Xây dựng đường biên giới Việt-Lào hòa bình, ổn định phát triển bền vững
Khu vực biên giới Việt Nam-Lào có vị trí chiến lược hết sức quan trọng đối với an ninh quốc phòng và kinh tế xã hội của hai nước.
Cuộc họp thường niên lần thứ 25 đoàn đại biểu biên giới Việt Nam-Lào, tháng 6/2016 tại Đà Nẵng |
Nhân dịp hội nghị tổng kết hoàn thành Kế hoạch tổng thể thực hiện công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam-Lào, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia Lê Hoài Trung đã trả lời phỏng vấn báo chí.
Xin ông cho biết những nét chính của quá trình giải quyết biên giới Việt Nam-Lào?
Thứ trưởng Lê Hoài Trung:Đường biên giới Việt Nam-Lào dài khoảng 2.337 km, tiếp giáp giữa 10 tỉnh của Việt Nam và 10 tỉnh của Lào. Ngày 18/7/1977, Việt Nam và Lào đã kết thúc đàm phán và ký kết Hiệp ước hoạch định đường biên giới quốc gia giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CHDCND Lào, tạo cơ sở về mặt chính trị và pháp lý cho việc giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ giữa hai nước.
Thực hiện Hiệp ước, trong giai đoạn 1978-1987, hai bên đã tổ chức và hoàn thành cơ bản công tác phân giới cắm mốc đường biên giới trên thực địa, giải quyết xong các vấn đề phát sinh liên quan đến việc giải quyết biên giới giữa hai nước như việc chuyển giao đất, bàn giao dân và tài sản giữa hai bên… phù hợp với luật pháp quốc tế, mối quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào và thực tế đường biên giới giữa hai nước. Tất cả các kết quả đó đã được hai bên ghi nhận trong Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định ký ngày 24/01/1986, Nghị định thư về phân giới trên thực địa và cắm mốc quốc giới ký ngày 24/01/1986 và Nghị định thư bổ sung Nghị định thư về phân giới trên thực địa và cắm mốc quốc giới ký ngày 16/10/1987.
Từ năm 1987 đến nay, đồng thời với việc phối hợp tổ chức quản lý, bảo vệ và xây dựng đường biên giới chung, hai bên đã hoàn thành các công việc như: Lập bộ bản đồ đường biên giới quốc gia Việt Nam-Lào tỷ lệ 1/50.000 bằng công nghệ kỹ thuật số, chính xác, hiện đại; giải quyết toàn bộ các sai lệch về đường biên, mốc giới và các đoạn biên giới còn tồn đọng trước đây; phối hợp với Trung Quốc cắm mốc và ký Hiệp ước về điểm ngã ba biên giới Việt Nam-Lào-Trung Quốc; phối hợp với Campuchia cắm mốc và ký Hiệp ước về điểm ngã ba biên giới Việt Nam-Lào-Campuchia.
Từ năm 2008 đến năm 2016, hai nước phối hợp triển khai Dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam-Lào nhằm nâng cao, hoàn thiện chất lượng đường biên giới giữa hai nước cả trên thực địa và hồ sơ pháp lý. Hệ thống mốc quốc giới giữa hai nước hiện có 1.002 cột mốc và cọc dấu tại 905 vị trí, được ghi nhận chi tiết tại Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới Việt Nam-Lào ký ngày 16/3/2016.
Xin ông cho biết một số nội dung chính của 2 văn kiện pháp lý Việt Nam-Lào vừa có hiệu lực từ ngày 5/9/2017 và kế hoạch tổ chức thực hiện hai văn kiện này?
Thứ trưởng Lê Hoài Trung:Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới Việt Nam-Lào ký ngày 16/3/2016 là văn kiện pháp lý cấp Nhà nước ghi nhận toàn bộ thành quả giải quyết biên giới giữa hai nước, bao gồm: Kết quả hoạch định và phân giới cắm mốc giai đoạn 1977-1987; kết quả giải quyết một số đoạn biên giới tồn đọng và các mâu thuẫn, sai lệch về đường biên giới, mốc quốc giới sau phân giới cắm mốc trước đây; và đặc biệt là kết quả thực hiện Dự án tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam-Lào giai đoạn 2008-2016.
Điểm đáng lưu ý của Nghị định thư là mô tả chính xác vị trí của 1.002 mốc quốc giới và cọc dấu có tọa độ địa lý được đo bằng máy GPS hai tần số, mô tả chi tiết hướng đi của đường biên giới và địa hình đường biên giới đi qua theo hướng từ Bắc xuống Nam. Nghị định thư gồm có 4 phụ lục đính kèm, trong đó quan trọng nhất là Bộ bản đồ đường biên giới quốc gia Việt Nam-Lào tỷ lệ 1/50.000 thể hiện toàn bộ thành quả giải quyết biên giới giữa hai nước.
Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam-Lào gồm các điều khoản quy định chi tiết về quy chế biên giới và cơ chế hợp tác, phối hợp giữa các lực lượng chức năng của hai nước trong công tác quản lý, bảo vệ đường biên giới, hệ thống mốc quốc giới, xử lý các sự kiện biên giới và quản lý hệ thống cửa khẩu biên giới Việt Nam-Lào nhằm duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội vùng biên giới, tạo điều kiện cho việc giao lưu, phát triển kinh tế-xã hội giữa hai nước.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành và địa phương liên quan trong việc tổ chức thực hiện 2 văn kiện này.
