Thứ 4, 05/02/2025 18:58 [(GMT +7)]
Xây dựng Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn: Cần đẩy nhanh tiến độ điều tra nhu cầu học nghề
Thứ 6, 02/07/2010 | 17:02:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Để có được một đề án phản ánh chính xác thực trạng lao động qua đào tạo và tìm hiểu nhu cầu của lao động nông thôn về việc học nghề, từ đó xác định các nghề sẽ đào tạo theo phương châm “đào tạo theo nhu cầu”, ngành Lao động-TBXH và chính quyền cấp xã, phường, thị trấn phải “lao tâm khổ tứ” và qua từng bước thực hiện. Trong đó, việc điều tra, khảo sát và đăng ký nhu cầu học nghề của người lao động ( NLĐ) là công việc quan trọng hàng đầu và cũng là khó khăn và phức tạp nhất.
Khó khăn vì muốn có được số liệu chính xác, đội ngũ điều tra viên phải đi từng nhà, nắm từng đối tượng, vừa phỏng vấn, tìm hiểu lại vừa tư vấn, tuyên truyền giới thiệu các ngành nghề phù hợp; lại nêu những quyền lợi của người học theo từng đối tượng đúng với chế độ chính sách, để NLĐ có nhiều cơ hội lựa chọn và đăng ký tham gia học tập. Khác với cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở, cuộc điều tra này tuy đơn giản trong các mục điền trong phiếu, nhưng lại đòi hỏi điều tra viên phải biết rộng, hiểu sâu về nhiều lĩnh vực. Phức tạp vì nhân dân các địa phương, nhất là vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn có rất ít kiến thức và khái niệm về học nghề. Mặt khác, nhiều người dân cho rằng: học nghề để làm gì, khi chỉ quẩn quanh với thửa ruộng, dải nương “con trâu đi trước, cái cày theo sau”. Các xã vùng cao đất rộng người thưa, điều tra viên gặp được chủ hộ đã khó, gặp được lao động- đối tượng đăng ký lại khó hơn, nhất là thanh niên; gặp được rồi lại phải tư vấn, giới thiệu đăng ký… mất rất nhiều thời gian.
Trong thời gian qua, Sở Lao động- TBXH đã tập trung cán bộ các phòng Lao động- TBXH huyện, cán bộ văn hóa xã hội ( VHXH) các xã của huyện Chi Lăng ( đơn vị làm điểm) và cán bộ VHXH một số xã của các huyện lên tập huấn về công tác điều tra. Sau đó, ngành tiến hành in phiếu điều tra chuyển về các huyện. Cầm phiếu điều tra trong tay, cán bộ VHXH các xã lại “ triệu tập” đội ngũ trưởng thôn lên tập huấn theo tính chất “cầm tay chỉ việc”. Không biết trong quá trình thực hiện ra sao, song theo đồng chí Trưởng phòng Lao động- TBXH huyện Chi Lăng, đến nay, toàn huyện mới có 4/21 xã hoàn thành công việc. Lý giải việc chậm tiến độ, nhiều địa phương cho rằng vì không có kinh phí cho điều tra. Kinh phí tất nhiên là một phần nguyên nhân, song không phải là tất cả, vấn đề là sự vào cuộc mạnh mẽ của cấp ủy, chính quyền trong việc chỉ đạo điều tra. Có được sự chỉ đạo, tất tiến độ sẽ được đẩy nhanh và độ tin cậy của phiếu điều tra sẽ cao hơn.
Tại hội nghị triển khai Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, đồng chí Hứa Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ điều tra, làm sao để cuối tháng 7/2010, các huyện có đầy đủ dữ liệu để làm kế hoạch, trên cơ sở đó, tỉnh mới có thể xây dựng được Đề án. Những vướng mắc tại cơ sở, nhất là kinh phí cho điều tra sẽ nhanh được tháo gỡ với việc Sở Lao động- TBXH phối hợp với Sở Tài chính tính toán đề ra định mức thù lao cho mỗi phiếu điều tra và giải ngân nhanh khoản tiền 500 triệu đồng do Trung ương hỗ trợ. Thiết nghĩ, các huyện, thành phố cần rút kinh nghiệm qua cách làm của huyện Chi Lăng bằng cách ngoài việc huy động đội ngũ trưởng thôn nên “mời” thêm người làm điều tra viên như giáo viên, bí thư đoàn xã và bí thư chi đoàn các thôn bản, hoặc thanh niên địa phương đã qua học nghề, có việc làm và thu nhập. Ưu điểm của đội ngũ này là tính nhanh nhạy và thiết thực, với kiến thức và kinh nghiệm của họ, việc tư vấn, tuyên truyền, ghi phiếu nghề… sẽ không gặp khó khăn gì, ngược lại còn sâu hơn và chính xác hơn.
Cần phải xác định được tầm quan trọng của “khâu” điều tra, vì nó sẽ cung cấp dữ liệu làm căn cứ để tỉnh đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên cho công tác dạy nghề cho cả giai đoạn 10 năm ( 2010-2020). Đây cũng là một “kênh” quan trọng để các địa phương tham khảo trong công tác hoạch định chính sách phát triển KT-XH, nhất là phục vụ cho việc chuyển dịch cơ cấu ngành nghề trong khu vực nông thôn.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()