Xây dựng đô thị thông minh – Những thách thức lớn của địa phương
Quá trình xây dựng và phát triển các đô thị thông minh diễn ra mạnh mẽ tại các địa phương nhưng vẫn còn tồn tại không ít khó khăn, rào cản trong triển khai thực tế.
Nhằm đẩy mạnh sâu rộng, nhanh chóng hơn nữa quá trình số hóa quốc gia, thời gian qua Chính phủ và các bộ, ngành triển khai hàng loạt những chủ trương, chính sách giúp cho việc số hóa trở nên gần gũi hơn, đem lại những lợi ích thiết thực, gần nhất cho người dân.
Trong các mục tiêu số hóa, việc triển khai phát triển các đô thị thông minh được xem là quan trọng hàng đầu. Ngay từ năm 2018, Thủ tướng ban hành Quyết định số 950/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh (ĐTTM) bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 – 2025 và định hướng đến năm 2030 (Đề án 950).
Sau một thời gian triển khai, tính đến thời điểm hiện tại, quá trình phát triển các ĐTTM trong cả nước đã, đang đạt được những bước tiến rõ rệt. Theo số liệu từ Bộ Xây dựng tính tới đầu 2023, cả nước có tới 48/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã hoặc đang triển khai xây dựng đề án phát triển ĐTTM, gồm đề án, kế hoạch được ban hành cho toàn tỉnh hoặc đề án, kế hoạch được ban hành cho một đô thị thuộc tỉnh.
Hiện 14/18 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt đề án phát triển ĐTTM trước thời điểm ban hành Đề án 950. Trong đó, đề án quy mô toàn tỉnh (10 địa phương): Lào Cai, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Bình Dương, TP.HCM, Long An. Ở quy mô đô thị (4 đô thị) gồm Phú Thọ, Lâm Đồng, Tiền Giang, Kiên Giang.
20/48 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt đề án sau thời điểm ban hành Đề án 950. Đề án quy mô toàn tỉnh (15 địa phương): Bắc Giang, Yên Bái, Sơn La, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Ninh Bình, Nghệ An, Bình Thuận, Bình Phước, Cần Thơ, Bà Rịa – Vũng Tàu, An Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu; quy mô đô thị (5 địa phương): Hà Giang, Hòa Bình, Quảng Bình, Gia Lai, Đắk Lắk.
16/48 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang triển khai lập đề án. Đang triển khai quy mô toàn tỉnh có 9 địa phương bao gồm: Lạng Sơn, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Bình Định, Ninh Thuận, Đồng Nai, Cà Mau. Triển khai quy mô đô thị gồm có 5 đô thị là Hà Tĩnh, Quảng Nam, Khánh Hòa, Đồng Tháp. Triển khai cả 2 quy mô đô thị và toàn tỉnh có Cao Bằng.
Về triển khai phát triển tiện ích ĐTTM, dịch vụ thông minh, có khoảng 57 địa phương (tăng 17 địa phương so với năm 2020) và tập trung chủ yếu vào lĩnh vực giao thông (giám sát trật tự, an toàn giao thông), y tế thông minh, giáo dục thông minh, phát triển các ứng dụng cảnh báo.
19 tỉnh triển khai thí điểm dịch vụ ĐTTM gồm: Cao Bằng, Hà Giang, Nam Định, Thái Nguyên, Thái Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Sóc Trăng, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Định, Vĩnh Long, Đồng Nai, Bình Phước, Bến Tre).
Những rào cản và thách thức trong xây dựng ĐTTM
Những con số kể trên cho thấy sự quyết tâm không chỉ của Chính phủ mà của tất cả các địa phương trong việc hiện thực hóa những mục tiêu số hóa quốc gia, nâng tầm nền kinh tế xã hội của Đất nước.
Mặc dù vậy, việc phát triển các ĐTTM tại Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn do nhận thức về ĐTTM từ góc độ nhà quản lý ở cấp độ địa phương, nhu cầu cung cấp sản phẩm của doanh nghiệp và cả nhu cầu thụ hưởng của người dân. Bên cạnh đó là tiêu chuẩn, quy chuẩn quy hoạch ĐTTM và hạ tầng kỹ thuật, công trình kiến trúc thông minh chưa được ban hành đầy đủ và đồng bộ. Việc tham gia của các thành phần kinh tế trong quá trình này cũng còn hạn chế.