Về phần mình, Bộ Ngoại giao sẽ chủ trì, phối hợp với phía Lào xây dựng và xuất bản các ấn phẩm về biên giới Việt Nam-Lào để cung cấp cho các bộ, ngành, các cấp chính quyền địa phương và các lực lượng quản lý, bảo vệ biên giới có liên quan; phối hợp với Bộ TN&MT công bố bộ bản đồ chuẩn về đường biên giới quốc gia Việt Nam-Lào; tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền về thành quả và ý nghĩa của công tác giải quyết biên giới giữa hai nước, các văn kiện pháp lý song phương, cũng như các quy định nội luật về biên giới cho các lực lượng tham gia công tác quản lý, bảo vệ biên giới và các già làng, trưởng bản ở khu vực biên giới hai bên…
Các bộ, ngành, địa phương liên quan của phía Việt Nam và phía Lào sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ để kịp thời giải quyết các vấn đề vướng mắc phát sinh trên biên giới theo đúng quy định của 2 văn kiện và tổ chức kiểm điểm, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện 2 văn kiện định kỳ hằng năm.
Đội tuần tra chung của Bộ đội Biên phòng Việt Nam và Lào tại mốc quốc gia 255. Ảnh: qdnd.vn |
Những mục tiêu, giải pháp xây dựng đường biên giới Việt Nam-Lào hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển trong thời gian tới là gì, thưa ông?
Thứ trưởng Lê Hoài Trung:Khu vực biên giới Việt Nam-Lào có vị trí chiến lược hết sức quan trọng đối với an ninh quốc phòng và kinh tế xã hội của hai nước. Khu vực biên giới ổn định và phát triển sẽ góp phần tăng cường và củng cố tình đoàn kết, gắn bó giữa nhân dân hai bên biên giới; thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của các địa phương có chung đường biên giới, góp phần quan trọng cho sự ổn định và phát triển của mỗi nước và tăng cường tình hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào.
Vì vậy, việc xây dựng đường biên giới Việt Nam-Lào hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững là nội dung cần quán triệt sâu sắc tới các bộ, ngành và địa phương hữu quan, trong đó quan trọng nhất là việc tổ chức thực hiện tốt các văn kiện pháp lý biên giới đã ký giữa hai nước, trong đó tập trung vào các nội dung sau:
Một là, tăng cường hợp tác chặt chẽ với phía bạn trong công tác giữ gìn an ninh trật tự khu vực biên giới; nâng cao cảnh giác trong đấu tranh phòng chống tội phạm xuyên biên giới, đặc biệt là tội phạm buôn bán vận chuyển trái phép chất ma tuý, vũ khí, buôn người, buôn lậu và gian lận thương mại…; chỉ đạo các lực lượng trực tiếp bảo vệ biên giới hiệp đồng tác chiến giải quyết tốt các vụ việc phát sinh nhằm ngăn chặn, phá tan mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch chống phá hai nước, giữ vững sự ổn định ở khu vực biên giới.
Hai là, tạo cơ chế, chính sách tăng cường thu hút đầu tư dưới nhiều hình thức nhằm sớm cải thiện, nâng cấp kết cấu hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là hạ tầng giao thông, phát triển kinh tế, thương mại, văn hóa, du lịch khu vực biên giới, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh khu vực biên giới, không ngừng cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thân của cư dân biên giới, sớm thu hẹp khoảng cách phát triển giữa vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số so với trình độ phát triển trung bình hoặc trung bình khá của cả nước.
Ba là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhân dân, cán bộ, chiến sĩ nâng cao nhận thức về pháp luật nói chung cũng như về việc thực hiện Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam-Lào nói riêng. Đồng thời, tăng cường các biện pháp phối hợp với bạn nhằm quản lý, bảo vệ tốt đường biên giới, hệ thống mốc quốc giới và thực hiện tốt các nội dung của Hiệp định.
Bốn là, phối hợp chặt chẽ hơn nữa với phía Lào trong việc giải quyết các vấn đề còn tồn đọng trong công tác quản lý biên giới, trọng tâm là: Thực hiện tốt, hiệu quả Thỏa thuận cấp Chính phủ về việc giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới Việt Nam-Lào nhằm góp phần tăng cường và củng cố quan hệ huwux nghị truyền thống, tính đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào.
Xây dựng và triển khai thực hiện tốt đề án Quy hoạch phát triển hệ thống cửa khẩu biên giới Việt Nam-Lào đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động giao lưu qua lại biên giới; phát huy thế mạnh kinh tế biên mậu, làm tăng thêm nguồn thu cho ngân sách Nhà nước; thu hút các nguồn vốn đầu tư xây dựng và phát triển các khu kinh tế cửa khẩu; góp phần bảo đảm an ninh, trật tự trên toàn tuyến biên giới.
Năm là, các địa phương cần chú trọng hơn nữa trong việc phối hợp với các địa phương phía bạn trong việc thực hiện hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận liên quan đến biên giới đã ký giữa hai nước Việt Nam và Lào; phát triển quan hệ hợp tác kinh tế, văn hóa, xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, cải thiện đời sống của cư dân biên giới; có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp và nhân dân phát triển kinh tế, thương mại trong khu vực biên giới.
Đồng thời, cần tiếp tục phối hợp với bạn tăng cường đầu tư phát triển đường giao thông qua lại biên giới cũng như thực hiện tốt kế hoạch mở, nâng cấp cửa khẩu đã được thoả thuận nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng vùng biên giới Việt Nam-Lào trở thành hậu phương chiến lược của cách mạng hai nước.
Theo baochinhphu
Ý kiến ()