Xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai: Chuẩn hóa thông tin, tăng hiệu quả quản lý
– Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện, đến nay, Dự án “Tăng cường quản lý đất đai và xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) đất đai tại thành phố Lạng Sơn và 4 huyện: Cao Lộc, Bình Gia, Lộc Bình, Tràng Định” (dự án VILG) đã hoàn thành nhiều hợp phần, bước đầu đi vào vận hành, khai thác, góp phần chuẩn hóa thống tin, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về lĩnh vực đất đai trên địa bàn.
Dự án VILG được UBND tỉnh phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi tại Quyết định số 1585 ngày 9/9/2016, triển khai tại thành phố Lạng Sơn và 4 huyện gồm: Cao Lộc, Lộc Bình, Bình Gia, Tràng Định. Tuy nhiên, do không đáp ứng đủ điều kiện tham gia nên huyện Tràng Định rút khỏi dự án. Đến năm 2019, UBND tỉnh ban hành Quyết định phê duyệt thiết kế kỹ thuật – dự toán của dự án; thời gian thi công thực hiện trong 2 năm (2019 – 2021) gồm các nội dung: xây dựng, hoàn thiện, vận hành khai thác CSDL đất đai phục vụ công tác quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh.
Cán bộ Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh khai thác CSDL đất đai giải quyết thủ tục hành chính cho người dân
Ông Tạ Quốc Vinh, Phó Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh cho biết: Đến giữa tháng 3/2023, các đơn vị thi công dự án đã hoàn thành xây dựng CSDL đất đai của 64/70 xã, phường, thị trấn cần thực hiện (đạt 91,4%); còn 6/8 xã, phường tại thành phố Lạng Sơn đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện. Cụ thể, đã có CSDL địa chính của trên 1 triệu thửa đất và CSDL thống kê, kiểm kê của 10.500 thửa đất tại 4 huyện, thành phố được tích hợp lên hệ thống CSDL đất đai. Cùng đó, các đơn vị thi công dự án (Công ty TNHH MTV Tài nguyên và Môi trường Việt Nam, Công ty Cổ phần Công nghệ tin học và Trắc địa bản đồ Bình Minh, Công ty TNHH Hà Thành – thành phố Hà Nội) cũng hoàn thành kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu của 55/64 xã, phường, thị trấn với trục liên thông LGSP của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) để chia sẻ dữ liệu đất đai của tỉnh với CSDL quốc gia về dân cư.
Ngoài ra, các đơn vị thi công cũng cơ bản hoàn thành xây dựng các CSDL thành phần của dự án. Đến nay, đã có 62/70 xã, thị trấn được tích hợp CSDL quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; 3 huyện được tích hợp CSDL giá đất; riêng tại thành phố Lạng Sơn, các đơn vị thi công đang tích cực triển khai, xây dựng.
Ông Ma Văn Đức, Phó Trưởng Phòng TN&MT huyện Bình Gia cho biết: Từ năm 2019, dự án xây dựng CSDL đất đai đã được triển khai thực hiện ở huyện. Đến giữa tháng 3/2023, đơn vị thi công dự án đã xây dựng hoàn thiện hệ thống CSDL đất đai trên địa bàn. Trong đó, đã hoàn thành đưa vào vận hành CSDL địa chính của 227.090 thửa đất; hoàn thành xây dựng CSDL giá đất được 572 thửa; xây dựng CSDL thống kê, kiểm kê được 19 xã, thị trấn và hoàn thành CSDL quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn huyện. Hiện hệ thống CSDL đất đai đã được đưa vào vận hành, khai thác, qua đó góp phần tạo thuận lợi cho công tác quản lý Nhà nước, đẩy nhanh giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực đất đai cho tổ chức, cá nhân trong huyện.
Cũng như huyện Bình Gia, tại huyện Lộc Bình, việc triển khai thực hiện dự án cũng có nhiều thuận lợi. Trên địa bàn huyện hiện đã hoàn thành xây dựng CSDL địa chính của 445.316 thửa đất, (trong đó, xây dựng mới CSDL của 37.772 thửa đất; chuyển đổi, chuẩn hóa CSDL 407.544 thửa); xây dựng CSDL giá đất được 5.150 thửa; xây dựng CSDL thống kê, kiểm kê được 21 xã, thị trấn và hoàn thành CSDL quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của huyện. Nhờ tra cứu thông tin, dữ liệu trên hệ thống CSDL đất đai nên việc giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân được nhanh chóng, thuận lợi hơn.
Bà Hoàng Thị Hồ, thôn Pò Khoang, xã Khánh Xuân, huyện Lộc Bình cho biết: Cuối tháng 12/2022, tôi đến UBND xã nộp hồ sơ xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở. Nhờ việc tra cứu, xác minh thông tin thuận lợi nên hồ sơ của tôi được cơ quan chức năng giải quyết nhanh chóng, đúng theo thời gian quy định.
