Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh có tính cấp thiết hơn bao giờ
Xây dựng Đảng là nhiệm vụ “then chốt”, nhiệm vụ thường xuyên, cốt lõi để Đảng có đủ uy tín, đủ năng lực lãnh đạo cách mạng, lãnh đạo đất nước. Đây là nguyên nhân của thành công.
Hơn 86 năm qua, từ khi được thành lập, Đảng Cộng sản Việt Nam đã làm tròn một cách xuất sắc nhiệm vụ lịch sử mà dân tộc Việt Nam giao phó cho mình: Đảng đã lãnh đạo thành công Cách mạng Tháng Tám, lập ra Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; lãnh đạo thắng lợi hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc hùng mạnh hơn gấp bội. Kỳ tích được cả thế giới nể phục, đưa vị thế Việt Nam lên cao trên trường quốc tế.
Sau khi giải phóng đất nước, giành độc lập, tự do và thống nhất, bước vào giai đoạn xây dựng, bảo vệ và phát triển, Đảng đứng trước những nhiệm vụ mới, phức tạp, đầy khó khăn, thử thách. Kinh nghiệm hơn 40 năm qua đã chỉ cho chúng ta thấy, giành độc lập dân tộc là rất khó khăn, gian khổ, nhưng xây dựng đất nước thật sự độc lập, nhân dân được thật sự tự do và hạnh phúc còn khó khăn hơn vạn lần. Đặc biệt khi chúng ta đi vào phát triển đất nước trong lúc bối cảnh thế giới hết sức phức tạp, sự cạnh tranh kinh tế quyết liệt… Nếu có đường lối đi đúng sẽ có cơ hội, nếu không thì sẽ tụt hậu, bị đẩy lùi.
Giai đoạn mới đòi hỏi phải có tư duy mới, phải biết nhìn thẳng vào thực tế… mà quyết định đường lối, chính sách.
Đến năm 1986, hơn 10 năm sau ngày đất nước thống nhất, từ những bài học thực tiễn, Đảng ta đã “nhìn thẳng vào sự thật”, đề ra đường lối đổi mới. Đường lối đổi mới của Đại hội VI đã đem lại cho nhân dân ta những thành tựu quan trọng, làm cho cuộc sống có rất nhiều thay đổi. Tuy nhiên, đường lối đổi mới đó chủ yếu ở một số mặt về kinh tế, chính trị, văn hóa, cho nên đổi mới chưa toàn diện, chưa đồng bộ. Đó là nguyên nhân của những yếu kém, chậm phát triển của chúng ta hiện nay.
Đảng lãnh đạo, trước hết bằng đường lối chính trị. Vì vậy, để xây dựng Đảng trước hết phải quan tâm đến xây dựng đường lối chính sách chính trị trong các lĩnh vực. Trong nhiều nghị quyết, Đảng nhấn mạnh phải nâng cao trình độ lý luận, đi sát vào thực tiễn để ngày càng hoàn chỉnh đường lối, chính sách, là hết sức đúng. Thí dụ cần phải làm rõ hơn nữa vấn đề kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, vấn đề kinh tế nhà nước là chủ đạo, vai trò sở hữu đất đai, v.v. Có làm rõ những điều trên thì mới có thể “hoàn thiện thể chế” phù hợp với tình hình hội nhập quốc tế. Trước hết phải nhận thức được là chúng ta ở trong thế giới toàn cầu hóa, chi phối bởi chủ nghĩa tư bản và mục tiêu trước mắt chúng ta là phải giữ vững độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững. Đó là yêu cầu của vận mệnh đất nước và cũng là cơ sở để nhân dân ta phấn đấu đi lên.
Trong xây dựng Đảng, việc xác định đường lối chính trị là quyết định, là vô cùng quan trọng. Nhưng là Đảng cầm quyền nên Đảng cũng phải là người xác định đường lối tổ chức và xây dựng đội ngũ cán bộ để thực hiện đường lối của mình đề ra. Điều đó cuối cùng là quan trọng nhất và quyết định sự thành công hay thất bại của Đảng.
