trí và trợ cấp bảo hiểm xã hội hằ ng tháng, được chi trả bằng nhiều hình thức, linh hoạt (tiền mặt, qua bưu điện, qua tài khoản cá nhân).
Bên cạnh đó, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động khi chấm dứt hợp đồng, mất việc làm, trong giải quyết chế độ chính sách đối với người lao động, đặc biệt là khi doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính; tạo sự gắn kết, chia sẻ giữa những người tham gia; tạo sự hỗ trợ lẫn nhau trong cộng đồng doanh nghiệp. Độ bao phủ của bảo hiểm thất nghiệp không ngừng được mở rộng từ 8,27 triệu người năm 2012 lên 13,3 triệu người năm 2020 và gần 13,4 triệu người năm 2021. Tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp tăng đều hằng năm, đạt 26,8% năm 2020, 30% năm 2021.
Đặc biệt, việc hoàn thiện chính sách, tăng đầu tư của ngân sách nhà nước và cải tiến phương thức thực hiện đã tạo đột phá về tỷ lệ bao phủ của bảo hiểm y tế, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia và thụ hưởng các chế độ bảo hiểm y tế. Đến hết năm 2020, đã có 88 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, chiếm 90,85% dân số; năm 2021, cả nước có 88,8 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, chiếm 91% dân số…
Hướng đến toàn dân, bao trùm và toàn diện
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, chính sách xã hội chưa bao phủ hết đối tượng, chưa có sự tương trợ, kết nối của các trụ cột chính sách trong tổ chức thực hiện; chênh lệnh mức sống giữa các vùng miền, đối tượng còn cao. Quá trình tổ chức triển khai thực hiện chính sách xã hội chưa đồng bộ, thiếu đồng đều giữa các địa phương. Kết quả giảm nghèo chưa đồng đều, tỷ lệ tái nghèo vẫn cao. Các chính sách thị trường lao động hiệu quả chưa cao, nhóm lao động khu vực phi chính thức chưa được quan tâm đúng mức. Độ bao phủ bảo hiểm xã hội thấp so với tiềm năng, bảo hiểm xã hội tự nguyện chưa thực sự hấp dẫn người lao động tham gia; phạm vi bao phủ của trợ giúp xã hội còn hẹp.
Nhận thức được những bất cập, thách thức đó, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi cho biết, Việt Nam có kế hoạch sẽ ban hành một nghị quyết mới về chính sách xã hội cho giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2045 để quản lý và phát triển xã hội phù hợp với mục tiêu trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và là nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Dự thảo nghị quyết mới sẽ được trình Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII để thông qua vào Hội nghị Trung ương 7, khóa XIII (nửa đầu năm 2023). Trong đó, mục tiêu đến năm 2030 sẽ hoàn thiện hệ thống chính sách xã hội hướng đến bao phủ toàn dân, bao trùm và toàn diện; đáp ứng các nhu cầu an sinh xã hội và dịch vụ xã hội cho nhân dân, tạo cơ hội phát triển cho tất cả người dân và không để ai bị bỏ lại phía sau, tạo nền tảng xây dựng xã hội tiến bộ, công bằng, bình đẳng…
Trao đổi tại hội thảo, bà Gulmira Asanbaeva, quyền đại diện Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam cũng đánh giá việc ban hành và triển khai Nghị quyết 15-NQ/TW đã đánh dấu một bước đột phá lớn, tạo tiền đề cho Việt Nam tiếp cận gần hơn với các tiêu chuẩn quốc tế và các thông lệ tốt nhất về an sinh xã hội. Theo bà Gulmira Asanbaeva, Việt Nam cần tiếp tục hướng tới việc mang lại an sinh xã hội cho tất cả mọi người và một trong những thách thức quan trọng nhất là nhóm nằm trong khoảng trống chính sách. Họ là những người nằm giữa bảo hiểm xã hội và trợ cấp xã hội, rất nhiều người trong số họ là lao động trong khu vực kinh tế phi chính thức và thuộc nhóm dễ bị tổn thương và có nhu cầu cấp thiết về hỗ trợ an sinh xã hội, những lao động hợp đồng ngắn hạn và những người không làm việc theo mối quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động…
Để giải quyết được vấn đề này, theo Tổ chức Lao động quốc tế một trong những giải pháp quan trọng là xây dựng hệ thống an sinh xã hội đa tầng; phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại, hội nhập quốc tế theo hướng bao phủ toàn bộ lực lượng lao động; cải cách hệ thống hưu trí, đổi mới cung cấp đa dạng các sản phẩm bảo hiểm xã hội; phát huy đầy đủ các chức năng của bảo hiểm thất nghiệp; chủ động phòng ngừa, giảm thất nghiệp và duy trì việc làm bền vững cho người lao động….
Ý kiến ()