Xây dựng đội ngũ nhà giáo đáp ứng sự nghiệp đổi mới
Cán bộ, giáo viên tham gia học tập chính trị năm 2016 |
Đủ giáo viên, hợp lý về cơ cấu
Từ năm 2010 đến nay, số trường học trong toàn tỉnh đã tăng 109 trường và 11.849 học sinh sinh viên; trong đó riêng cấp học mầm non (MN) đã tăng 92 trường với 19.624 cháu. Ngoài ra, đòi hỏi nhu cầu đội ngũ giáo viên đặc thù (quốc phòng- an ninh, thể dục thể thao, âm nhạc, ngoại ngữ…) và giáo viên cho các trường chuyên biệt khá lớn. Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, nhất là giáo viên MN, ngành đã thực hiện các giải pháp như: tuyển dụng, hợp đồng, tuyển dụng bố trí giáo viên đặc thù cho các nhà trường nhằm nâng cao chất lượng các môn học. Vì vậy, bước vào năm học mới 2016-2017, toàn ngành có 17.045 cán bộ giáo viên (CBGV), tăng 1.199 CBGV. Riêng giáo viên cấp học MN đã tăng thêm 1.695 người.
Do tăng giáo viên nên các nhà trường, các cơ sở giáo dục, nhất là các trường MN ở khu vực thành phố, thị trấn, các phân trường MN ở khu vực nông thôn, vùng cao, vùng khó khăn đã căn bản có đủ giáo viên làm việc theo Thông tư Liên tịch ngày 11/3/2015 giữa bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ quy định danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục MN công lập và phù hợp với thực tế giáo dục Lạng Sơn. Tăng giáo viên cơ hữu các bộ môn đặc thù cũng đã khắc phục được tình trạng quá tải về số giờ dạy học, hoặc giáo viên phải kiêm nhiệm môn khác dẫn đến tình trạng không đảm bảo chất lượng các môn học đặc thù.
Nâng cao chất lượng đội ngũ
Chuẩn nghề nghiệp là một hệ thống các yêu cầu cơ bản đối với CBGV về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và năng lực chuyên môn nghiệp vụ. Từ năm 2007 đến nay, các quy định của Bộ GD&ĐT về đánh giá xếp loại CBGV theo chuẩn nghề nghiệp đã và đang có tác động tích cực đến chất lượng đội ngũ. Công tác kiểm tra, đánh giá, xếp loại cán bộ quản lý và giáo viên các cấp theo chuẩn nghề nghiệp đã được thực hiện thường xuyên tại các nhà trường. Đây được coi là công việc quan trọng hàng đầu, là dịp để mỗi nhà trường và toàn ngành rà soát, sàng lọc đội ngũ, có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và bồi dưỡng lại đội ngũ. Đối với mỗi cán bộ giáo viên, việc tham gia các lớp học tập bồi dưỡng chính trị hằng năm, bồi dưỡng trong hè và tham gia các lớp bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục luôn là một trong những việc phải làm. Ngoài ra, mỗi cán bộ giáo viên còn ý thức được tầm quan trọng của công tác tự bồi dưỡng thường xuyên trong quá trình công tác để phấn đấu vươn lên tự hoàn thiện mình, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Để chuẩn bị cho khải giảng năm học mới 2016-2017, ngành GD&ĐT đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức bồi dưỡng chính trị cho 16.588 CBGV. Kết quả, loại giỏi chiếm 6,22%, loại khá chiếm 63% và còn 45 người xếp loại yếu (tỷ lệ 0,27%). Ngành đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quyết định cử 22 giáo viên đi học thạc sĩ, 1 giáo viên nghiên cứu sinh trong nước, 1 giáo viên đi đào tạo thạc sĩ và 1 giáo viên đi đào tạo tiến sĩ ở Trung Quốc. Các phòng GD&ĐT đã cử trên 1.200 lượt hiệu trưởng, phó hiệu trưởng và cán bộ dự nguồn dự các lớp bồi dưỡng cán bộ quản lý tại Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn.
Năm 2016, toàn ngành có 100% đơn vị xếp loại CBGV theo chuẩn nghề nghiệp; kết quả, loại xuất sắc chiếm 33,50%, loại khá chiếm 61,01% và còn 5,49% loại trung bình. Đồng chí Trần Quốc Tuấn, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Tỷ lệ này phản ánh đúng thực trạng đội ngũ CBGV Lạng Sơn trong giai đoạn hiện nay và đó cũng là căn cứ để ngành rà soát, điều chỉnh và có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ, nhất là những giáo viên đạt trung bình và chưa chuẩn. Để đến năm 2020, số CBGV đạt loại xuất sắc chiếm từ 50-70% và không còn loại trung bình.
Ý kiến ()