Xây dựng công viên địa chất toàn cầu: Cơ hội nâng tầm du lịch Xứ Lạng
– Sở hữu nhiều loại hình di sản, đặc biệt là di sản địa chất (DSĐC) và văn hóa, Lạng Sơn hiện có rất nhiều tiềm năng, lợi thế để xây dựng công viên địa chất toàn cầu (CVĐCTC). Đây là cơ hội để bảo tồn và phát huy giá trị về di sản, cũng là cơ hội để nâng tầm du lịch Xứ Lạng.
Tiềm năng và triển vọng
Công viên địa chất toàn cầu là một khu vực tự nhiên, độc đáo, chứa đựng một tập hợp các di sản địa chất có giá trị khoa học, chứa đựng các giá trị về đa dạng sinh học, khảo cổ, lịch sử, văn hóa xã hội và có diện tích thích hợp để phát triển du lịch và các dịch vụ phụ trợ được UNESCO công nhận.
Với khái niệm đó thì Lạng Sơn là khu vực hội tụ đủ các yếu tố, các điều kiện cần thiết để có thể nghiên cứu, phát triển thành một CVĐCTC. Đó là với sự đa dạng về tiềm năng DSĐC, các giá trị văn hóa như: khảo cổ, lịch sử, dân gian, sản vật địa phương, ẩm thực truyền thống, cảnh quan, hệ thống các hang động đồ sộ, nhiều tầng lớp bên trong có hệ thống thạch nhũ đa dạng, đẹp mắt. Và đa phần các giá trị đó đã được nhận dạng, thống kê, phân loại, xếp hạng. Một số di tích, truyền thống văn hóa đã và đang được bảo tồn, phục dựng tốt như: hệ thống các nhà lưu niệm, bảo tàng…
Đoàn công tác của Sở VHTTDL phối hợp với các chuyên gia khảo sát tại Bảo tàng Chiến Thắng huyện Chi Lăng
Các tiềm năng nêu trên nằm tập trung ở địa bàn các huyện: Bắc Sơn, Bình Gia, Hữu Lũng, Chi Lăng, Văn Quan, Lộc Bình… Trong đó, một số tiềm năng di sản bước đầu đã và đang được khai thác có hiệu quả như: Hệ thống đền thờ mẫu Bắc Lệ và Đèo Kẻng, Khu dự trữ thiên nhiên Hữu Liên, cụm Di tích Quốc gia đặc biệt Khởi nghĩa Bắc Sơn, du lịch sinh thái thác Đăng Mò…
Với chủ trương đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế quan trọng đến năm 2025 và đến năm 2030 trở thành ngành kinh tế mũi nhọn (được cụ thể hóa trong nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh), việc thành lập CVĐC, hướng tới xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận là CVĐCTC là rất phù hợp. Để triển khai nhiệm vụ này, Sở VHTTDL được UBND tỉnh giao làm đơn vị chủ trì triển khai, lập quy trình xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận dãy núi đá vôi và Thung lũng Bắc Sơn là công viên địa chất toàn cầu. Theo đó, trong tháng 3/2021, Sở VHTTDL đã tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm; khảo sát, đánh giá sơ bộ tiềm năng của tỉnh để xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận CVĐCTC…
Qua khảo sát, Lạng Sơn được các chuyên gia đến từ Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Mạng lưới CVĐC Việt Nam, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Trung tâm Karst và Di sản Địa chất đánh giá cao về tiềm năng DSĐC phong phú, đặc biệt là hệ thống hang động, thạch nhũ còn bảo tồn tốt… Các thung lũng giữa núi phân cách nhau bởi các cụm đỉnh dạng chóp nón, yên ngựa nối đỉnh, tạo nên cảnh quan karst dạng chóp nón của giai đoạn trưởng thành. Nhiều phân vị địa chất, mặt cắt địa chất chuẩn, nhiều kiểu loại hóa thạch…
Nỗ lực xúc tiến
Với kết quả khảo sát bước đầu, Sở VHTTDL đã có đánh giá tổng quan về tiềm năng di sản địa chất ở các huyện xây dựng 3 phương án CVĐCTC trình UBND tỉnh. Đầu tháng 5/2021, UBND tỉnh đã họp bàn với các sở, ngành, chuyên gia của Trung ương và thống nhất phương án 1 với quy mô, phạm vi CVĐCTC ở Lạng Sơn dự kiến gồm các huyện: Hữu Lũng, Bắc Sơn, Bình Gia, Văn Quan và Chi Lăng, diện tích trên 3.840 km2, dân số trên 375.600 người (khoảng 46,3% diện tích và 48,1% dân số toàn tỉnh) với tên gọi “Dãy núi đá vôi và thung lũng Bắc Sơn”.
