Xây dựng cộng đồng trực tuyến hỗ trợ giáo dục tiểu học
Khó khăn với bậc giáo dục tiểu học không chỉ là vấn đề dạy học và giáo dục trực tuyến mà còn cả những vấn đề liên quan đến triển khai chương trình, sách giáo khoa mới…
Hệ thống giáo dục đã và đang tìm cách thích ứng thông qua quá trình chuyển đổi số – Ảnh minh hoạ |
Dạy học trực tuyến với học sinh lớn (trên 9 tuổi) đã khó, với học sinh nhỏ tuổi (lớp 1, 2) càng khó hơn. Tuy nhiên, dịch bệnh khả năng còn kéo dài, chuyển đổi số là tất yếu, không phải là giải pháp tạm thời. Việc dạy học, giáo dục trực tuyến không nên hiểu máy móc là chỉ thực hiện trên internet mà cần phải thực hiện trên nhiều nền tảng (internet, truyền hình, radio, mạng xã hội, thư tín, văn bản) hoặc kết hợp trực tuyến và trực tiếp.
Năm học này cũng là năm bắt đầu triển khai chương trình, sách giáo khoa mới cho lớp 2 và là năm thứ 2 triển khai chương trình giáo dục mới cho lớp 1 với nhiều nội dung và phương pháp mới. Vì vậy, khó khăn với bậc giáo dục tiểu học không chỉ là vấn đề dạy học và giáo dục trực tuyến mà còn cả những vấn đề liên quan đến chương trình, sách giáo khoa mới.
Dù không có đại dịch COVID-19 thì việc triển khai chương trình, sách giáo khoa mới cũng khiến nhiều giáo viên lúng túng, rất cần hỗ trợ. Bối cảnh dịch bệnh, chuyển đổi số càng làm cho các nhu cầu này cấp thiết hơn.
GS.TS Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội – đơn vị được giao là đầu mối chuyên môn của Kênh trực tuyến hỗ trợ giáo dục tiểu học vừa ra mắt ngày 15/9 tại địa chỉ: https://hotrotieuhoc.vnu.edu.vn– chia sẻ rằng, nỗ lực xây dựng Kênh là nhằm hỗ trợ các nghiệp vụ dạy học và giáo dục trực tuyến, trực tiếp cho giáo viên và cha mẹ học sinh.
Theo triết lý “giáo dục toàn diện”, tức là ngoài các kỹ năng, nghiệp vụ để dạy kiến thức, Kênh còn cung cấp, hỗ trợ phát triển các nghiệp vụ giúp trẻ phát triển về thể chất, thẩm mỹ… Thông qua Kênh này, các giáo viên tiểu học sẽ được hỗ trợ theo dạng đồng thời (livestream, thảo luận trực tiếp) hoặc không đồng thời (qua các tài nguyên mà Kênh sản xuất hoặc khai thác). Nhờ đó, giáo viên tiểu học thích ứng tốt hơn, nâng cao hơn kỹ năng sư phạm và giáo dục, kỹ năng sử dụng công nghệ giáo dục phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi học sinh ở môi trường trực tuyến hay trực tiếp.
Kênh cũng sẽ cung cấp các giải pháp hỗ trợ phối hợp với cha mẹ học sinh nhằm bảo đảm chất lượng đào tạo trong dạy học trực tuyến, góp phần triển khai thành công Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở bậc tiểu học cho các lớp 1, 2 của năm học 2021-2022.
Đối với giáo viên, Kênh còn có nhiệm vụ hỗ trợ nâng cao năng lực chuyên môn: Phát triển các kỹ năng sư phạm, xây dựng thiết kế bài giảng hiệu quả; kỹ năng tổ chức, quản lý lớp học trong bối cảnh chuyển đổi từ dạy học trực tiếp sang trực tuyến.
GS. Nguyễn Quý Thanh cho biết, để xây dựng và duy trì nền tảng tư liệu, học liệu hữu ích về hỗ trợ giáo dục tiểu học, Đại học Giáo dục đã huy động đội ngũ chuyên gia trong và ngoài Đại học Quốc gia Hà Nội, trong đó có nhiều người tham gia xây dựng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, chương trình chi tiết môn học 2018 và viết sách giáo khoa theo chương trình mới.
Kênh cũng là một mạng lưới giúp kết nối giáo viên với giáo viên, các chuyên gia giáo dục, nhà trường, đơn vị, cá nhân quan tâm đến giáo dục tiểu học, từ đó xây dựng một “cộng đồng học tập cho giáo viên tiểu học”. Các giáo viên bậc tiểu học sẽ thích ứng nhanh và nâng cao kỹ năng, bảo đảm chất lượng đào tạo trong dạy học trực tuyến.
Thủ tướng Chính phủ mới đây đã có chỉ đạo về việc triển khai chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Đây là sự hỗ trợ quan trọng của Chính phủ để bảo đảm mọi học sinh đều được tiếp cận công bằng với giáo dục. Vì vậy, trong quá trình tổ chức thực hiện, các cơ sở giáo dục phải bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống phần mềm, học liệu dạy học trực tuyến. Giáo viên phải được hướng dẫn sử dụng phần mềm, có các kỹ năng cần thiết khi tổ chức dạy học trực tuyến; cha mẹ học sinh được thông báo lịch học, hướng dẫn sử dụng và chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng phối hợp cùng giáo viên hỗ trợ cho học sinh trong quá trình học trực tuyến tại nhà.
Ý kiến ()