Hầu hết các địa phương khi triển khai đề án về ĐTTM vẫn còn thiếu tính đặc thù của từng địa phương. Đặc biệt, việc phát triển ĐTTM phải bảo đảm nguyên tắc phù hợp với chủ trương chính sách pháp luật của Nhà nước, với các định hướng, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế – xã hội, phát triển đô thị của quốc gia và địa phương.
Theo các chuyên gia, hiện nay, ở hầu hết các địa phương khi triển khai ĐTTM mới chỉ tập trung chủ yếu vào việc phát triển và cung cấp các dịch vụ, tiện ích đô thị thông minh, chủ yếu gắn với các dịch vụ của chính quyền điện tử, chính quyền số, chưa chú trọng đến công tác quy hoạch và quản lý đô thị thông minh để giải quyết các vấn đề căn cơ các bài toán của đô thị như: Giao thông, năng lượng, môi trường…
Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch VINASA cho biết, Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển thành phố thông minh, nhưng cũng không ít thách thức. Khó khăn lớn nhất là hành lang pháp lý thiếu rõ ràng, chưa thuận lợi cho hợp tác công tư đặc biệt các thủ tục liên quan đến: đầu tư, đấu thầu, và thuê dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT). Thêm vào đó, các đô thị chưa chú trọng quy hoạch thông minh, thông minh hóa các hạ tầng cơ bản, thiết yếu.
Gần đây nhất, trong bài phát biểu tại hội thảo chuyên đề “Chuyển đổi số trong phát triển đô thị” tổ chức ngày 8/11, ông Park Jae Huyn – chuyên gia Viện Kỹ thuật công nghệ xây dựng Hàn Quốc, đồng Giám đốc Dự án Thành lập Trung tâm hợp tác Việt Nam – Hàn Quốc về đô thị thông minh và công nghệ xây dựng (Dự án VKC) nhận định, ở Việt Nam, phát triển ĐTTM chính là một trong những động lực quan trọng để thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, có thu nhập cao vào năm 2045.
Để đẩy mạnh phát triển ĐTTM, Việt Nam cần tập trung vào vấn đề quy hoạch đô thị và công nghệ số, cũng như cần có kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ.
Theo ông Park Jae Huyn, để phát triển và hình thành những ĐTTM hết phải thực hiện chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện trong các lĩnh vực, trong đó cần chú trọng hàng đầu đến chuyển đổi số trong quản lý đô thị.
Những điển hình thành công trong triển khai ĐTTM tại Việt Nam
Là thành phố liên tiếp 4 năm đạt giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam 2023 do Hiệp hội Vinasa tổ chức, Đà Nẵng được xem như một điển hình thành công trong việc phát triển ĐTTM tại Việt Nam.
Trước đó, hồi tháng 9/2023, Đà Nẵng cũng vinh dự đạt giải thưởng quốc tế Thành phố thông minh Seoul. Đây là giải thưởng lần đầu tiên được Tổ chức các thành phố thông minh bền vững thế giới (WeGO) và chính quyền TP.Seoul (Hàn Quốc) đồng tổ chức.
Theo Sở TT&TT Đà Nẵng, từ năm 2010, Thành phố đã ban hành Kiến trúc Chính quyền điện tử. Đến năm 2014, Đà Nẵng chính thức đưa vào sử dụng Hệ thống thông tin chính quyền điện tử. Năm 2018, Lãnh đạo Thành phố tiếp tục ban hành Kiến trúc tổng thể TP thông minh với sáu trụ cột và 16 lĩnh vực ưu tiên. Định hướng đến năm 2030, Đà Nẵng sẽ kết nối đồng bộ với các mạng lưới ĐTTM trong nước và khu vực ASEAN.
Trao đổi tại hội nghị thành phố thông minh Việt Nam 2022, Tiến sĩ Lê Quang Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng chia sẻ về bài học kinh nghiệm của địa phương trong việc triển khai thực hiện thành phố thông minh.
Trước hết, đó là quyết tâm chính trị, cam kết của lãnh đạo thành phố thông qua các chủ trương nghị quyết, chính sách vĩ mô; các kế hoạch cụ thể của từng cơ quan, địa phương. Cùng với đó, thành phố đã xác định mục tiêu hướng đến 1 hệ thống thông minh toàn diện với 1 chiến lược tổng thể về công nghệ bền vững, mà mỗi trụ cột phát triển sẽ hỗ trợ, thúc đẩy, tạo ra các sáng kiến và động lực phát triển mới một cách tuần hoàn.
