Xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác, cùng phát triển
Các hoạt động giao lưu biên giới đóng góp quan trọng vào việc xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác, cùng phát triển giữa Việt Nam với các nước láng giềng.
Đó là khẳng định của Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trong cuộc trao đổi với báo chí nhân dịp Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam-Lào lần thứ nhất.
Phóng viên (PV): Đề nghị đồng chí Thứ trưởng đánh giá về tình hình khu vực biên giới Việt Nam-Lào trong những năm vừa qua?
Thứ trưởng Hoàng Xuân Chiến: Việt Nam và Lào có chung đường biên giới dài hơn 2.300km, tiếp giáp giữa 10 tỉnh của nước ta (Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Kon Tum) với 10 tỉnh của Lào (Phongsaly, Luang Prabang, Houaphanh, Borikhamxay, Khammouane, Savannakhet, Saravane, Xiengkhuang, Sekong và Attapeu). Khu vực biên giới Việt Nam-Lào được hai nước xác định là một trong những khu vực có vị trí chiến lược hết sức quan trọng về quốc phòng, an ninh và kinh tế-xã hội.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hoàng Xuân Chiến. Ảnh: PHÚ SƠN. |
Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của hai Đảng, hai Nhà nước, các ban, bộ, ngành, nhất là cấp ủy, chính quyền địa phương, lực lượng bảo vệ biên giới và nhân dân vùng biên hai nước đã chung tay xây dựng đường biên giới Việt Nam-Lào hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác cùng phát triển. Đặc biệt, Việt Nam và Lào đã phối hợp rất chặt chẽ trong bảo vệ đường biên, cột mốc, phát triển kinh tế-xã hội ở khu vực biên giới, góp phần xóa đói giảm nghèo, ngăn chặn các hoạt động tội phạm qua biên giới.
Tuy nhiên, hiện nay khu vực biên giới Việt Nam-Lào cũng phải đối mặt với những thách thức, trong đó phải kể đến sự chống phá của các thế lực thù địch ra sức lôi kéo, kích động nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số để hình thành tư tưởng ly khai, di cư tự do, kết hôn không giá thú. Cùng với đó là các loại tội phạm qua biên giới như buôn lậu, ma túy và các thách thức an ninh phi truyền thống như dịch bệnh. Thực tế này đặt ra nhiệm vụ đối với các ban, bộ, ngành, nhất là cấp ủy, chính quyền địa phương, lực lượng bảo vệ biên giới và nhân dân vùng biên hai nước, đó là tiếp tục xây dựng và củng cố đường biên giới Việt Nam-Lào hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác cùng phát triển, xem đây là một mục tiêu chiến lược lâu dài của cả hai nước chúng ta.
PV: Việt Nam và Lào chuẩn bị tổ chức Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới lần thứ nhất, vậy đề nghị đồng chí Thứ trưởng cho biết những hoạt động chính trong khuôn khổ chương trình giao lưu? Đồng chí có kỳ vọng như thế nào đối với Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam-Lào lần thứ nhất?
Thứ trưởng Hoàng Xuân Chiến: Việc tổ chức Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam-Lào lần thứ nhất xuất phát từ quan điểm chỉ đạo của hai Đảng, hai Nhà nước về xây dựng đường biên giới Việt Nam-Lào hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác cùng phát triển. Chương trình giao lưu cũng nằm trong kế hoạch hoạt động đối ngoại quốc phòng trong năm 2021 của Bộ Quốc phòng hai nước. Trên cơ sở đó, Bộ Quốc phòng hai nước đã chỉ đạo các cơ quan chức năng và các đơn vị phối hợp chặt chẽ với các địa phương giáp biên giới tích cực làm công tác chuẩn bị cho giao lưu. Hai bên đã cùng xây dựng và thống nhất kịch bản, nội dung giao lưu. Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam-Lào lần thứ nhất được tổ chức tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị (Việt Nam) và huyện Sepon, tỉnh Savannakhet (Lào) với nhiều hoạt động ý nghĩa, như: Chào cột mốc chủ quyền, chứng kiến tuần tra chung của lực lượng bảo vệ biên giới hai nước, thăm, tặng quà các cháu học sinh Lào và Việt Nam… Bộ trưởng Quốc phòng hai nước cũng sẽ tiến hành hội đàm và ký kết một số văn kiện quan trọng nhằm thúc đẩy hơn nữa hợp tác quốc phòng song phương và hợp tác giữa lực lượng bảo vệ biên giới hai nước trong thời gian tới.
