Xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh còn nhiều khó khăn
– Những năm gần đây, dịch bệnh trên đàn vật nuôi diễn ra khá phức tạp, vì vậy việc xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh (ATDB) là vô cùng cần thiết nhằm góp phần kiểm soát dịch bệnh. Tuy nhiên, thực tế trên địa bàn tỉnh, việc triển khai thực hiện còn gặp rất nhiều khó khăn.
Theo Thông tư số 14 ngày 2/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về vùng, cơ sở ATDB động vật, để được cấp giấy chứng nhận cơ sở ATDB, cơ sở chăn nuôi phải đáp ứng các yêu cầu: áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định; không xảy ra dịch bệnh; có kế hoạch và thực hiện việc giám sát dịch bệnh… Sau khi cơ sở chăn nuôi hoàn tất các hồ sơ liên quan, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh sẽ tổ chức thẩm định và cấp giấy chứng nhận cơ sở ATDB.
Trang trại chăn nuôi gà của người dân thôn Bắc Sơn, xã Bắc Quỳnh, huyện Bắc Sơn
Hiện nay, lĩnh vực chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đang phát triển khá mạnh, tổng đàn gia súc, gia cầm tăng cao. Hiện tổng đàn gia súc có khoảng 257 nghìn con, đàn gia cầm có trên 4,5 triệu con. Toàn tỉnh hiện có 23 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Tuy nhiên đến nay, toàn tỉnh mới chỉ xây dựng được 5 cơ sở chăn nuôi ATDB (gồm 4 cơ sở chăn nuôi gia súc được chứng nhận ATDB với bệnh lở mồm long móng; 1 cơ sở chăn nuôi gia cầm được chứng nhận ATDB với bệnh Newcastle). Trên thực tế, việc triển khai xây dựng cơ sở chăn nuôi ATDB còn gặp nhiều khó khăn.
Gia đình ông Dương Thế Anh, thôn An Ninh 1, xã Long Đống, huyện Bắc Sơn là một trong những gia đình chăn nuôi gà với số lượng lớn từ năm 2019. Theo đó, gia đình ông đã liên kết chăn nuôi gà với công ty Japfa ComFeed Việt Nam, trang trại chăn nuôi luôn duy trì 20.000 con gà/lứa. Chia sẻ về lý do chưa xây dựng cơ sở chăn nuôi ATDB, ông Thế Anh cho biết: Trang trại của gia đình tôi được xây dựng cách xa khu dân cư, đồng thời, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Gia đình tôi thực hiện hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với công ty, khi xuất bán chỉ cần đáp ứng các điều kiện của công ty về đảm bảo dịch bệnh. Trong khi đó, chi phí xét nghiệm nước, lệ phí cấp chứng nhận ATDB, xét nghiệm bệnh cao, chỉ phù hợp với chăn nuôi số lượng lớn, thủ tục khá phức tạp nên gia đình chưa xin cấp chứng nhận cơ sở chăn nuôi ATDB.
Tương tự, gia đình anh Nguyễn Hồng Minh, thôn Cã Trong, xã Minh Sơn, huyện Hữu Lũng cũng có trang trại chăn nuôi lợn khép kín với quy mô từ 300 đến 400 con lợn thịt/lứa. Anh Minh cho biết: Gia đình đang chăn nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học, đảm bảo các điều kiện vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, gia đình chưa nghĩ đến việc đăng ký cấp chứng nhận cơ sở ATDB bởi lẽ mất thêm nhiều thời gian, chi phí mà giá cả bán ra vẫn vậy.
Không chỉ hai gia đình trên, thời gian qua, nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh vẫn chưa nhiệt tình tham gia xây dựng cơ sở ATDB. Theo đánh giá của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, nguyên nhân dẫn đến khó khăn trong việc xây dựng các cơ sở chăn nuôi ATDB là do trên địa bàn tỉnh chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán nên công tác lựa chọn, triển khai xây dựng cơ sở chăn nuôi đạt sơ cở an toàn dịch bệnh gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, công tác tiêm phòng trên đàn vật nuôi tại nhiều hộ chăn nuôi chưa được chú trọng; các trang trại, gia trại quy mô nhỏ chưa thực sự quan tâm do giá cả thị trường không ổn định, giá bán sản phẩm từ cơ sở ATDB chưa có sự khác biệt so với các sản phẩm bình thường.
Thời gian qua, để thực hiện xây dựng cơ sở chăn nuôi ATDB, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tuyên truyền cho các hộ chăn nuôi, đồng thời, hướng dẫn các cơ sở đủ điều kiện lập hồ sơ đăng ký xin cấp giấy chứng nhận cơ sở chăn nuôi đạt ATDB đối với bệnh đăng ký. Hằng năm, giao nhiệm vụ cho Chi cục Chăn nuôi và Thú y xây dựng từ 3 đến 5 cơ sở chăn nuôi ATDB, tuy nhiên, việc triển khai còn nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Nam Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Để từng bước nâng cao chất lượng, khắc phục những khó khăn, thời gian tới, chi cục sẽ tiếp tục tuyên truyền cho các trang trại, gia trại, hộ chăn nuôi lớn trên địa bàn về lợi ích của xây dựng cơ sở ATDB đem lại để cơ sở hiểu và đăng ký thực hiện. Cùng đó, khuyến khích các cơ sở đăng ký xây dựng ATDB thông qua việc thực hiện các chính sách như: hỗ trợ năm đầu về kinh phí thẩm định và chi phí xét nghiệm mẫu để xây dựng cơ sở ATDB; hướng dẫn các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch và sử dụng kinh phí phòng, chống dịch bệnh cấp huyện để duy trì việc thực hiện lấy mẫu giám sát hằng năm đối với các xã, phường, thị trấn xây dựng an toàn bệnh dại.
Ý kiến ()