Dự án VILG được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 930/QĐ-TTg ngày 30/5/2016. Dự án được triển khai thực hiện tại 30 tỉnh, thành phố trên cả nước. Mục tiêu của dự án nhằm nâng cao hiệu quả, tính minh bạch của dịch vụ quản lý đất đai qua việc xây dựng, vận hành hệ thống CSDL đất đai quốc gia thống nhất trên cả nước. |
Được biết, từ tháng 1/2023, hệ thống CSDL đất đai của 3 huyện (Cao Lộc, Lộc Bình, Bình Gia) được đưa vào vận hành, khai thác, phục vụ công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực đất đai trên địa bàn. Còn riêng tại thành phố Lạng Sơn, đơn vị thi công vẫn đang tiếp tục hoàn thiện. Nguyên nhân do dự án đo đạc, chỉnh lý bản đồ địa chính, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của thành phố Lạng Sơn chưa hoàn thành nên chưa có tài liệu, số liệu bàn giao cho đơn vị liên quan làm dữ liệu.
Ông Ngô Viết Hải, Phó Giám đốc Sở TN&MT cho biết: Theo kế hoạch, thời hạn hoàn thành dự án VILG là hết tháng 12/2021. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện dự án tại các tỉnh, thành phố trên cả nước đều chậm, do đó, Bộ TN&MT gia hạn thời hạn hoàn thành dự án đến 30/6/2023. Tại tỉnh Lạng Sơn, đến nay việc thực hiện dự án tại 3 huyện cơ bản đã hoàn thành và đi vào vận hành, khai thác phục vụ công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực đất đai. Còn đối với địa bàn thành phố Lạng Sơn, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, Sở TN&MT thường xuyên kiểm tra, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi công thực hiện dự án. Cùng đó, sở tích cực đôn đốc các đơn vị thi công, cơ quan liên quan tăng cường phối hợp, kịp thời giải quyết các vướng mắc trong quá trình hoàn thiện CSDL đất đai… Từ đó, quyết tâm hoàn thành xong dự án trước ngày 31/5/2023.
Việc tổ chức, quản lý dữ liệu đất đai trên nền tảng công nghệ số hiện đại đã góp phần đảm bảo dữ liệu được cập nhật thường xuyên, liên tục. Từ đó, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, xử lý, khai thác dữ liệu đất đai, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác quản lý Nhà nước về đất đai trong tình hình mới.
Bà Dương Thị Hằng, Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Cao Lộc
“Từ “Năm 2020, dự án VILG được triển khai thực hiện trên địa bàn huyện. Đến nay, toàn huyện đã tích hợp được CSDL địa chính của 400.576 thửa đất lên hệ thống CSDL đất đai (trong đó, xây dựng mới CSDL 127.643 thửa; chuyển đổi, chuẩn hóa CSDL 272.933 thửa); xây dựng CSDL giá đất được 4.778 thửa; xây dựng CSDL thống kê, kiểm kê được 22 xã, thị trấn và hoàn thành xây dựng CSDL quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn huyện. Hiện hệ thống CSDL đất đai đã được đưa vào vận hành, khai thác. Về cơ bản, hiện nay, hệ thống đã bước đầu phát huy hiệu quả, tạo thuận lợi cho công việc tra cứu, khai thác thông tin, dữ liệu về đất đai. Thay vì phải mất hàng giờ đồng hồ, thậm chí cả buổi để tìm kiếm, tra cứu thông tin trên bản giấy thì chỉ cần một vài cú click chuột, cán bộ chuyên môn của chi nhánh có thể dễ dàng tra cứu, trích xuất thông tin phục vụ công tác giải quyết hồ sơ, TTHC cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn.
Bà Long Thị Yến, cán bộ công chức địa chính xã Đồng Bục, huyện Lộc Bình
“Trên địa bàn xã hiện có dữ liệu địa chính của hơn 12.600 thửa đất (tương đương 47 tờ bản đồ) được tích hợp lên hệ thống CSDL đất đai. Từ đầu năm 2023, hệ thống CSDL đất đai được đưa vào vận hành, sử dụng phục vụ công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực đất đai. Để vận hành, khai thác CSDL đất đai hiệu quả, tôi được tham gia các lớp tập huấn, được hướng dẫn cách truy cập, tra cứu thông tin, dữ liệu trên hệ thống. Cùng đó, được trang bị máy tính để bàn, máy in, được cấp tài khoản truy cập vào hệ thống CSDL đất đai… Việc đưa hệ thống CSDL đất đai được chuẩn hóa vào vận hành, khai thác đã góp phần giúp cán bộ chuyên môn như tôi giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân được nhanh hơn, đúng thời gian quy định; tạo điều kiện thuận lợi hơn trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn xã”.
Ý kiến ()