Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh, nâng tầm trí tuệ dân tộc
Trí thức Việt Nam là lực lượng lao động đặc biệt trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Đầu tư xây dựng đội ngũ trí thức là đầu tư cho trí tuệ quốc gia và đầu tư cho phát triển bền vững.
Chăm lo xây dựng nguồn lực đặc biệt quan trọng
Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức đề cao vai trò của trí thức, coi trí thức là nguồn lực đặc biệt quan trọng, tạo nên sức mạnh của đất nước trong chiến lược phát triển và luôn tìm mọi cách phát huy tối đa sức mạnh của lực lượng này để đóng góp vào thành công chung của sự nghiệp cách mạng. Đảng luôn quan tâm xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh để nâng tầm trí tuệ của dân tộc, sức mạnh của đất nước, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng và chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị.
Trong các kỳ Đại hội của Đảng và nhiều hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương đã có chủ trương, giải pháp nhằm xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức; coi đầu tư xây dựng đội ngũ trí thức là đầu tư cho phát triển bền vững. Nghị quyết Trung ương 7 khóa X “Về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” chỉ rõ: “Gắn bó vững chắc giữa Đảng và Nhà nước với trí thức, giữa trí thức với Đảng và Nhà nước, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh công-nông-trí. Trong những năm trước mắt, hoàn thiện các cơ chế, chính sách đã ban hành, xây dựng cơ chế, chính sách mới nhằm phát huy có hiệu quả tiềm năng của đội ngũ trí thức…”.
Đại hội XII của Đảng khẳng định: “Xây dựng đội ngũ trí thức ngày càng lớn mạnh, có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo. Trọng dụng trí thức trên cơ sở đánh giá đúng phẩm chất, năng lực và kết quả cống hiến”. Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng, môi trường làm việc, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo của trí thức. Trọng dụng, đãi ngộ thỏa đáng đối với nhân tài, các nhà khoa học và công nghệ Việt Nam có trình độ chuyên môn cao ở trong nước và nước ngoài, nhất là các nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học có khả năng chủ trì các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt quan trọng”.
Thanh niên, trí thức trẻ tình nguyện góp sức xây dựng nông thôn mới. Ảnh: TTXVN |
Thực hiện chủ trương của Đảng về xây dựng phát triển đội ngũ trí thức, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể đã xác định rõ vị trí, vai trò quan trọng của trí thức trong sự nghiệp cách mạng. Ban hành nhiều quy chế dân chủ trong hoạt động khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hóa và văn nghệ; bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, tạo điều kiện để trí thức tự khẳng định, phát triển, cống hiến và được xã hội tôn vinh. Xây dựng và tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và tăng cường thực thi việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả đối với các sản phẩm sáng tạo, nhằm bảo đảm lợi ích của trí thức… Cùng với đó, luôn chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thu hút, trọng dụng nhân tài, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Gắn bó đồng hành với sự phát triển của đất nước
Trí thức Việt Nam xuất thân từ nhiều giai cấp, tầng lớp xã hội, nhất là từ công nhân và nông dân; phần lớn trưởng thành trong xã hội mới, được hình thành từ nhiều nguồn đào tạo ở trong và ngoài nước, với nhiều thế hệ nối tiếp nhau, trong đó có bộ phận trí thức người Việt Nam ở nước ngoài.
Cùng với sự phát triển của đất nước, đội ngũ trí thức đã tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhiều trí thức đã có những đóng góp, cống hiến sức lực, trí lực, sẵn sàng và chấp nhận hy sinh cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân giành được những thắng lợi vĩ đại.
Trong sự nghiệp đổi mới, đội ngũ trí thức đã trực tiếp tham mưu, góp ý, phản biện vào những quyết sách lớn của Đảng và Nhà nước, góp phần làm sáng tỏ con đường phát triển của đất nước và giải đáp những vấn đề mới phát sinh trong sự nghiệp đổi mới. Sáng tạo những công trình có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật, nhiều sản phẩm chất lượng cao, có sức cạnh tranh; từng bước nâng cao trình độ khoa học và công nghệ của đất nước, vươn lên tiếp cận với trình độ của khu vực và thế giới. Nhiều trí thức trẻ thể hiện tính năng động, sáng tạo, thích ứng nhanh với kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. Trí thức Việt Nam ở nước ngoài luôn hướng về Tổ quốc; nhiều người đã về nước làm việc, hoạt động trong các lĩnh vực, có những đóng góp thiết thực vào sự nghiệp phát triển đất nước. Đặc biệt, đội ngũ trí thức trong lực lượng vũ trang luôn xứng đáng là một trong những lực lượng nòng cốt xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, trong đó có một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại; vững mạnh về chính trị, có chất lượng tổng hợp và có sức mạnh chiến đấu cao, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong mọi tình huống.
Có thể nhận thấy, đội ngũ trí thức Việt Nam đã đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước. Cụ thể là, góp phần quan trọng để nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tiếp tục phát triển; kinh tế vĩ mô ổn định, tốc độ tăng trưởng duy trì ở mức khá cao; chất lượng tăng trưởng được cải thiện, quy mô và tiềm lực nền kinh tế tăng lên; giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ tiếp tục được đổi mới và có bước phát triển; quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu đạt nhiều kết quả quan trọng; chính trị-xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững và tăng cường; quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đạt nhiều thành tựu nổi bật; sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố; dân chủ xã hội chủ nghĩa tiếp tục được phát huy; công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả rõ rệt.