Đoàn công tác của Sở VHTTDL phối hợp với các chuyên gia khảo sát thực tế tại huyện Bình Gia
Bà Dương Hồng Hạnh, Phó Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Bắc Sơn cho biết: Bắc Sơn sở hữu nhiều tiềm năng phong phú, qua khảo sát bước đầu đã được lựa chọn vào khu vực nghiên cứu để tiến hành xây dựng CVĐCTC. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phối hợp tích cực với các cơ quan, đơn vị để chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, thủ tục cần thiết để hoàn thiện hồ sơ CVĐCTC trình UNESCO công nhận theo đúng lộ trình đề ra.
Cùng với Bắc Sơn, các huyện thuộc khu vực dự kiến xây dựng CVĐCTC cũng xem đây là một tín hiệu vui và có những động thái tích cực. Ông Khổng Hồng Minh, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hữu Lũng cho biết: Nhận thức việc lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận CVĐCTC là cơ hội để quảng bá các giá trị di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh đặc sắc của huyện, thời gian tới, phòng tiếp tục chủ động tham mưu cho UBND huyện ban hành các văn bản chỉ đạo, thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao theo lộ trình đề ra, sớm hoàn thiện hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Khu vực dãy núi đá vôi và thung lũng Bắc Sơn là CVĐCTC.
Tuy nhiên, trong thực tế, tỉnh còn rất nhiều việc phải làm bởi CVĐCTC không chỉ là một danh hiệu mà còn là một mô hình phát triển kinh tế – xã hội mới. Đặc biệt, CVĐCTC lưu ý đến sự tham gia của cộng đồng địa phương, đến giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng, đến tạo các cơ hội sinh kế mới cho người dân.
Ông Nguyễn Phúc Hà, Giám đốc Sở VHTTDL cho biết: Để đáp ứng yêu cầu trên, sở đang khẩn trương phối hợp với các đơn vị liên quan xác lập những căn cứ khoa học để xây dựng và hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO công nhận CVĐCTC. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tổ chức tham quan, chia sẻ, học tập kinh nghiệm trong nước và quốc tế; xây dựng và triển khai chương trình nâng cao nhận thức cộng đồng. Cùng với đó là xây dựng hệ thống biển bảng thuyết minh, trang web, tờ rơi, ấn phẩm, các trung tâm thông tin…
Với quyết tâm và đồng thuận của chính quyền và cộng đồng các dân tộc tỉnh Lạng Sơn, tin tưởng và hy vọng rằng, khu vực dãy núi đá vôi và thung lũng Bắc Sơn sẽ sớm được UNESCO công nhận là CTVĐCTC. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, thu hút ngày càng nhiều du khách trong nước và quốc tế đến với Xứ Lạng.
Một số yêu cầu của UNESCO đối với một ứng viên CVĐC toàn cầu – Đã tồn tại trên thực tế ít nhất một năm trước khi trình hồ sơ; – Có một số tầm cỡ quốc tế; – CVĐC không chỉ là một danh hiệu mà nó cần tồn tại, hoạt động, vận hành trên thực tế một cách liên tục. Các hoạt động của một CVĐC cũng rất đa dạng, liên ngành, liên lĩnh vực. Vì thế, CVĐC cần có Ban quản lý đủ mạnh, đủ năng lực và quyền hạn để điều hành mọi hoạt động của CVĐC, có kế hoạch quản lý và nguồn kinh phí hoạt động ổn định lâu dài; – Có các hoạt động tuyên truyền, quảng bá về hình ảnh của CVĐC, nâng cao nhận thức cộng đồng của người dân địa phương. Cộng đồng địa phương là chủ nhân đích thực của CVĐC, cần tích cực tham gia vào mọi hoạt động của CVĐC, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản và hưởng lợi từ các hoạt động đó; – CVĐC cần tích cực hội nhập, tham gia vào các hoạt động của Mạng lưới CVĐC toàn cầu… |
“Kết quả khảo sát sơ bộ bước đầu cho thấy Lạng Sơn là địa bàn hội tụ được khá đầy đủ các giá trị di sản văn hóa (cả vật thể lẫn phi vật thể), đa dạng sinh học và địa chất, khá khác biệt so với các vùng khác ở Việt Nam. Một số giá trị di sản địa chất (như: hang động, thác nước, sông suối) bước đầu đã được nhận dạng, phát hiện, khai thác, sử dụng như danh lam thắng cảnh. Do đó, cần triển khai công tác điều tra, nhận dạng, thống kê, phân loại, đánh giá, đề xuất xếp hạng các di sản địa chất một cách hệ thống, toàn diện để có một bức tranh tổng quan đầy đủ hơn về dạng tài nguyên mới này, để cùng các giá trị di sản hiện có và hiện đã biết khác, đưa vào bảo tồn, phát huy giá trị tổng thể trong khuôn khổ một công viên địa chất.
Năm 2024 là mốc thời gian kỳ vọng ngắn nhất để được UNESCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu với rất nhiều việc phải làm. Do đó, cần có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, chính quyền, cộng đồng địa phương, các doanh nghiệp, nhà khoa học, chuyên gia tư vấn trong nước và quốc tế”.
PGS.TS. Trần Tân Văn, nguyên Viện trưởng Viện Địa chất – Khoáng sản, thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường
Ý kiến ()