Xây dựng đội ngũ công chức văn hóa cấp xã: Chuẩn chất lượng, tinh thông nghiệp vụ
– Đội ngũ công chức văn hóa – xã hội (VHXH) cấp xã là lực lượng nòng cốt tham mưu, triển khai cho chính quyền cơ sở các nội dung, lĩnh vực về VHXH. Nhận thức rõ điều này, thời gian qua, các cơ quan, đơn vị có liên quan đã triển khai nhiều giải pháp tích cực để đội ngũ này ngày càng đạt chuẩn về chất lượng, tinh thông nghiệp vụ.
Hiện nay, toàn tỉnh có 395 công chức VHXH cấp xã đang làm việc tại 200 UBND xã, phường, thị trấn. Như vậy trung bình, mỗi xã, phường, thị trấn đảm bảo có 1 hoặc 2 công chức VHXH cấp xã. Trong đó, số lượng công chức có trình độ đại học trở lên là 280 người, chiếm 70,9%, tăng 13,1% so với năm 2017; số còn lại là trình độ trung cấp, cao đẳng. Theo báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ của Sở Nội vụ hằng năm, đội ngũ công chức cấp xã nói chung, công chức VHXH nói riêng cơ bản đáp ứng được số lượng và dần đạt chuẩn về chất lượng.
Công chức VHXH UBND phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn trao đổi chuyên môn
Có được kết quả này, thời gian qua, các cấp, ngành liên quan đã thực hiện tốt các giải pháp từ tuyển dụng, bố trí, sắp xếp, đào tạo đến bồi dưỡng công chức VHXH. Trong các giải pháp này, việc quan tâm cử đi đào tạo, bồi dưỡng được các cấp, ngành chú trọng triển khai. Cụ thể, hằng năm, UBND cấp xã, huyện rà soát cử đi đào tạo những công chức VHXH chưa đạt chuẩn hoặc tuyên truyền, khuyến khích công chức tự học các khóa nâng cao trình độ chuyên môn (lên cao đẳng, đại học, sau đại học) theo hình thức vừa học vừa làm, học từ xa. Cùng đó, UBND cấp huyện phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL), Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và cơ quan liên quan tổ chức các lớp, các khóa bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, quản lý văn hóa, nghiệp vụ VHXH, công nghệ thông tin cho đội ngũ công chức cấp xã nói chung, VHXH nói riêng. Từ năm 2017 đến nay, các cấp, ngành trong tỉnh đã phối hợp tổ chức cho gần 11.500 lượt cán bộ, công chức cấp xã, trong đó bao gồm công chức VHXH tham gia các lớp, các khóa bồi dưỡng.
Ông Vi Anh Thắng, Chánh Văn phòng Sở VHTT&DL cho biết: Hằng năm, dựa trên tình hình thực tế, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch tham mưu cho lãnh đạo sở triển khai các lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho công chức VHXH tại các xã, phường, thị trấn về các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình; tạo điều kiện cho họ tham gia học tập nâng cao trình độ, kỹ năng, nghiệp vụ nhằm giúp đội ngũ này đạt chuẩn về chất lượng, tinh thông về nghiệp vụ, vững vàng phát huy năng lực, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ công tác.
Theo đó, tính từ năm 2018 đến nay, Sở VHTT&DL đã tổ chức được 12 lớp tập huấn về phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, văn hóa gia đình, xây dựng hương ước quy ước… cho đội ngũ công chức VHXH cấp xã. Đồng thời, Sở VHTT&DL đề nghị UBND các huyện, thành phố thường xuyên quan tâm thực hiện chế độ, chính sách và kịp thời biểu dương, động viên, khen thưởng những cá nhân xuất sắc, những điển hình tiên tiến nhằm động viên, khuyến khích các công chức VHXH cấp xã phát huy năng lực để đẩy mạnh các hoạt động văn hóa tại các địa phương.
Ông Hướng Ngọc Hoàn, Phó Trưởng Phòng Nội vụ huyện Tràng Định cho biết: Thời gian qua, đội ngũ công chức VHXH cấp xã ở huyện được bố trí, kiện toàn đảm bảo về số lượng và đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ. Hiện nay, toàn huyện có 38 công chức VHXH, trong đó, có 25 người trình độ đại học trở lên, chiếm 65,78%; 13 người có trình độ cao đẳng, trung cấp, chiếm 34,2%; 100% công chức VHXH đạt chuẩn về ứng dụng công nghệ thông tin.
Về phần mình, mỗi công chức VHXH cũng đã có ý thức tự nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tích cực tham mưu cấp ủy, chính quyền cơ sở triển khai chỉ đạo hiệu quả các nhiệm vụ, chỉ tiêu liên quan đến lĩnh vực VHXH. Chị Đặng Thu Hiền, công chức VHXH UBND phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn cho biết. Nhờ nỗ lực trong học tập, nâng cao trình độ, hiện tại, tôi và 2 công chức VHXH của phường đều có trình độ chuyên môn đại học, nắm vững kiến thức, nghiệp vụ VHXH để xử lý công việc cấp trên giao như: công tác xây dựng đời sống văn hóa, công tác bảo tồn, phát huy các di tích, công tác chăm sóc sức khỏe trẻ em…
Có thể nói, bằng sự quan tâm với nhiều giải pháp hiệu quả của các cơ quan, đơn vị có liên quan trên địa bàn tỉnh, đội ngũ công chức VHXH cấp xã toàn tỉnh cơ bản đáp ứng yêu cầu, trở thành hạt nhân, nòng cốt trong việc vận động, hướng dẫn Nhân dân đẩy mạnh các phong trào, hoạt động VHXH tại cơ sở.
Ý kiến ()