Xây dựng đời sống văn hóa: Nét mới ở Bình Gia
LSO- Là một huyện nghèo của tỉnh với điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn song Bình Gia luôn nỗ lực thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tạo nên nhiều nét mới trong đời sống cộng đồng, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn mới.
Chuyển biến về nhận thức
Nhiều năm qua, cùng với phát triển kinh tế, cấp ủy, chính quyền huyện Bình Gia luôn quan tâm tới nhiệm vụ xây dựng và phát triển đời sống văn hóa, xã hội. Đặc biệt là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
Để phong trào đi vào chiều sâu, Huyện ủy đã chỉ đạo các ngành chức năng, các chi đảng bộ xã, thị trấn xây dựng kế hoạch, chương trình sát với chức năng nhiệm vụ của từng tổ chức, từng cơ sở để triển khai thực hiện. Trong đó chú trọng tuyên truyền về phong trào.
Từ năm 2011 đến nay, huyện đã cấp phát 205 cuốn tài liệu, 30 tờ rơi về nghiệp vụ văn hóa cho các xã thị trấn, tổ chức 582 buổi tuyên truyền lưu động, 80 buổi biểu diễn nghệ thuật quần chúng, 500 buổi chiếu phim lưu động có lồng ghép nội dung tuyên truyền Chỉ thị số 07-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2011-2015.
Qua đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị – xã hội, cán bộ, đảng viên và nhân dân đã nhận thức được rõ hơn về mục đích, ý nghĩa của phong trào, tích cực tham gia gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc.
Cán bộ Ban Dân vận Huyện ủy Bình Gia giao lưu bóng chuyền
Đẩy mạnh xã hội hóa
Từ chuyển biến về nhận thức, cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể nhân dân đã nỗ lực thực hiện tốt công tác xã hội hóa trong xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở. Từ năm 2010 đến nay, nhân dân ở các thôn, bản, khu phố đã tích cực đóng góp tiền, nguyên vật liệu và ngày công… trị giá hàng tỷ đồng, xây dựng được 170 nhà văn hóa thôn, khối phố. Đặc biệt, xã Tô Hiệu đã hoàn thành tiêu chí về văn hóa và cơ sở vật chất văn hóa với 1 nhà văn hóa xã và 5/5 thôn bản có nhà văn hóa đạt chuẩn nông thôn mới.
Nhờ đó, ngày càng có thêm nhiều không gian văn hóa cho người dân sinh hoạt cộng đồng, luyện tập thể dục thể thao, nâng cao trình độ dân trí. Người dân tích cực tham gia các CLB văn hóa văn nghệ (hiện có 10 CLB hát then, 2 CLB hát sli) và phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” với 11 CLB thể thao được duy trì luyện tập thường xuyên. Phong trào đi bộ của người dân ở thị trấn Bình Gia và các xã: Tô Hiệu, Tân Văn, Hoàng Văn Thụ được duy trì tích cực.
Nếp sống văn hóa lan tỏa
Vừa hoàn thiện các thiết chế văn hóa, các thôn bản vừa làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến về nội dung, tiêu chuẩn xây dựng gia đình, khu dân cư văn hóa đồng thời tổ chức bình xét công khai, dân chủ. Đến nay, toàn huyện có 5.913 gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 47% (tăng 12,2% so với năm 2010) và 26 khu dân cư được đánh giá là thực hiện tốt nếp sống văn hóa, văn minh đạt 13,4% (tăng 5,2%).
Nói về kết quả đạt được, bà Hoàng Thị Đường, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện cho biết: Trên thực tế, những hình thức cưới gọn nhẹ, tiết kiệm xuất hiện ngày càng nhiều, được dư luận ủng hộ. Việc tổ chức tang lễ chu đáo, bảo đảm vệ sinh, xóa bỏ dần các tập tục lạc hậu đã trở nên phổ biến ngay cả ở cộng đồng dân cư dân tộc thiểu số. Lễ hội diễn ra sôi nổi, thu hút đông đảo người dân tham gia với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao truyền thống.
Qua đó cho thấy, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã khơi dậy nét đẹp văn hóa cộng đồng dân cư, góp phần xây dựng môi trường sống lành mạnh với nếp sống mới, văn minh, hiện đại từng bước được hình thành và bén rễ sâu trong các gia đình, cộng đồng dân cư. Từ đó góp phần tạo nên diện mạo nông thôn mới, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương.
Bài, ảnh: NGỌC HIẾU
Ý kiến ()