Tuy nhiên, chúng ta cũng nhận thấy, một số tổ chức đảng, chính quyền đánh giá, sử dụng trí thức không đúng năng lực và trình độ, ngay cả với những trí thức đầu ngành, dẫn đến tâm lý nặng nề trong đội ngũ trí thức. Cơ chế, chính sách đãi ngộ dành cho đội ngũ trí thức còn dàn trải, chưa đúng trọng tâm, trọng điểm, mức lương và phụ cấp chưa thật sự đáp ứng yêu cầu của cuộc sống.
Cần có giải pháp đồng bộ
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, tạo ra cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia. Những vấn đề toàn cầu như bảo vệ hòa bình, an ninh con người, thiên tai, dịch bệnh, an ninh xã hội và an ninh phi truyền thống, nhất là an ninh mạng, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, ô nhiễm môi trường,… tiếp tục diễn biến phức tạp. Để đạt mục tiêu phát triển đất nước được Đại hội XIII của Đảng xác định: Đến năm 2030, nước ta là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao…, cần có sự đóng góp rất lớn của đội ngũ trí thức trong việc nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ, tiếp nhận và chuyển giao công nghệ ở nhiều lĩnh vực. Để tiếp tục xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức phục vụ sự nghiệp đổi mới, các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể từ Trung ương tới địa phương cần thực hiện tốt một số nội dung, giải pháp sau:
Một là, tiếp tục đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng về xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức. Hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng cần tập trung nâng cao nhận thức chính trị và đề cao vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức với đất nước. Tạo môi trường làm việc thực sự phát huy dân chủ và khuyến khích trí thức tự do sáng tạo trong nghiên cứu, sáng tác; công bằng trong học thuật, nghiên cứu, sáng tạo, chú trọng đến những ngành, lĩnh vực đang thiếu, mất cân đối, bất hợp lý về cơ cấu; ưu tiên phát triển đội ngũ trí thức người dân tộc thiểu số, trí thức nữ.
Hai là, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho hoạt động của trí thức. Tăng cường thực thi việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả đối với các sản phẩm sáng tạo, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc tổ chức diễn đàn khoa học chuyên nghiệp. Xác định rõ quyền hạn, điều kiện làm việc để phát huy năng lực và trách nhiệm của trí thức đầu ngành, các nhà khoa học và công nghệ có trình độ cao. Khuyến khích và bảo đảm quyền lợi, trách nhiệm của trí thức khi tham gia hoạt động tư vấn, phản biện và giám định các chủ trương, chính sách, dự án phát triển kinh tế-xã hội. Mở rộng hợp tác, giao lưu quốc tế về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hóa, văn nghệ.
Ba là, hoàn thiện thể chế trọng dụng, đãi ngộ trí thức, người hiền tài. Tiếp tục rà soát các chính sách hiện có và ban hành các cơ chế, chính sách mới bảo đảm để trí thức được hưởng đầy đủ lợi ích vật chất, tinh thần tương xứng với giá trị từ kết quả lao động sáng tạo của mình. Có chính sách ưu đãi cụ thể về lương, điều kiện làm việc, sinh hoạt… đối với trí thức làm việc ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển đảo, trí thức là người dân tộc thiểu số, người khuyết tật…
Bốn là, đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức phục vụ chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Thực hiện đa dạng hóa các loại hình đào tạo, bồi dưỡng ở trong và ngoài nước. Đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy theo hướng hiện đại, cập nhật, gắn lý thuyết với thực hành, hình thành tư duy độc lập, sáng tạo cho người học. Thực hiện tốt các biện pháp đào tạo gắn với nhu cầu của người học và nhu cầu của xã hội; gắn đào tạo đại học và sau đại học với nghiên cứu khoa học, với sản xuất kinh doanh. Có chính sách và kế hoạch cụ thể để phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng trí thức trẻ, trí thức là những người đã có cống hiến trong hoạt động thực tiễn.
Năm là, huy động nhiều nguồn lực đầu tư cho xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức. Tăng cường huy động và đa dạng hóa các nguồn lực xã hội, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ, thành lập các quỹ đầu tư đổi mới sáng tạo, các cơ sở nghiên cứu, đào tạo phù hợp nhằm tạo ra năng lực cạnh tranh quốc gia. Ưu tiên cân đối nguồn vốn đầu tư phát triển về hạ tầng, môi trường làm việc phục vụ các hoạt động nghiên cứu, sáng tạo của trí thức. Xây dựng chính sách thu hút, tập hợp trí thức Việt Nam ở trong và ngoài nước tích cực tham gia hiến kế, hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ mới… góp phần xây dựng và phát triển đất nước.
Nguồn:https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/xay-dung-doi-ngu-tri-thuc-vung-manh-nang-tam-tri-tue-dan-toc-745955
Ý kiến ()