Đà Nẵng cũng xác định rõ thế mạnh, hạn chế của địa phương, từ đó xác định những vấn đề cần ưu tiên thực hiện phù hợp với nguồn lực nhằm đảm bảo khả năng và tiến độ đạt được mục tiêu đề ra. Thành phố đã ban hành Kiến trúc kỹ thuật Thành phố thông minh và triển khai đảm bảo tuân thủ theo Kiến trúc để có lộ trình đồng bộ, kế thừa, tương thích và hiệu quả.
Đại diện UBND TP.Đà Nẵng cũng cho rằng, cần lựa chọn triển khai thí điểm trong phạm vi hẹp, đánh giá kết quả làm cơ sở triển khai nhân rộng, không làm dàn trải, quy mô lớn.
Cho đến nay, Đà Nẵng xác định chuyển đổi số là “chìa khóa” để giải quyết “điểm nghẽn”, mở ra không gian phát triển mới, toàn diện và bền vững; là công cụ, phương tiện xây dựng thành công thành phố thông minh, ĐTTM.
Một điển hình trong triển khai ĐTTM đã, đang đạt được những thành tựu ấn tượng là TP.HCM. Ngay từ năm 2017, UBND TP.HCM đã đưa ra Quyết định số 6179/QĐ-UBND về phê duyệt đề án xây dựng TP.HCM trở thành ĐTTM giai đoạn 2017- 2020, tầm nhìn đến năm 2025.
Trung tâm Điều hành ĐTTM TP.HCM đặt tại UBND thành phố bắt đầu hoạt động từ tháng 4/2019, với các nhiệm vụ cơ bản là giám sát, điều hành các lĩnh vực ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của thành phố như: giao thông, an ninh công cộng, ứng cứu khẩn cấp, cứu nạn, cứu hộ, cung cấp điện, chiếu sáng đô thị, cấp thoát nước, thời tiết, môi trường…
Nội dung triển khai ĐTTM ở TP HCM tập trung vào 4 cột trụ cơ bản: Xây dựng kho dữ liệu dùng chung và hệ sinh thái dữ liệu mở; thiết lập trung tâm điều hành ĐTTM; triển khai trung tâm mô phỏng dự báo kinh tế – xã hội và hình thành trung tâm an toàn thông tin thành phố.
TP.HCM có mật độ dân số lớn, với nhiều thách thức. Với công nghệ và phương pháp truyền thống, việc giải quyết các thách thức gặp nhiều hạn chế. Đề án ĐTTM đã và đang giúp các ngành, địa phương triển khai ứng dụng mạnh mẽ các giải pháp công nghệ để từng bước tháo gỡ những vướng mắc trong các lĩnh vực, nhất là trong giai đoạn vừa đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19 vừa phục hồi và phát triển kinh tế.
Trong chương trình chuyển đổi số, xây dựng ĐTTM, Thành phố triển khai nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của thành phố kết nối chính thức nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia về Kho dữ liệu dùng chung.
Hơn 900 đơn vị trên địa bàn thành phố đã liên thông văn bản điện tử thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu. Các lĩnh vực giao thông, y tế, giáo dục đào tạo, môi trường, quy hoạch đô thị, an ninh trật tự cũng triển khai nhiều ứng dụng phục vụ chuyên môn và cung cấp dịch vụ cho người dân.
Trong số đó, ngành giao thông vận tải đang ứng dụng nhiều công nghệ trong giải quyết các vấn đề quản lý, nhất là sử dụng camera để giám sát vi phạm giao thông; điều khiển hệ thống đèn tín hiệu giao thông; giảm ùn tắc giao thông… Một trong những ứng dụng đang được đánh giá cao là bảng điện tử thông báo xe vi phạm tốc độ trên các tuyến đường trọng yếu như khu vực hầm sông Sài Gòn, Quốc lộ 1, Quốc lộ 22, cầu Phú Mỹ, đường Nguyễn Văn Linh.
Nguồn:https://vtc.vn/xay-dung-do-thi-thong-minh-nhung-thach-thuc-lon-cua-dia-phuong-ar836796.html
Ý kiến ()