Xây dựng cơ sở dữ liệu liên thông - chìa khóa cho chuyển đổi số
– Trong công cuộc chuyển đổi số, cơ sở dữ liệu là tài nguyên, nền tảng quan trọng. Xây dựng cơ sở dữ liệu và khai thác dữ liệu số là chìa khóa để thúc đẩy chuyển đổi số. Chính vì vậy, thời gian qua, các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh công tác số hóa hồ sơ, kết nối, liên thông dữ liệu.
Sở Thông tin và Truyền thông hướng dẫn số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính Kho dữ liệu số của tỉnh cho cán bộ, công chức, viên chức các sở, ngành
Số hóa, liên thông dữ liệu giúp người dân và doanh nghiệp không phải cung cấp thông tin thủ công nhiều lần cho cơ quan nhà nước, đơn vị cung cấp dịch vụ. Đồng thời việc chia sẻ dữ liệu giúp các cơ quan quản lý nhà nước khai thác hiệu quả thông tin và tạo ra những giá trị mới.
Lợi ích thiết thực
Tính đến tháng 10/2023, tỉnh Lạng Sơn kết nối chính thức được 14/17 hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của bộ, ngành Trung ương phục vụ tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính gồm: cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp; dân cư; bảo hiểm; văn bản quy phạm pháp luật; cơ sở dữ liệu đăng kiểm phương tiện; hệ thống cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến; hệ thống đăng ký và quản lý hộ tịch… Việc số hóa và kết nối, liên thông cơ sở dữ liệu mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính.
Cụ thể, trước đây mỗi cơ quan chức năng, đơn vị làm việc tại cửa khẩu sử dụng những phần mềm riêng để thống kê, lưu trữ số liệu, hồ sơ khiến doanh nghiệp phải khai báo đến 5 loại giấy tờ cho mỗi xe hàng, thời gian làm giấy tờ lâu và phải di chuyển xa. Từ khi Nền tảng cửa khẩu số được triển khai và đi vào hoạt động tại Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị và Cửa khẩu Tân Thanh thì thông tin, dữ liệu của các đơn vị liên quan được kết nối, chia sẻ, liên thông. Do đó, doanh nghiệp chỉ cần khai báo thông tin hàng hóa 1 lần với thời gian từ 2 đến 5 phút là đã hoàn thành các thủ tục tại cửa khẩu.
Không chỉ thuận lợi cho doanh nghiệp, việc kết nối, liên thông cơ sở dữ liệu còn tại điều kiện thuận lợi cho người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính. Chị Nguyễn Thị Liên, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn cho biết: Trong tháng 9/2023 vừa qua, tôi có đưa người nhà đi điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, tôi thấy thủ tục khám bệnh rất nhanh gọn vì thông tin cá nhân, bệnh sử của người bệnh đã được bệnh viện lưu trữ trên hệ thống mạng nội bộ của ngành y tế. Nếu như trước đây, mỗi khi đi viện người bệnh phải mang theo nhiều loại giấy tờ như: căn cước công dân, thẻ bảo hiểm, sổ khám bệnh, các giấy tờ của lần khám, điều trị trước và phải khai đi, khai lại nhiều lần về bệnh sử, thuốc điều trị, thông tin cá nhân… thì hiện nay, người bệnh chỉ cần mang theo căn cước công dân. Viện phí cũng được chuyển khoản nên rất thuận tiện cho người bệnh khi đi khám và điều trị.
Thời gian qua, trên địa bàn toàn tỉnh, việc số hóa thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung, kết nối, liên thông dữ liệu được triển khai mạnh mẽ từ tỉnh đến huyện, xã. Điều này giúp cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được hưởng những lợi ích thiết thực mà công cuộc chuyển đổi số mang lại.
Tính đến tháng 10/2023, tỉnh Lạng Sơn đã kết nối thành công Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cổng dịch vụ công của tỉnh và cung cấp dịch vụ “xác thực thông tin công dân”. Đồng thời, phần mềm quản lý hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức được nâng cấp với 109 trường thông tin, có kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức. Đến nay, đã có 27.812 hồ sơ được cập nhật lên hệ thống. |
Thuận tiện quản lý
Ông Nguyễn Trọng Hùng, Phó Giám đốc phụ trách Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Có 2 loại liên thông dữ liệu là liên thông giữa trung ương và địa phương; liên thông giữa các sở, ban, ngành. Việc nhập dữ liệu 1 lần mà nhiều cơ quan, đơn vị có thể sử dụng có ý nghĩa rất lớn giúp thác thông tin hiệu quả, hạn chế tình trạng phải triển khai cùng lúc nhiều nền tảng, chia rẽ, cắt lớp, cát cứ dữ liệu… Từ đó, giúp cho các cơ quan, đơn vị tiết kiệm thời gian, chi phí, nhân lực, tài nguyên trong chuyển đổi số. Chính vì vậy, thời gian qua, công tác số hóa và kết nối, liên thông dữ liệu được triển khai đồng bộ, rộng khắp tại các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố.