Hiện nay, có thể nói chúng ta đang ở giai đoạn có nhiều sự biến đổi, phức tạp cả về chính trị cũng như giá trị đạo đức xã hội, vấn đề tổ chức – cán bộ trong xây dựng Đảng càng phải đặc biệt nhấn mạnh.
Xét trong thực tế tình hình của đất nước, cũng thấy rõ một số thành tựu về kinh tế – xã hội đạt được là nhờ sự cố gắng phấn đấu của những cán bộ, đảng viên và nhân dân. Nhưng những sai lầm, thất bại cũng do một số cán bộ, không phải nhỏ, tiêu cực, trong đó có cả cán bộ cấp cao, đã thiếu trách nhiệm, tham nhũng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Vì vậy theo tôi có thể nói mọi sự yếu kém, chậm phát triển trước hết là do chủ quan, sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước còn nhiều mặt bất cập, thiếu hiệu lực. Đó là nguyên nhân của các nguyên nhân như nhiều cuộc tổng kết đã chỉ ra. Chính vì lý do đó, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng đưa ra, và bài phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư sau Hội nghị đã được toàn Đảng, toàn dân hưởng ứng rất mạnh mẽ. Nghị quyết đã đặt vấn đề phải chỉnh đốn Đảng, nâng cao sức chiến đấu của cán bộ, đảng viên, loại trừ những cán bộ, đảng viên mất phẩm chất, thoái hóa về tư tưởng, về lối sống, chỉ nghĩ lợi ích cá nhân, không quan tâm lợi ích của nhân dân, của đất nước; phải chống “nhóm lợi ích”, “tư tưởng địa phương cục bộ”, “tư duy nhiệm kỳ” làm suy yếu Đảng, Nhà nước. Nghị quyết nêu việc đặc biệt phải coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ chiến lược, chủ chốt, đầu ngành, v.v.
Rất tiếc, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng vẫn còn một số hạn chế, khuyết điểm; so với yêu cầu đề ra và so với mong đợi của cán bộ, đảng viên cũng chưa thật sự đáp ứng như mong muốn và qua một số vụ việc đang xảy ra, càng thấy vấn đề chính sách cán bộ của Đảng còn nhiều điểm phải rà soát và tăng cường.
Hiện nay, Bộ Chính trị và Ban Tổ chức Trung ương đang rất quan tâm vấn đề này. Làm sao tổ chức Đảng, Nhà nước vừa gọn, vừa hiệu lực, các cán bộ, đặc biệt là cán bộ ở cấp chiến lược, chủ chốt, đầu ngành, đầu địa phương là những cán bộ lãnh đạo xứng đáng, không ngừng nâng cao trình độ và bản lĩnh, đồng thời phải loại bỏ những phần tử cơ hội, những cán bộ hư hỏng, làm hại đất nước, làm hại nhân dân? Trước hết phải có chính sách và kế hoạch cụ thể để thu hút nhân tài, mặt khác, phải ngăn chặn không cho những người không xứng đáng vào hàng ngũ của Đảng, vào bộ máy chính quyền, đặc biệt không để những người không xứng đáng vào những vị trí lãnh đạo. Ta phải trả lời câu hỏi rất bức thiết: Tại sao có tệ nạn chạy chức, chạy quyền? Phải chăng nguyên nhân chính là chạy theo lợi ích cá nhân, coi đồng tiền là trên hết. Lấy “tiền” để mua “quyền lực”, rồi từ “quyền lực” lại kiếm ra “tiền”.