Tôi cho rằng, nội dung chương trình giao lưu rất toàn diện, sát với thực tế, là cơ hội để hai nước thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương vốn được xác định là một trụ cột quan trọng của quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào. Qua đó, góp phần củng cố quan hệ gắn bó keo sơn giữa hai nước, nhất là nhân dân vùng biên hai nước, đồng thời nêu cao tinh thần trách nhiệm của lực lượng bảo vệ biên giới hai nước chung tay phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn trong bảo vệ đường biên, cột mốc, đấu tranh phòng, chống tội phạm, giúp người dân xóa đói giảm nghèo, xây dựng đường biên giới Việt Nam-Lào hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác, cùng phát triển.
Thứ trưởng Hoàng Xuân Chiến kiểm tra công tác chuẩn bị Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam-Lào lần thứ nhất tại Trường tiểu học số 2 Lao Bảo (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), ngày 28-11-2021. Ảnh: THÁI HƯNG. |
PV: Cho đến nay, Việt Nam thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu hữu nghị biên giới ở các cấp độ khác nhau với các nước láng giềng có biên giới liền kề. Đồng chí Thứ trưởng đánh giá như thế nào về đóng góp của những hoạt động này đối với hợp tác quốc phòng nói riêng và quan hệ song phương nói chung giữa Việt Nam với các nước láng giềng?
Thứ trưởng Hoàng Xuân Chiến: Trong những năm vừa qua, kể cả khi xảy ra đại dịch Covid-19, Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung và Bộ đội Biên phòng (BĐBP) nói riêng đã không ngừng thúc đẩy nhiều hoạt động hợp tác với các nước láng giềng có biên giới liền kề, trong đó phải kể đến các hoạt động tuần tra chung, chia sẻ thông tin, ngăn chặn nạn vượt biên trái phép, đấu tranh phòng, chống tội phạm, ngăn chặn dịch bệnh qua biên giới. Bên cạnh đó, các hình thức giao lưu, kết nghĩa cũng được tích cực triển khai ở các cấp với nhiều hình thức phong phú. Cho đến nay, chúng ta đã tổ chức 6 lần Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam-Trung Quốc, 3 lần Giao lưu “Biên cương thắm tình hữu nghị”; tổ chức “Giao lưu hữu nghị biên giới Việt Nam-Lào-Campuchia” lần thứ nhất cấp Bộ chỉ huy BĐBP, Giao lưu hữu nghị biên giới Việt Nam-Lào lần thứ nhất cấp Bộ tư lệnh BĐBP, giao lưu văn nghệ “Sắt son tình nghĩa Việt-Lào” cấp Bộ chỉ huy BĐBP… Ngoài ra, chúng ta đã tham mưu cho các cấp ủy, chính quyền địa phương về kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới, chia sẻ kinh nghiệm, giao lưu văn hóa bản địa, giúp nhau phát triển kinh tế…
Đây là những mô hình giao lưu rất sáng tạo, linh hoạt, thực chất, hiệu quả ở tuyến biên giới của Việt Nam tiếp giáp với 3 nước láng giềng Trung Quốc, Lào và Campuchia. Trong thời gian tới, chúng ta kỳ vọng mở rộng những mô hình giao lưu nói trên sang các nước Tiểu vùng Mê Công và khối ASEAN vì một mục tiêu: Hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác, cùng phát triển với các nước láng giềng có biên giới liền kề nói riêng và trong khu vực nói chung.
Các hoạt động giao lưu hữu nghị biên giới với nhiều mô hình sáng tạo, linh hoạt, thực chất, hiệu quả đã một lần nữa khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại của Việt Nam, trong đó ưu tiên mối quan hệ với các nước láng giềng có biên giới liền kề, các nước bạn bè truyền thống, các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện. Các hoạt động này cũng góp phần đưa hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam với các nước ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả và thực chất hơn, qua đó đóng góp quan trọng vào việc củng cố tiềm lực quốc phòng của mỗi nước, đồng thời nêu cao tinh thần trách nhiệm của các ban, bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương, lực lượng bảo vệ biên giới và nhân dân vùng biên cùng chung tay xây dựng các tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác, cùng phát triển.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
Ý kiến ()