Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp ở Bắc Giang
Quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, Tỉnh ủy Bắc Giang đã tập trung chỉ đạo khắc phục, sửa chữa những nhóm nội dung hạn chế, yếu kém, với những giải pháp chương trình cụ thể. Đồng thời với chấn chỉnh kỷ cương, tác phong sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc, phát huy tinh thần nêu gương của người đứng đầu, tỉnh Bắc Giang đã và đang tập trung thực hiện giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ mới.
Từ công cụ đánh giá cán bộ
Quá trình triển khai, thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) ở Đảng bộ Bắc Giang đã tập trung làm sâu, làm kỹ với những đảng bộ còn nhiều hạn chế, yếu kém kéo dài. Nhận diện, chỉ rõ một bộ phận cán bộ, đảng viên yếu cả về năng lực, trách nhiệm, thậm chí vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước… Gắn liền với đó là bài học từ những tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị kỷ cương, nguyên tắc Đảng bị vi phạm, công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Nhìn rộng ra, Đảng bộ tỉnh, cũng cho thấy về cơ cấu và trình độ cán bộ còn nhiều bất cập, hạn chế. Đồng chí Đỗ Thị Lệ, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh cho biết: Với đội ngũ cán bộ Hội LHPN chủ chốt cơ sở, tỷ lệ đạt chuẩn chức danh về trình độ chuyên môn và lý luận chính trị còn thấp; độ tuổi trung bình của đội ngũ chủ tịch Hội còn cao, chưa bảo đảm tính kế thừa. Còn tới 37% số chủ tịch và 90% số phó chủ tịch Hội Phụ nữ cơ sở chưa được bồi dưỡng nghiệp vụ…
Với Bắc Giang, vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị vừa là đòi hỏi, vừa là giải pháp triển khai thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI). Tỉnh đi từ khâu đánh giá chất lượng tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đặc biệt là người đứng đầu. Trước hết, đối với cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, Tỉnh ủy đề ra tám tiêu chí, coi đó là công cụ để đánh giá bảo đảm tính công khai, dân chủ, đúng thực chất. Thực hiện nội dung này, ngay trong năm 2012, từ kết quả xếp loại của Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Có 111/332 đồng chí hoàn thành xuất sắc chức trách, nhiệm vụ, bằng 33,4% (giảm hơn 43% so với năm 2011; 215/332 đồng chí hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ, đạt gần 65%, so với trước là hơn 80%). Đồng thời, Tỉnh ủy triển khai thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với thành viên lãnh đạo cấp ủy và cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị, xã hội. Kết quả trên làm căn cứ để cấp ủy các cấp rà soát, điều động, bố trí, sắp xếp lại vị trí công tác đối với một số cán bộ, nhất là đối với những cán bộ có biểu hiện tiêu cực, yếu kém về năng lực, không hoàn thành nhiệm vụ. Tỉnh ủy đã điều động, bố trí, phân công lại nhiệm vụ đối với một Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, một Phó Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp và một Phó Chánh Thanh tra tỉnh. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tiến hành bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị của tỉnh, trong đó có 48 cán bộ thuộc diện quản lý. Theo đó, cấp ủy các địa phương, cơ quan cũng đề xuất và tiến hành bố trí sắp xếp lại đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt, bảo đảm khách quan, dân chủ, công khai đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Đến công tác điều động, luân chuyển cán bộ
Thời gian qua, cấp ủy các cấp ở Đảng bộ tỉnh Bắc Giang đã coi trọng nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác bổ nhiệm và luân chuyển cán bộ công chức. Nội dung hướng mạnh vào mục tiêu rèn luyện, đào tạo, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý. Để làm tốt vấn đề này, Tỉnh ủy nghiên cứu, ban hành kế hoạch về luân chuyển cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đến năm 2015. Tỉnh đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 luân chuyển từ 10 đến 15 cán bộ hiện đang công tác tại các cơ quan, sở, ban, ngành tỉnh về giữ các chức danh bí thư, phó bí thư cấp ủy, chủ tịch, phó chủ tịch UBND cấp huyện. Tỉnh chủ trương bố trí mỗi huyện, thành phố ít nhất một trong các chức danh bí thư, phó bí thư thường trực, chủ tịch UBND là cán bộ luân chuyển, không phải người địa phương. Riêng năm 2013, tỉnh Bắc Giang đã luân chuyển, điều động năm đồng chí xuống giữ các chức danh chủ chốt cấp huyện. Gắn liền với đó, đồng chí Bùi Ngọc Sơn, Giám đốc Sở Nội vụ Bắc Giang cho biết: Tỉnh ủy chỉ đạo cơ quan chức năng tổng kết, phân bổ biên chế cho các cơ quan, đơn vị thuộc khối Đảng, đoàn thể tỉnh, bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ các ngành, địa phương. Thực tế Bắc Giang cho thấy việc điều động, luân chuyển cán bộ không chỉ giúp anh em nâng cao kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn, mà còn rèn luyện bản lĩnh chính trị, tác phong công tác ở cương vị mới. Bí thư Huyện ủy Yên Thế Lê Thị Thu Hồng nêu kinh nghiệm: Với tiêu chí mới trong đánh giá, gắn liền với công tác điều động luân chuyển cán bộ là cú huých giúp các đồng chí cấp ủy coi trọng việc đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác. Tuy nhiên, thực tế cho thấy còn những cơ quan, đơn vị do chưa nắm chắc nội dung văn bản của Trung ương, của tỉnh về công tác luân chuyển cán bộ nên còn nhầm lẫn giữa việc luân chuyển với điều động, bố trí cán bộ, công chức, viên chức. Chế độ, chính sách đãi ngộ, điều kiện làm việc của cán bộ được luân chuyển còn bất cập, chưa hợp lý, chưa tạo động lực cho cán bộ yên tâm công tác.
