Xây dựng gia đình đoàn kết, tiến bộ để đất nước giàu mạnh, văn minh
LSO-Gia đình cho ta điểm tựa vững chắc để ta có thể vượt qua những thời khắc cay đắng nhất của cuộc đời. Chính vì vậy, mỗi khi đi xa, bước chân ta lại như bị chùng xuống, trong trái tim cũng không khỏi vương vấn bởi hai tiếng “gia đình”. Mỗi khi quay về, tâm hồn ta như được sưởi ấm với bao niềm thương yêu từ gia đình.
![]() |
Tiết mục văn nghệ tại buổi lễ phát động hưởng ứng Ngày Gia đình Việt Nam năm 2014 |
Tên tuổi của các vị anh hùng, các danh nhân, các bậc kỳ tài, các nhà cách mạng lỗi lạc đều xuất phát từ gia đình có tính cách đặc biệt. Tiềm ẩn trong những gia đình đó là sự giáo dục, chăm sóc của những người cha, người mẹ đã tảo tần nuôi con ăn học thành tài để ra giúp dân, giúp nước. Gia đình có vai trò rất lớn trong việc hình thành và phát triển xã hội, góp phần xây dựng, tô thắm, làm rạng rỡ thêm bản sắc văn hóa dân tộc. Là nơi giữ gìn, vun đắp, phát huy những giá trị truyền thống quý báu của con người. Dân tộc ta đã được hình thành trong quá trình lịch sử là lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, thủy chung, hiếu nghĩa, hiếu học, cần cù, sáng tạo trong lao động và bất khuất kiên cường vượt qua mọi khó khăn thử thách.
Gia đình là bức tường vững chắc để ngăn ngừa tội phạm và cùng với gia đình, nhà trường là phía khác của bức tường ấy. Bởi lẽ, gia đình không hoàn thiện mới chỉ là nguyên nhân đầu tiên, chứ không phải là nguyên nhân duy nhất tạo ra những số phận trẻ thơ phải sống lang thang, ly tán. Bởi vậy ngày 4 tháng 5 năm 2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/TTg chọn ngày 28-6 hằng năm là Ngày Gia đình Việt Nam nhằm đề cao trách nhiệm của lãnh đạo các ngành, các cấp, các đoàn thể, các tổ chức xã hội cùng các gia đình góp phần từng bước ổn định, củng cố, xây dựng gia đình theo tiêu chí ít con (mỗi cặp vợ chồng có một hoặc hai con), no ấm, tiến bộ, bình đẳng, hạnh phúc. Hàng loạt các văn bản của Đảng, Nhà nước từ Trung ương đến các địa phương được ban hành, nhằm tạo điều kiện mỗi gia đình thực sự là tổ ấm của mỗi người và là tế bào lành mạnh của xã hội.
Ngày nay, việc thiết lập các mối quan hệ trong văn hóa gia đình cùng với các chức năng: sinh sản, nuôi dưỡng, giáo dục con cái, thỏa mãn nhu cầu tình cảm và kinh tế cho các thành viên trong gia đình. Đồng thời quan tâm giáo dục văn hóa trong các hoạt động sống của gia đình: văn hóa ẩm thực, giao tiếp ứng xử, văn hóa trang phục, sắp xếp nhà ở, các tiện nghi gia đình, thưởng thức văn hóa nghệ thuật, vui chơi, giải trí, tham gia các hoạt động tôn giáo tín ngưỡng được lồng ghép trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Góp phần duy trì và phát triển văn hóa các nhóm cộng đồng xã hội, dòng họ, làng xã, dân tộc, giai cấp. Chúng ta đang là người chủ, khi lớn lên chúng ta cũng là người chủ của xã hội, của gia đình, vậy thì hãy cố gắng gìn giữ cái gọi là “Mái ấm gia đình”. “Một câu nhịn bằng chín câu lành”, tình yêu thương là điều giản dị, gần gũi nhất nhưng cũng là điều quý giá, thiêng liêng nhất mà bất kỳ ai cũng mong muốn được chia sẻ và có được trong cuộc sống. Để yêu và được yêu, có gia đình hạnh phúc, trước hết bạn hãy mở lòng chia sẻ. Chỉ có những tấm lòng sẻ chia mới tạo ra được những niềm vui chân thật và truyền đến cho các thành viên trong gia đình, hãy cố gắng làm sao để tạo nên một “gia đình” theo đúng nghĩa của nó.
