Xây dựng đường băng xanh cản lửa: Hướng mới trong phòng chống cháy rừng
Theo số liệu thống kê năm 2016, Lạng Sơn có trên 500.000 ha rừng, trong đó, rừng tự nhiên trên 293.000 ha, rừng trồng 209.700 ha. Cùng đó, mỗi năm toàn tỉnh có 8.000 đến 10.000 ha rừng trồng mới. Vì vậy, lâm nghiệp có vị trí vô cùng quan trọng trong góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, đặc biệt là đối với đời sống của người dân.
Diện tích rừng lớn, số vụ cháy rừng xảy ra trên địa bàn tỉnh cũng không hề nhỏ. Mỗi năm có hàng chục vụ cháy làm ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng và phát triển của hàng chục héc – ta rừng. Cụ thể như năm 2017, toàn tỉnh xảy ra 30 vụ cháy làm thiệt hại hơn 75 ha rừng. Đặc biệt, rừng thông thuần loài là loại rừng có nguy cơ cháy cao lại chiếm diện tích lớn, trên 60% tổng diện tích rừng trồng. Cùng đó, trên địa bàn tỉnh mùa khô kéo dài từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau nên nguy cơ cháy rừng là rất cao. Chính vì vậy, công tác phòng chống cháy rừng cần được ưu tiên hàng đầu.
Cán bộ Chi cục Kiểm lâm kiểm tra quá trình sinh trưởng và phát triển của cây trồng trên đường băng xanh
Trong điều kiện hiện nay, trên địa bàn tỉnh phổ biến sử dụng đường băng trắng để giảm thiệt hại có thể xảy ra khi cháy rừng. Đường băng trắng tuy chiếm ít diện tích nhưng phi sản xuất, cùng đó, lại có thể gây rửa trôi, xói mòn đất, hằng năm cần phát dọn, làm đất nên mất nhiều công lao động. Xuất phát từ thực tế đó, năm 2014, Chi cục Kiểm lâm tỉnh nghiên cứu xây dựng mô hình đường băng cây xanh cản lửa phòng, chống cháy rừng. Đường băng cây xanh là những băng được trồng cây hỗn giao, có kết cấu nhiều tầng, các cây trồng có khả năng chịu lửa tốt, phân chia thành các lô nhằm ngăn cản cháy lớn. Đường băng cây xanh có tác dụng ngăn cháy mặt đất và cháy lướt trên tán cây.
Bà Nguyễn Thị Kim Loan, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, chủ nhiệm đề tài cho biết: Qua nghiên cứu đặc điểm sinh trưởng, phát triển nhiều loại cây trên địa bàn tỉnh về khả năng chịu lửa, chống cháy, chi cục chọn trồng xen kẽ các loại cây, tạo khoảng rừng có cấu trúc nhiều tầng tán không những có khả năng cản lửa tối ưu mà còn đem lại thu nhập cho người trồng rừng. Các loại cây trồng trên đường băng xanh gồm: keo tai tượng, giổi xanh, vối thuốc, tai chua, cọc rào, dứa bà, dứa ăn quả. Thí điểm mô hình, Chi cục Kiểm lâm tỉnh triển khai thực hiện trên chiều dài đường băng là 2 km, chiều rộng 20 m tại xã Xuân Dương, huyện Lộc Bình. Khu vực rừng trồng thí điểm có hướng vuông góc với hướng gió chính của mùa cháy. Sau 3 năm triển khai (từ năm 2014 đến 2017), đến nay, tỷ lệ cây sống đạt trên 78%, các tầng tán phát triển ổn định.
Các hộ trồng rừng xây dựng đường băng cây xanh cản lửa có thể trồng theo cấu trúc 2 tầng tán, tầng cao trồng vối thuốc mật độ 2.300 cây/ha (cây cách cây 2 m, hàng cách hàng 2 m), tầng dưới trồng cây dứa bà mật độ 1.000 cây/ha. Với cấu trúc 3 tầng tán, bà con có thể trồng theo các cách: tầng cao trồng vối thuốc, mật độ 2.000 cây, tầng trung bình trồng cọc rào, tai chua mật độ 1.000 cây/ha, tầng dưới trồng dứa bà mật độ 550 cây/ha hoặc tầng cao trồng giổi xanh mật độ 1.500 cây/ha và keo tai tượng 1.000 cây/ha, tầng trung bình trồng cọc rào, tại chua mật độ 1.000 cây/ha, dưới tán trồng dứa bà mật độ 500 cây/ha. Trước khi xây dựng đường băng cây xanh cần thu gom cây gỗ, thực bì để khô và đốt. Sau khi xử lý thực bì, cuốc hố để trồng cây theo kích thước 30 x 30 x 30. Lấp hố trước khi trồng 15 ngày, trộn đều đất mặt với đất xung quanh và phân bón NPK. Khi trồng, đặt cây xuống hố, lấp đất quanh bầu, vừa ấn nhẹ, đảm bảo cho cây đứng thẳng, lấp kín mặt bầu 2 – 3 cm. Sau khi trồng 20 ngày, kiểm tra và trồng dặm; chăm sóc lần 1 khi cây được 60 ngày tuổi. Trong 2 năm tiếp theo mỗi năm chăm sóc 2 lần, kết hợp bón phân NPK.
Hằng năm, trên địa bàn tỉnh vẫn có không ít các vụ cháy rừng xảy ra, chính vì vậy, việc xen kẽ những đường băng cây xanh cản lửa với rừng thuần sẽ nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống cháy rừng. Việc áp dụng đường băng cây xanh cản lửa không chỉ giúp các hộ trồng rừng tận dụng tối đa quỹ đất mà còn tăng thêm thu nhập. Đây là cách phòng, chống cháy rừng mang lại hiệu quả cao có thể nhân rộng tại các khu vực rừng thuần.
Ý kiến ()