Xây dựng đường biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển
Nhân viên kỹ thuật Đội Phân giới cắm mốc liên hợp Việt Nam - Cam-pu-chia xác định vị trí mốc tại thực địa. Nhận rõ vị trí quan trọng của biên giới quốc gia trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; với mong muốn xác lập trên thực địa một đường biên giới ổn định, rõ ràng, dễ nhận biết, vừa tạo thuận lợi cho công tác quản lý, bảo vệ biên giới về lâu dài, vừa tạo điều kiện để các địa phương hai bên biên giới thu hút đầu tư, mở rộng hợp tác, thúc đẩy giao lưu thương mại, phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới, những năm qua Chính phủ và nhân dân hai nước Việt Nam, Cam-pu-chia luôn chủ trương và coi trọng việc đàm phán hoạch định, giải quyết những vấn đề tồn tại về biên giới lãnh thổ giữa hai nước.Ngay từ những năm 1982, 1983, hai bên đã tổ chức các cuộc đàm phán để ký kết các "Hiệp ước về Nguyên tắc giải quyết các vấn đề biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia"; "Hiệp định về Quy chế biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia";...
Nhân viên kỹ thuật Đội Phân giới cắm mốc liên hợp Việt Nam – Cam-pu-chia xác định vị trí mốc tại thực địa. |
Ngay từ những năm 1982, 1983, hai bên đã tổ chức các cuộc đàm phán để ký kết các “Hiệp ước về Nguyên tắc giải quyết các vấn đề biên giới Việt Nam – Cam-pu-chia”; “Hiệp định về Quy chế biên giới Việt Nam – Cam-pu-chia”; “Hiệp định về vùng nước lịch sử giữa Việt Nam và Cam-pu-chia” và ngày 27-2-1985 đã ký “Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Cam-pu-chia”, tạo cơ sở pháp lý cho việc phân giới cắm mốc (PGCM) trên thực địa. Tiếp đó, ngày 10-10-2005, Chính phủ hai nước ký “Hiệp ước giữa nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Cam-pu-chia bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới Quốc gia năm 1985” và tổ chức triển khai công tác PGCM trên thực địa. Sau hơn 5 năm thực hiện (từ tháng 9-2006 đến cuối năm 2011), hai bên đã xác định trên thực địa được 230/tổng số 314 vị trí mốc; xây dựng 255 cột mốc và phân định được hơn 350 km/1.137 km chiều dài đường biên giới trên bộ giữa hai nước.
Căn cứ thỏa thuận của Lãnh đạo cấp cao và các hiệp ước, hiệp định đã ký kết, các lực lượng bảo vệ an ninh và bảo vệ biên giới hai nước đã thống nhất những biện pháp cụ thể trong hợp tác đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo đảm an ninh – trật tự trên khu vực biên giới và bảo vệ đường biên giới chung giữa hai nước (như tổ chức các hoạt động tuần tra chung; tổ chức giao ban định kỳ để trao đổi thông tin và giải quyết, xử lý các vấn đề phát sinh trên biên giới; phối hợp đấu tranh phòng chống tội phạm, nhất là tội phạm về ma túy, về mua bán, tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng, buôn bán phụ nữ, trẻ em; chống buôn lậu và gian lận thương mại). Ngoài ra, các lực lượng Công an và Bộ đội Biên phòng Việt Nam còn chủ động giúp đỡ lực lượng Công an và Cảnh sát bảo vệ biên giới Cam-pu-chia trong công tác huấn luyện, đào tạo cán bộ, bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao trình độ, khả năng chuyên môn nghiệp vụ; hỗ trợ bảo đảm hậu cần, xây dựng doanh trại, đặt văn phòng liên lạc hay tổ chức khám chữa bệnh cho nhân dân và các đơn vị biên phòng Cam-pu-chia đứng chân ở khu vực biên giới. Trên vùng biển, lực lượng Hải quân hai nước đã có nhiều hoạt động hợp tác như xây dựng các trung tâm chỉ huy, thiết lập đường dây nóng, tổ chức các cuộc tuần tra chung; phối hợp tổ chức cứu hộ, cứu nạn trên biển hay tổ chức các cuộc thăm viếng của các quan chức Hải quân và tàu thuyền hải quân. Các địa phương hai bên biên giới luôn chú trọng phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý, bảo vệ đường biên, cột mốc; trong đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, các hoạt động vi phạm pháp luật, không để các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc, kích động gây chia rẽ tình đoàn kết giữa hai nước và cản trở, phá hoại công tác PGCM trên thực địa.
