Xây dựng đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục
Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, BCHT.Ư Ðảng khóa XI về “Ðổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế” đã khẳng định vai trò “quyết định chất lượng giáo dục” của đội ngũ nhà giáo. Ðiều này vừa thể hiện niềm tin vừa thể hiện sự mong đợi rất nhiều từ Ðảng và Nhà nước đối với đội ngũ nhà giáo các cấp trong công cuộc đổi mới giáo dục sắp tới.
Cho đến nay, ngành giáo dục Việt Nam đã xây dựng được một đội ngũ nhà giáo các cấp tương đối đồng bộ về cơ cấu, đủ về số lượng, có phẩm chất đạo đức và ý thức chính trị, trình độ năng lực chuyên môn, nghiệp vụ tốt, đáp ứng được yêu cầu phát triển nguồn nhân lực của ngành. Các nhà trường bước đầu được đổi mới theo tinh thần phát huy tính năng động, chủ động và tích cực của người học; giáo viên (GV) đã chủ động trong việc đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác giảng dạy và quản lý, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục. Tỷ lệ GV đạt chuẩn và trên chuẩn trình độ đào tạo ở các cấp bậc học khá cao (mầm non 96,5%; tiểu học 99,5%; THCS 99,2%, THPT 99,6%, cao đẳng và đại học 99,7%). Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là chất lượng nhà giáo không đồng đều giữa các vùng miền. Ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, những nơi khó khăn còn thiếu đội ngũ nhà giáo có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm tốt. Nhiều nơi, vẫn còn một tỷ lệ đáng kể GV chưa thật sự đổi mới hiệu quả phương pháp dạy học (PPDH), kiểm tra đánh giá và giáo dục học sinh (HS) và chưa biết cách tạo động lực hay phát huy tính tích cực, sáng tạo của HS trong học tập và rèn luyện nhân cách.
Nhiệm vụ “đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục” đang đặt lên vai đội ngũ nhà giáo Việt Nam những yêu cầu mới với trách nhiệm lớn hơn trong dạy học và giáo dục. Mỗi thầy giáo, cô giáo theo yêu cầu đổi mới không những là người giỏi về chuyên môn dạy học các môn học mà còn phải là người có năng lực sư phạm, năng lực giáo dục và truyền động lực học tập, tu dưỡng đạo đức nhân cách tới mỗi học sinh. Bên cạnh đó, để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, mỗi thầy giáo, cô giáo cũng cần có năng lực huy động và hợp tác rộng rãi hơn với đồng nghiệp, với cha mẹ học sinh, cộng đồng và các tổ chức xã hội cùng tham gia hiệu quả vào các hoạt động giáo dục. Không những thế, mỗi thầy cô giáo còn có trách nhiệm góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng và tham gia rộng rãi các hoạt động ngoài nhà trường.
Vì vậy, việc xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới được ngành giáo dục và đào tạo (GD và ÐT) xác định là nhiệm vụ quan trọng, là khâu then chốt trong công cuộc đổi mới giáo dục theo yêu cầu đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, có năng lực giáo dục, gương mẫu về đạo đức nhà giáo và trách nhiệm nghề nghiệp. Toàn ngành triển khai đổi mới mạnh mẽ mục tiêu, nội dung chương trình, phương pháp và đánh giá kết quả học tập, rèn luyện đạo đức nhà giáo trong các khâu đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo nhằm đáp ứng yêu cầu mới của giáo dục ở tất cả các cấp học mà trước mắt là chuẩn bị cho những đổi mới của chương trình và sách giáo khoa phổ thông sau năm 2015.
Trong những năm gần đây, Bộ GD và ÐT đã chỉ đạo, tổ chức nhiều đợt tập huấn bồi dưỡng nâng cao trách nhiệm, đạo đức nhà giáo và năng lực nghề nghiệp cho giáo viên. Ðặc biệt là các nội dung đổi mới về PPDH và đánh giá kết quả học tập, về áp dụng các hình thức tổ chức giáo dục và dạy học tiên tiến, hiện đại (như: Phương pháp dạy học tích cực, phương pháp bàn tay nặn bột, phương pháp dạy học theo dự án, phương pháp tổ chức các hoạt động giáo dục ở mô hình trường học mới VNEN…); các phương pháp giáo dục kỹ năng sống, giáo dục di sản, giáo dục văn hóa truyền thống, giáo dục ứng phó với biến đổi khí hậu và thảm họa thiên tai, ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông vào dạy và học… Chương trình bồi dưỡng và nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo theo những yêu cầu của chuẩn nghề nghiệp GV và chuẩn cán bộ quản lý các cấp từ năm 2010 giúp mỗi nhà giáo ở cương vị công tác của mình, thường xuyên tự học tập và rèn luyện để nâng cao mức đạt được theo các yêu cầu của chuẩn. Các chuẩn đó được thể hiện cụ thể về phẩm chất đạo đức; năng lực chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm; năng lực tìm hiểu môi trường và đối tượng giáo dục; năng lực phối hợp với gia đình, cộng đồng và xã hội trong công tác giáo dục, về năng lực phát triển nghề nghiệp…
Việc xây dựng chế độ chính sách đặc thù nhằm hỗ trợ đời sống, điều kiện làm việc và tác nghiệp cho đội ngũ nhà giáo ở tất cả các loại hình cơ sở giáo dục và cơ quan quản lý giáo dục được chú trọng. Các chính sách về lương và điều kiện làm việc, chế độ về tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo, các chế độ hỗ trợ nhà giáo phát triển năng lực, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nghiên cứu khoa học… được triển khai rộng rãi. Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật cũng tạo nên những điểm mới trong công tác phát triển và quản lý đội ngũ nhà giáo hiện nay. Ðó là: Quản lý theo yêu cầu chuẩn hóa về năng lực nghề nghiệp và yêu cầu của từng vị trí việc làm trong ngành giáo dục. Ðáng chú ý, để thực hiện đổi mới, ngành GD và ÐT triển khai quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm trên cơ sở đánh giá lại năng lực đào tạo, bồi dưỡng của từng trường và nhu cầu nguồn nhân lực (giáo viên, nhân viên, cán bộ quản lý) ở từng địa phương nhằm sắp xếp lại các trường sư phạm thành một hệ thống thống nhất trên phạm vi toàn quốc; củng cố, phát triển theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; đủ năng lực đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên các bậc học đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa giai đoạn từ năm nay đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Dạy học là nghề cao quý và có những yêu cầu riêng, đòi hỏi mỗi người khi tham gia đều phải có những xác định cụ thể về sự mẫu mực “mô phạm”, sự cống hiến và cần có sự nỗ lực, tận tụy, thậm chí hy sinh không mệt mỏi vì lợi ích công việc, cũng như vì thành tựu của đối tượng phục vụ thay vì những lợi ích vị kỷ về vật chất. Ðể có thể đáp ứng yêu cầu “hành nghề sư phạm”, trước hết cần phải có đạo đức nghề nghiệp tức là có tình yêu với nghề giáo, tâm huyết và sẵn sàng cống hiến cho sự nghiệp giáo dục; có tình yêu với học trò và sự xả thân “tất cả vì học sinh thân yêu”. Sau nữa là luôn tự hoàn thiện và nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm và các năng lực theo những yêu cầu của chuẩn nghề nghiệp để có thể đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục trong giai đoạn mới.
Ý kiến ()