Xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành: Góp phần thúc đẩy chuyển đổi số ngành tài nguyên, môi trường
- Để thực hiện chuyển đổi số, thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã quan tâm đầu tư xây dựng, vận hành các cơ sở dữ liệu (CSDL) chuyên ngành. Qua đó, vừa góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, vừa giúp quản lý, khai thác tài nguyên hiệu quả, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp trên địa bàn.
Thực hiện chuyển đổi số ngành TM&MT, từ năm 2009 đến nay, Sở TN&MT đã đầu tư xây dựng các CSDL chuyên ngành gồm: CSDL đất đai, CSDL tài nguyên nước, khoáng sản, CSDL môi trường…
Quan tâm, đầu tư xây dựng các CSDL
Ông Tạ Quốc Vinh, Phó Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) tỉnh, Sở TN&MT cho biết: Xác định đất đai là lĩnh vực quan trọng và phức tạp cần tăng cường công tác quản lý, từ năm 2009, VPĐKĐĐ tỉnh đã tham mưu Sở TN&MT đầu tư xây dựng CSDL về đất đai. Theo đó, Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 115 ngày 16/1/2009 phê duyệt dự án tổng thể xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và CSDL quản lý đất đai tỉnh Lạng Sơn. Thực hiện dự án, từ năm 2009 đến năm 2014, Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt 6 thiết kế kỹ thuật, dự toán xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính trên địa bàn 165/226 xã, phường, thị trấn của tỉnh (tính theo đơn vị hành chính chưa sáp nhập). Đến nay, 6/6 thiết kế kỹ thuật, dự toán xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính theo dự án tổng thể đều đã thi công hoàn thành.
Ngoài ra, từ năm 2016, Sở TN&MT triển khai dự án “Tăng cường quản lý đất đai và CSDL đất đai tại thành phố Lạng Sơn và 4 huyện Cao Lộc, Tràng Định, Bình Gia, Lộc Bình”. Dự án hoàn thành từ tháng 6/2023; các CSDL trên được kết nối, liên thông với trục liên thông tích hợp dữ liệu của Bộ TN&MT để chia sẻ dữ liệu đất đai của tỉnh với CSDL quốc gia về dân cư.
Bà Trần Thị Hồng Chuyên, Giám đốc Chi nhánh VPĐKĐĐ huyện Lộc Bình cho biết: Toàn huyện hiện đã được đơn vị thi công hoàn thành xây dựng CSDL địa chính, CSDL giá đất được trên 450.000 thửa đất; xây dựng CSDL thống kê, kiểm kê được 21 xã, thị trấn và hoàn thành CSDL quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của huyện. Hệ thống CSDL đất đai được xây dựng, vận hành đã giúp công tác tra cứu thông tin, dữ liệu để giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cho người dân được nhanh chóng, thuận lợi hơn.
Đối với CSDL tài nguyên nước, khoáng sản, Sở TN&MT triển khai xây dựng từ năm 2019 và hoàn thành đưa vào vận hành từ năm 2022. Dự án đã xây dựng hệ thống phần mềm và tạo lập CSDL tài nguyên nước, khoáng sản trên địa bàn tỉnh phục vụ công tác quản lý nhà nước được hiệu quả, đồng bộ.
Cùng với đó, từ năm 2020, Sở TN&MT xây dựng phần mềm quản lý dữ liệu quan trắc tự động (Envisoft) thu nhận dữ liệu đối với 4 trạm quan trắc tự động, liên tục cố định. Đồng thời, sở thực hiện theo dõi và quản lý dữ liệu tại 10 trạm quan trắc tự động của 5 doanh nghiệp trên địa bàn. Hiện hệ thống được kết nối, truyền số liệu từ các trạm quan trắc về trạm trung tâm, sau đó truyền về Bộ TN&MT.
Ngoài ra, từ năm 2021, Sở TN&MT xây dựng phần mềm kho tư liệu TN&MT và đã hoàn thành đưa vào vận hành từ quý III năm 2023. Qua đó, giúp công tác bảo quản tài liệu lâu dài và cung cấp thông tin tư liệu thuận tiện, kịp thời, chính xác; tăng cường khả năng kết nối, chia sẻ dữ liệu, dùng chung CSDL của ngành tài nguyên, môi trường.
Hiện Sở TN&MT cũng đang đầu tư xây dựng CSDL môi trường; dự kiến sẽ hoàn thành, đưa vào vận hành trong năm 2024.
