Xây dựng công trình thủy lợi nhỏ: Cần đẩy mạnh đầu tư
(LSO) – Công trình thủy lợi nhỏ có vai trò quan trọng, trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay nhiều công trình đã xuống cấp, công tác đầu tư sửa chữa, kiên cố hóa còn nhiều hạn chế do khó khăn về nguồn lực.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 1.391 công trình thủy lợi, trong đó có 271 hồ chứa, 148 trạm bơm điện, 972 đập dâng. Các công trình thủy lợi chính này từ trước đến nay đã được quan tâm đầu tư kiên cố hóa bằng nhiều nguồn vốn như: trái phiếu Chính phủ, tín dụng ưu đãi, ngân sách địa phương và hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, các công trình thủy lợi nhỏ phục vụ nhu cầu tưới, tiêu trực tiếp cho đồng ruộng thì việc đầu tư xây dựng còn hạn chế. Toàn tỉnh hiện có hệ thống kênh mương khoảng 3.016 km nhưng mới kiên cố hóa được 1.316 km, chiếm 43,6%, (trong số này cũng đã có nhiều đoạn xuống cấp, không đạt hiệu quả tưới, tiêu), còn lại là hệ thống mương đất. Ngoài ra, có khoảng 2.334 công trình tạm, guồng cọn thô sơ người dân tự làm để đảm bảo nưới tưới cho mùa vụ.
Mương nội đồng xã Lục Thôn, huyện Lộc Bình chưa được kiên cố, hạn chế trong tưới tiêu
Thực tế tại địa bàn huyện Lộc Bình, toàn huyện hiện có 241 km kênh mương, đã kiên cố được 159 km nhưng hơn 30% trong số đó đã được đầu tư từ lâu, bắt đầu xuống cấp và còn 82 km mương đất. Bên cạnh đó là hơn 200 công trình phai tạm, đập dâng nhỏ do nhân dân tự xây dựng. Hầu hết các công trình này hoạt động mùa vụ, thường xuyên phải cải tạo, việc tưới, tiêu không ổn định và hiệu quả.
Ông Lý Quang Ngọc, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lộc Bình cho biết: Thực tế hiện nay, các công trình thủy lợi nhỏ trên địa bàn, huyện giao cho xã quản lý chưa được đầu tư hoàn chỉnh do nguồn vốn hạn hẹp. Các công trình thủy lợi nội đồng, phục vụ tưới, tiêu trực tiếp cơ bản vẫn do người dân tự xây dựng, cải tạo để đáp ứng mùa vụ. Do các công trình chưa được kiên cố hóa nên hoạt động không ổn định và thường xuyên hư hỏng khi mùa mưa đến.
Tại huyện Bình Gia, toàn huyện có trên 102 công trình hồ đập giao cho các xã, thị trấn quản lý. Trong đó có 11 hồ chứa, 91 đập dâng và gần 100 km kênh mương. Thời gian qua, mặc dù được đầu tư để kiên cố hóa kênh mương, nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu. Hiện nay, số lượng mương đất chiếm khoảng 50%, thường bị hư hỏng do mưa bão, không đảm bảo hoạt động tưới, tiêu.
Ông Đào Thế Đông, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Gia cho biết: Nguyên nhân của tình trạng trên là nguồn vốn đầu tư từ ngân sách còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu của địa phương; một số xã thiếu vật liệu, phải mua, trong khi nhân dân có thu nhập thấp, kênh mương lại dài, không đủ khả năng để đầu tư.
Trước thực trạng trên, ngày 8/11/2019, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có tờ trình số 130/TTr-SNN tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng quy định mức hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên địa bàn tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh dự kiến mức hỗ trợ đầu tư xây dựng cụ thể đối với từng loại công trình thủy lợi nhỏ, như: với công trình tích trữ nước sẽ miễn tiền thuê đất cho tổ chức cá nhân khi xây dựng và hỗ trợ 100% chi phí thiết kế, chi phí máy thi công cho tổ chức thủy lợi cơ sở khi đầu tư công trình; hỗ trợ 70% tổng giá trị công trình xây dựng cống và kiên cố hóa kênh mương.
Ông Chu Văn Hải, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi cho biết: Việc hỗ trợ và thu hút nguồn lực đầu tư các công trình thủy lợi nhỏ, kênh mương nội đồng là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Thực tế, những năm vừa qua, khi Nhà nước có chính sách hỗ trợ xi măng để kiên cố hóa kênh mương, mặc dù tỷ lệ hỗ trợ chỉ chiếm khoảng 10% tổng giá trị công trình nhưng đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân, nhiều ki – lô – mét kênh mương đã được bê tông hóa. Nếu như tới đây, Nhà nước hỗ trợ 70% giá trị công trình, kèm theo đó là hồ sơ thiết kế kỹ thuật hoàn chỉnh, thì việc xây dựng các công trình thủy lợi nhỏ chắc chắn sẽ được đẩy mạnh.
ĐỖ HOẠT- BÙI DŨNG
Ý kiến ()