Để làm được việc này, trước hết và trên hết, Đảng cần đặt vấn đề tăng cường công tác giáo dục đảng viên về đạo đức cách mạng, luôn luôn đặt lợi ích của đất nước, của nhân dân lên trên hết. Đồng thời về tổ chức, phải ngăn chặn cho được tệ nạn “chạy chức, chạy quyền” và cả “chạy biên chế”. Không cho phép mọi hành vi dùng các hình thức mua chuộc, “ưu ái” vô nguyên tắc như dư luận thường nói “nhất tiền tệ, nhì hậu duệ, ba quan hệ, bốn trí tuệ”…
Việc đánh giá cán bộ hết sức quan trọng, tiêu chuẩn đức-tài phải rất rõ ràng, cụ thể, phải dựa trên thực tế, từ ý thức trách nhiệm đến kết quả công tác. Học vị, quá trình công tác chỉ để tham khảo, vấn đề đánh giá con người, lựa chọn cán bộ là cả vấn đề khoa học. Không phải anh đã là cấp ủy thì việc gì anh cũng có thể làm được. Cán bộ lãnh đạo phải tương đối toàn diện, cần có trình độ chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức, đồng thời phải có trình độ chuyên môn cần thiết. Một nhà khoa học giỏi không có nghĩa là một nhà quản lý giỏi.
Một điểm quan trọng mà bấy lâu nay công tác tổ chức – cán bộ thiếu sót là một khi đã đề bạt một cán bộ thì dù họ không làm được việc hoặc vi phạm nhiều sai lầm, lại không có quy định phải “thay”, mà phải chờ hết nhiệm kỳ. Công việc của đất nước bộn bề, phức tạp nên có trường hợp việc bố trí vị trí việc làm chưa chính xác, không phát huy được tác dụng của cán bộ thì cần có quy định cho phép một cán bộ thấy mình không đảm trách công việc được giao xin từ chức một cách đàng hoàng và chuyển sang làm việc khác phù hợp hơn.
Việc lập quy hoạch cán bộ để chuẩn bị cho lớp kế cận là rất cần thiết. Việc lựa chọn cán bộ cần tiến hành một cách dân chủ, công khai, minh bạch. Có người nói làm như vậy có thể có sự ganh tị, kèn cựa nhau. Nếu có tình hình đó, chứng tỏ sự lựa chọn của tổ chức không chính xác và nếu có những người có hành động kèn cựa, ganh ghét nhau, đó là những cán bộ cần phải loại ra trước hết.
Cũng có ý kiến để lựa chọn cho chính xác nên cho họ trình bày dự kiến của mình nếu được đề bạt, coi như một cuộc sát hạch.
Dư luận nói chung cho rằng chủ trương “thi công chức” hiện nay làm rất hình thức, không có tác dụng chọn lọc cán bộ.
Cần rà soát lại quy trình chọn cán bộ. Đến nay, quy trình trên văn bản đặt ra khá chặt chẽ. Nhưng trong thực tế, một số cán bộ không đủ tiêu chuẩn vẫn qua được tất cả các khâu trong quy trình tổ chức đó. Đến khi có vấn đề thì trách nhiệm không rõ. Một cán bộ, nhất là cấp cao, không tốt lọt vào cơ quan lãnh đạo, thì sẽ làm hại cho công việc chung, làm mất uy tín của Đảng và lòng tin của nhân dân.
Và cuối cùng, nên nhấn mạnh tầm quan trọng của hệ thống cơ quan làm công tác tổ chức – cán bộ của Đảng. Cán bộ làm công tác này cần được lựa chọn đặc biệt. Đây là cơ quan tham mưu của Đảng, là người “gác cổng” của Đảng. Vấn đề hết sức quan trọng chính là lựa chọn cán bộ lãnh đạo của Đảng, đặc biệt ở các cấp cao, chủ chốt. Cán bộ làm công tác tổ chức không những cần trình độ chính trị vững, mà phải là người có phẩm chất đạo đức tốt, trong sạch, công tâm. Ở đây cần chú ý chống tác động của “nhóm lợi ích”.
Nhưng đồng thời cũng đặt trách nhiệm về việc lựa chọn cán bộ, quản lý cán bộ đối với tất cả các đồng chí lãnh đạo Đảng, đặc biệt đồng chí đứng đầu đơn vị, đứng đầu ngành, địa phương. Đó là một nội dung về xây dựng Đảng tối quan trọng để bảo đảm Đảng được trong sạch, vững mạnh.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()