Trong phát triển kinh tế – xã hội khu vực biên giới, nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh cả trên đất liền và trên biển, căn cứ điều kiện thực tế mỗi địa bàn, chính quyền các địa phương hai bên biên giới đã tổ chức nhiều hình thức hợp tác thiết thực, hiệu quả như tổ chức các cuộc giao lưu, thăm hỏi, hội đàm, trao đổi học tập kinh nghiệm, đẩy mạnh hoạt động đầu tư, phát triển mậu dịch biên giới, thương mại hai chiều; ký kết nhiều dự án đầu tư, tổ chức các hội chợ, hội thảo để giới thiệu, quảng bá du lịch, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ hay cải cách thủ tục hành chính tạo môi trường thông thoáng để kêu gọi, thu hút đầu tư…, nhằm phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc trên biên giới. Để tỏ lòng biết ơn tình cảm chí nghĩa chí tình của Chính phủ và nhân dân Việt Nam dành cho nhân dân Cam-pu-chia anh em cũng như sự hy sinh cao cả của các chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam trên đất nước chùa Tháp, những năm qua, Chính phủ và nhân dân Cam-pu-chia, cũng như chính quyền và cơ quan chức năng của các địa phương hai bên biên giới, đã tích cực hợp tác trong việc tìm kiếm, cất bốc và hồi hương hài cốt các liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trong các thời kỳ chiến tranh tại Cam-pu-chia… Những hoạt động thiết thực, cụ thể đó đã góp phần củng cố mối quan hệ truyền thống giữa hai nước phát triển cả bề rộng và chiều sâu; góp phần giữ vững an ninh, ổn định khu vực biên giới, vùng biển giữa hai nước.
Để tiếp tục xây dựng đường biên giới Việt Nam – Cam-pu-chia thành đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển ngang tầm với mối quan hệ “Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài” giữa hai nước, Chính phủ hai nước Việt Nam và Cam-pu-chia đã thỏa thuận nhất trí tăng cường đồng bộ các giải pháp, trong đó tập trung vào một số vấn đề chủ yếu sau đây:
Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và nhân dân hai nước về công tác đàm phán, hoạch định giải quyết những vấn đề còn tồn tại về biên giới và công tác PGCM trên thực địa. Theo đó, hai bên cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền làm cho mỗi người dân đều hiểu được ý nghĩa của việc đàm phán hoạch định và công tác PGCM, nhằm xác lập rõ ràng đường biên giới trên đất liền giữa hai nước là một chủ trương chiến lược đúng đắn của hai Chính phủ, phù hợp với sự phát triển của mỗi nước, phù hợp với xu thế phát triển của ASEAN và quốc tế, nhất là mục tiêu và quyết tâm xây dựng cộng đồng ASEAN vào năm 2015. Bài học từ thực tiễn cho thấy, để công tác tuyên truyền đạt kết quả tốt thì chính quyền các địa phương hai bên biên giới cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ để bảo đảm cho công tác tuyên truyền đúng định hướng, phương pháp và nội dung tuyên truyền phải phù hợp, thiết thực, hiệu quả.
Hai là, đẩy nhanh tiến độ đàm phán, hoạch định chuyển vẽ đường biên giới trên bản đồ và công tác PGCM trên thực địa. Đây là công việc mang tính đặc thù, tính phức tạp cao nên Chính phủ hai nước luôn quan tâm chỉ đạo sát sao, đồng bộ và quyết liệt. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng tiến độ công tác này còn rất chậm, đến cuối năm 2011 vẫn còn một khối lượng rất lớn công việc cần phải tiếp tục giải quyết (đến cuối năm 2011 vẫn còn chín khu vực với hơn 80 km đường biên giới và 46 vị trí mốc chưa chuyển vẽ, 38 mốc và hơn 700 km đường biên giới đã chuyển vẽ nhưng chưa PGCM trên thực địa).
Ba là, tăng cường mở rộng hợp tác giữa các cơ quan, các ngành chức năng và các địa phương hai bên biên giới trong công tác quản lý, bảo vệ biên giới và xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Theo đó, các lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng và Hải quân Việt Nam cùng lực lượng Công an, Cảnh sát bảo vệ biên giới và Hải quân Hoàng gia Cam-pu-chia cần tiếp tục thực hiện tốt những nội dung đã hợp tác, thỏa thuận ký kết. Trước yêu cầu mới, Hải quân hai nước cũng tăng cường mở rộng hợp tác với Hải quân các nước ASEAN trong phòng chống các mối đe dọa an ninh phi truyền thống; trong hợp tác cung cấp, trao đổi thông tin; trong diễn tập phòng chống các loại tội phạm; phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn trên biển; bảo vệ tài nguyên và môi trường sinh thái biển… Chính quyền các địa phương hai bên biên giới cũng chú trọng tăng cường hợp tác toàn diện trên các mặt, với nhiều hình thức, nội dung phong phú, thiết thực, hiệu quả để vun đắp mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước.
Theo Nhandan
Ý kiến ()