Tạo thuận lợi, tăng hài lòng
Việc xây dựng CSDL chuyên ngành là yêu cầu cơ bản để xây dựng hệ thống quản lý hiện đại, giúp cho việc khai thác, cập nhật, chỉnh lý biến động về đất đai, tài nguyên nước và khoáng sản, môi trường được thống nhất từ trung ương đến địa phương. Cùng đó, đảm bảo cung cấp thông tin, dữ liệu được nhanh gọn, chính xác. Qua đó, góp phần minh bạch hóa, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn.
Kết quả, đến nay Sở TN&MT đã tích hợp lên hệ thống CSDL địa chính của 1.184.803 thửa đất. Toàn tỉnh hiện có 167/200 xã, phường, thị trấn (tính theo đơn vị hành chính sau sáp nhập) đang vận hành, khai thác CSDL địa chính và CSDL đất đai. Trong đó, có 66 xã, phường, thị trấn thuộc các huyện: Cao Lộc, Lộc Bình, Bình Gia và thành phố Lạng Sơn (4 xã, phường) đã xây dựng hoàn thiện CSDL đất đai gồm đầy đủ các thành phần: CSDL địa chính; CSDL giá đất; CSDL thống kê, kiểm kê đất đai; CSDL quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; 101 xã, thị trấn trên địa bàn 7 huyện còn lại đã được xây dựng CSDL địa chính.
Đối với CSDL tài nguyên nước, khoáng sản phần mềm đã được kết nối với trục liên thông của tỉnh để sẵn sàng chia sẻ cho các ngành khi có nhu cầu khai thác. Riêng CSDL môi trường, hiện đơn vị thi công đã xây dựng và ban hành khung kiến trúc đối với hạng mục phần mềm.
Việc đầu tư hệ thống các CSDL chuyên ngành TN&M đã tạo thuận lợi cho cán bộ chuyên môn trong tra cứu, xác minh thông tin, đẩy nhanh tiến độ giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp.
Năm 2019, tỷ lệ hồ sơ TTHC giải quyết, trả kết quả chậm, muộn của Sở TN&MT chiếm 4,9%. Hơn 9 tháng đầu năm 2024, Sở TN&MT đã giải quyết 24.028 hồ sơ TTHC; trong đó tỷ lệ hồ sơ trả kết quả chậm muộn giảm còn 3,2%.
Ông Hà Văn Hợp, thôn Khòn Khẻ, xã Bình Phúc, huyện Văn Quan cho biết: Gia đình tôi có nhu cầu chuyển đổi 80 m2 diện tích đất nông nghiệp sang đất ở nên cuối tháng 7/2024, tôi đến UBND xã nộp hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất. Sau khi tiếp nhận hồ sơ, cán bộ chuyên môn đã tiến hành xử lý, tra cứu thông tin lịch sử thửa đất trên CSDL đất đai để giải quyết kịp thời, nhanh chóng hồ sơ TTHC. Nhờ việc tra cứu, xác minh thông tin thuận lợi nên hồ sơ của tôi được cơ quan chức năng giải quyết nhanh chóng, đúng thời gian quy định.
Ông Ngô Viết Hải, Phó Giám đốc Sở TN&MT cho biết: Thời gian tới, Sở TN&MT tiếp tục chỉ đạo đơn vị chuyên môn tăng cường quản lý, vận hành hệ thống CSDL đất đai, CSDL địa chính đối với các xã, phường, thị trấn đã hoàn thành đưa vào khai thác, bảo đảm phục vụ tốt công tác quản lý nhà nước về đất đai; đề xuất UBND tỉnh xem xét, phê duyệt kế hoạch thuê phần mềm, hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin phục vụ quản lý, vận hành, khai thác CSDL đất đai trên địa bàn tỉnh trong những năm tiếp theo.
Cùng đó, Sở TN&MT tiếp tục duy trì, vận hành và thường xuyên cập nhật chỉnh lý biến động đối với CSDL tài nguyên nước, khoáng sản; nghiên cứu, đề xuất với cơ quan có thẩm quyền bố trí kinh phí để nâng cấp phần mềm đáp ứng kết nối liên thông với Cổng dịch vụ công, từ đó giúp cho việc chỉnh lý biến động được thực hiện song song với quá trình giải quyết hồ sơ TTHC.
Ngoài ra, Sở TN&MT tiếp tục đôn đốc các đơn vị thực hiện dự án đẩy nhanh tiến độ xây dựng, kiểm tra nghiệm thu, sớm đưa phần mềm quản lý CSDL môi trường vào vận hành... Qua đó, giúp quản lý, khai thác tài nguyên hiệu quả, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Có thể thấy, việc đầu tư xây dựng, vận hành hệ thống các CSDL chuyên ngành đã góp phần thúc đẩy chuyển đổi số ngành tài nguyên, môi trường. Qua đó, tạo thuận lợi trong công tác quản lý nhà nước, giảm phiền hà, tăng sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Ý kiến ()