Xây dựng đội ngũ kế cận ngang tầm nhiệm vụ
Thời gian qua công tác quy hoạch cán bộ các cấp ở Bắc Giang được thực hiện khá nghiêm túc, đúng quy trình. Có thể thấy, qua công tác quy hoạch các chức danh chủ chốt Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015 – 2020 và các chức danh chủ chốt HĐND, UBND tỉnh nhiệm kỳ 2016 – 2021, số lượng, chất lượng cán bộ quy hoạch bảo đảm theo đúng yêu cầu của Trung ương. Ở cấp tỉnh, số lượng quy hoạch ban chấp hành 85 đồng chí, bằng 1,55 lần so với Ban Chấp hành đương nhiệm; ban thường vụ 21 đồng chí, bằng 1,5 lần; mỗi chức danh chủ chốt gồm từ ba đến bốn đồng chí; cơ cấu cán bộ đưa vào quy hoạch đều bảo đảm và vượt so với yêu cầu (cán bộ trẻ quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đạt 27,1%; Ban Thường vụ Tỉnh ủy đạt 14%; cán bộ nữ tương ứng là 17,6% và 19,6%; có bốn lượt cán bộ trẻ và 11 cán bộ nữ quy hoạch các chức danh chủ chốt cấp tỉnh); phần lớn cán bộ trong quy hoạch đều có trình độ chuyên môn đại học và hầu hết có trình độ lý luận chính trị cử nhân, cao cấp. Ở cấp huyện, số lượng quy hoạch ban chấp hành 802 đồng chí, bằng 1,49 lần; ban thường vụ 252 đồng chí, bằng 1,56 lần. Quy hoạch đã có 32 cán bộ trẻ đạt hơn 9% và 50 cán bộ nữ, đạt gần 15% quy hoạch các chức danh chủ chốt HĐND, UBND cấp huyện.
Gắn liền với nâng cao chất lượng quy hoạch, Tỉnh ủy ban hành chương trình kế hoạch cụ thể về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ các cấp đến năm 2015. Theo đó, tỉnh tập trung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức toàn diện cả về lý luận chính trị, trình độ chuyên môn và năng lực thực tiễn. Cấp ủy các cấp đã lựa chọn một số cán bộ trẻ, được đào tạo cơ bản, có năng lực và triển vọng phát triển cử đi bồi dưỡng, học tập kinh nghiệm ở trong và ngoài nước.
Đồng chí Ngô Văn Nam, Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho biết, Tỉnh ủy ban hành quy định các đồng chí trong quy hoạch ban thường vụ cấp ủy được dự kỳ họp Ban Thường vụ. Các cơ quan sở, ban, ngành tỉnh, căn cứ quy hoạch cán bộ chủ chốt của đơn vị mình, phối hợp với cấp ủy cấp huyện cử cán bộ dự các cuộc họp của Ban Thường vụ cấp ủy. Khảo sát mới đây cho thấy đây là giải pháp tốt, giúp đội ngũ cán bộ kế cận sớm được học tập, tích lũy kinh nghiệm về kỹ năng lãnh đạo, quản lý điều hành ở vị trí quy hoạch.
Tuy nhiên, cùng với những đổi mới và những kết quả đáng ghi nhận ở Đảng bộ Bắc Giang cũng còn những hạn chế yếu kém trong lĩnh vực công tác này. Đáng nói là còn một bộ phận cán bộ, có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý về “đức” và “tài” chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Nhìn chung, chất lượng đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chưa cao. Việc luân chuyển cán bộ, đặc biệt là ở cấp cơ sở chưa kiên quyết, còn tiêu cực… Việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về tỉnh, về địa phương chưa hiệu quả… Thực tế đòi hỏi cấp ủy các cấp cần chủ động, kiên quyết thực hiện chủ trương nêu trên. Cấp ủy và người đứng đầu mỗi cấp cần tiếp tục nghiên cứu, triển khai những nội dung, giải pháp mới, mang tính đột phá nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()