Năm 2014 này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiến hành tuyên truyền, vận động các gia đình tổ chức “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” trên toàn quốc từ 17 giờ đến 19 giờ ngày 28-6. Thông qua chủ đề này, Bộ mong muốn mỗi người Việt Nam trân trọng hơn những giây phút sum họp bên bữa cơm gia đình hạnh phúc. Đồng thời nêu cao các giá trị vô giá của gia đình, đó là tình cảm của ông bà, cha mẹ, con cháu, vợ chồng, anh em, tôn kính các bậc sinh thành, yêu thương chăm sóc con trẻ. Truyền thống văn hóa của người Việt từ xưa tới nay vẫn coi bữa cơm là thành quả lao động của các thành viên trong gia đình, là nơi truyền – nhận kinh nghiệm giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình thể hiện sự quan tâm, chia sẻ và gắn kết tình cảm. Bữa cơm là thời gian quý báu nhất trong ngày, mà bố mẹ và các con có thể gần gũi trò chuyện. Trong bữa cơm thân mật, những tâm sự dễ được bộc bạch, những câu chuyện dễ được đưa ra bình luận. Thậm chí mỗi thành viên có thể thể hiện quan điểm, những suy nghĩ của mình về nhiều vấn đề trong ngay những việc trọng đại. Hơn nữa, đây chính là lúc thích hợp nhất để bố mẹ tìm hiểu về việc học hành của con cái, về các mối quan hệ bạn bè cũng như mong ước của con trẻ, có thể thấy được con lớn lên từng ngày qua mỗi cách ăn và ứng xử trong bữa ăn. Bởi vì bữa cơm là giờ thư giãn nên những gia đình hạnh phúc thường không bao giờ để không khí bất hòa trong bữa ăn, không nói những chuyện không vui, những điều buồn bực, không chỉ trích. Có nhiều thời gian để chúng ta thể hiện những điều không hài lòng, nhưng nhất định không phải trong bữa ăn. Nếu ai đó không có ai để chờ đợi và không đợi ai cho bữa cơm gia đình, đó quả là một bất hạnh.
Có rất nhiều điều tuyệt vời mà bữa ăn gia đình mang lại. Dù xã hội hiện đại đến đâu chăng nữa, nhưng những giá trị truyền thống tốt đẹp, mà cụ thể là bữa cơm gia luôn chiếm một vị trí quan trọng trong mọi thời điểm: khi ta nhỏ, khi ta lớn lên, khi ta già đi. Hãy trân trọng và biết tận dụng sức mạnh tuyệt vời của bữa cơm gia đình trong việc giữ gìn tổ ấm cũng như nuôi dưỡng tâm hồn. “Đừng để cho bếp nguội lạnh”, đó là lời khuyên của tất cả những chuyên gia tư vấn trong việc “Giữ lửa hạnh phúc gia đình”. Cũng đừng làm một bữa ăn qua loa, những người mẹ, người vợ hoàn toàn có thể sắp xếp được bữa ăn hợp lý. Hãy tận hưởng những điều tuyệt vời mà bữa ăn mang lại, không để người chồng, người con nào có thể quên mỗi khi xa gia đình. Câu nói: “Sự tan rã của gia đình thường bắt đầu từ sự tan rã của bữa cơm gia đình truyền thống” rất có lý!
Gia đình chính là hạt nhân của xã hội, muốn phát triển bền vững thì cần phải xây dựng được những hạt nhân tốt. Ngày 9-6-2014, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Bộ Chính trị đã ký ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, Nghị quyết có đoạn: “Thực hiện chiến lược phát triển gia đình Việt Nam, xây dựng gia đình thực sự là nơi hình thành, nuôi dưỡng nhân cách văn hóa và giáo dục nếp sống cho con người. Phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh. Xây dựng và nhân rộng các mô hình gia đình văn hóa tiêu biểu, có nền nếp, ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền, vợ chồng hòa thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau”.
Đây không chỉ là nhiệm vụ của cá nhân hay gia đình đơn lẻ mà là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Vì vậy, mỗi chúng ta hãy biết tự ý thức xây dựng gia đình mình thành một gia đình văn hóa thực sự, góp phần xây dựng xã hội ngày càng phát triển giàu mạnh, không chỉ vật chất mà cả tinh thần. Năm nay, Ngày Gia đình Việt Nam được lồng ghép với việc tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, hướng về bảo vệ chủ quyền biển đảo, chủ quyền Tổ quốc theo đúng pháp luật của Việt Nam và phù hợp với luật pháp quốc tế.
MAI TÙNG

Ý kiến ()