Triển khai xây dựng dữ liệu số và liên thông dữ liệu, từ năm 2022 đến nay UBND tỉnh đã triển khai xây dựng Trung tâm tích hợp dữ liệu (hệ thống thư điện tử công vụ; phần mềm lưu trữ tài liệu lịch sử; cơ sở dữ liệu công chứng; phần mềm quản lý hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức…), Kho dữ liệu số hóa, Trung tâm thông tin và chỉ đạo điều hành của tỉnh, các hệ thống giám sát… nhằm thiết lập một trung tâm dữ liệu tích hợp toàn bộ thông tin của tỉnh phục vụ mục tiêu khai thác dữ liệu trong thời gian tới. Trong đó, Kho dữ liệu số hoá của tỉnh có chức năng lưu trữ toàn bộ hồ sơ thủ tục hành chính và kết quả giải quyết thủ tục hành chính từ trước đến nay của các cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến xã nhằm tạo nguồn tài nguyên số. Tính đến tháng 10/2023, toàn tỉnh đã số hoá hơn 230.000 hồ sơ thủ tục hành chính lên kho dữ liệu của tỉnh.
Đặc biệt, Trung tâm thông tin chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh (IOC) với chức năng giám sát điều hành: kinh tế – xã hội; y tế; cửa khẩu số; văn bản điện tử; giáo dục; hành chính công; phản ánh kiến nghị; mạng xã hội…, cho phép người dùng theo dõi dữ liệu toàn tỉnh, theo đơn vị cấp huyện, theo lĩnh vực quản lý; phân tích, so sánh, đánh giá số liệu, thông tin… theo thời gian thực. Việc đưa vào vận hành, khai thác các cơ sở dữ liệu trên môi trường số giúp cho những người đứng đầu các cơ quan, đơn vị thuận tiện trong công tác quản lý, giám sát nhất là khi những ứng dụng này có thể sử dụng được thông qua điện thoại thông minh. Bên cạnh theo dõi thông tin, tiến độ công việc, các hệ thống dữ liệu còn đưa ra những phân tích, so sánh và dự báo, từ đó giúp cho người quản lý làm tốt hơn công tác chỉ đạo, điều hành.
Song song với việc triển khai quyết liệt tại UBND tỉnh thì các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố cũng khẩn trương vào cuộc số hóa dữ liệu và liên thông dữ liệu với với các bộ, ngành Trung ương cũng như kết nối với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Hàng chục hệ thống thông tin cùng hàng trăm phần mềm, ứng dụng được triển khai để nhanh chóng cập nhật, kết nối, chia sẻ dữ liệu, thông tin. Tiêu biểu như phần mềm kế toán của tất cả các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố; phần mềm quản lý người có công của ngành Lao động, Thương binh và Xã hội; quản lý khám chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế; quản lý hộ tịch tư pháp…
Ông Phan Lạc Hoài Thanh, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Chúng tôi xác định chuyển đổi số trong ngành y tế là hình thành nền tảng y tế thông minh với 3 nội dung chính là: phòng bệnh thông minh; khám, chữa bệnh thông minh; quản trị y tế thông minh. Để làm được điều đó, trong thời gian qua, chúng tôi đã tiến hành kết nối dữ liệu khám chữa bệnh của công dân từ phần mềm quản lý thông tin bệnh viện với phầm mềm hồ sơ sức khỏe điện tử, đồng thời đẩy mạnh số hóa dữ liệu, liên thông cơ sở dữ liệu trong ngành dọc và kết nối, chia sẻ dữ liệu với các sở, ban, ngành của tỉnh. Đến nay, nhờ liên thông dữ liệu giữa ngành y tế với các ngành: giao thông vận tải; công an; lao động, thương binh và xã hội mà việc cấp, đổi giấy phép lái xe; cấp chứng sinh, đăng ký khai sinh; đăng ký thường trú; khai tử, trợ cấp mai táng, hỗ chợ chi phí mai táng… được thực hiện trên môi trường mạng.
Hiện tỉnh Lạng Sơn đang tiếp tục tiến hành kết nối thử nghiệm đối với 3/17 hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của bộ, ngành Trung ương. Khi thực hiện kết nối hoàn toàn 17/17 hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu sẽ tạo ra mạng lưới thông tin đồng bộ giữa các sở, ngành, địa phương của tỉnh và với các bộ, ngành trung ương, chính phủ. Điều này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính, giúp cơ quan quản lý nhà nước dễ dàng quản lý thông tin mà còn là nguồn tài nguyên khổng lồ, tạo ra những giá trị mới trong tương lai.
Ý kiến ()