Xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để ngành cà-phê phát triển bền vững
Cà-phê là một trong những ngành hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của nước ta. Đồng thời là một ngành có vị trí quan trọng đối với đời sống kinh tế - xã hội của đông đảo đồng bào dân tộc Tây Nguyên, gắn với an ninh - quốc phòng của đất nước. Những năm qua, ngành cà-phê đã có những bước phát triển nhanh và mạnh, đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu cà-phê hàng đầu thế giới. Nhưng, sự phát triển đó chưa mang tính bền vững. Hiện trạng ngành hàng cà-phê Thứ nhất, về nông nghiệp. Hiện, cả nước có khoảng 580 nghìn ha cà-phê, trong đó hơn 90% diện tích và sản lượng được trồng và thu hoạch ởnăm tỉnh Tây Nguyên: Đác Lắc, Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum và Đác Nông. Cơ cấu khoảng 530 nghìn ha cà-phê vối và khoảng 50 nghìn ha cà-phê chè. Trong số diện tích nêu trên có khoảng 150 nghìn ha cà-phê vối được trồng từ những năm 1980- 1982, đã đến thời kỳ già cỗi, cần thanh lý để tái canh. Các năm tiếp theo cứ mỗi năm có khoảng 10% diện tích cà-phê già...
Hiện trạng ngành hàng cà-phê
Thứ nhất, về nông nghiệp. Hiện, cả nước có khoảng 580 nghìn ha cà-phê, trong đó hơn 90% diện tích và sản lượng được trồng và thu hoạch ở
năm tỉnh Tây Nguyên: Đác Lắc, Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum và Đác Nông. Cơ cấu khoảng 530 nghìn ha cà-phê vối và khoảng 50 nghìn ha cà-phê chè. Trong số diện tích nêu trên có khoảng 150 nghìn ha cà-phê vối được trồng từ những năm 1980- 1982, đã đến thời kỳ già cỗi, cần thanh lý để tái canh. Các năm tiếp theo cứ mỗi năm có khoảng 10% diện tích cà-phê già cỗi cần thanh lý. Việc tái canh cây cà-phê già cỗi là yêu cầu bức thiết hiện nay. Nếu không được đầu tư xử lý kịp thời thì trong thời gian tới, sản lượng và chất lượng cà-phê sẽ giảm xuống mức báo động. Theo suất đầu tư năm 2012, một ha cà-phê sau ba năm (một năm trồng, hai năm chăm sóc) chi phí hơn kém 200 triệu đồng. Như vậy, muốn tái canh 150 nghìn ha cà-phê già cỗi cần một lượng vốn 30 nghìn tỷ đồng và mỗi năm tiếp sau cần lượng vốn 10 nghìn tỷ đồng để tái canh 50 nghìn ha. Đây là một bài toán không dễ giải quyết trong bối cảnh kinh tế khó khăn.
Thứ hai, về chế biến sản phẩm cà-phê. Hiện nay, cả nước chế biến được khoảng gần 10% sản lượng cà-phê thu hoạch hằng năm, bao gồm cả chế biến rang xay và chế biến sâu (cà-phê hòa tan). Các nhà đầu tư ở lĩnh vực công nghiệp chế biến sâu có thương hiệu trong nước như Vinacafe, Trung Nguyên, nước ngoài có Nescafe. Các sản phẩm rang xay có thương hiệu như: Thu Hà (Gia Lai), Đắc Hà (Kon Tum), Vinacafe, Trung Nguyên… Công nghiệp chế biến mới phát triển ở mức độ thấp, vì vốn đầu tư lớn, trong khi điều kiện tài chính của các nhà đầu tư Việt Nam còn hạn chế, việc xây dựng thị trường sản phẩm trong nước và ở nước ngoài mới ở bước đầu. Nhưng chỉ có qua chế biến thì mới gia tăng giá trị của sản phẩm cà-phê, trong thực tế, giá trị do cà-phê hòa tan đem lại gấp hàng trăm lần cà-phê nhân. Còn việc sơ chế cà-phê nhân để xuất khẩu còn rất nhiều vấn đề đặt ra. Tuy Nhà nước đã ban hành tiêu chuẩn cà-phê nhân 4193/TCVN, quy định chất lượng cà-phê nhân xuất khẩu, nhưng trên thực tế các doanh nghiệp cà-phê xuất khẩu vẫn chưa thực hiện nghiêm tiêu chuẩn nêu trên. Vì vậy, Việt Nam là nước sản xuất cà-phê lớn thứ hai thế giới nhưng chưa có thương hiệu đúng tầm. Chúng ta bán cà-phê sơ chế cho công ty nước ngoài xong thì họ tuyển chọn, chế biến lại và đóng tên sản phẩm của công ty đó để bán cho các nhà rang xay. Tại Việt Nam có rất ít các công ty bán thẳng sản phẩm đủ tiêu chuẩn trực tiếp cho các nhà rang xay nước ngoài. Do chủ yếu là xuất khẩu thô cà-phê, Việt Nam không chỉ thiệt hại về giá trị, còn chịu nhiều thiệt thòi do chưa xây dựng được thương hiệu đối với người tiêu dùng thế giới. Cà-phê Việt Nam hầu như không có chỗ đứng trên thương trường quốc tế, trái với Bra-xin hay những nước xuất khẩu ít hơn như Cô-lôm-bi-a, Ê-ti-ô-pi-a hay thậm chí Kê-ni-a.
Thứ ba, hiện trạng thu mua xuất khẩu sản phẩm cà-phê càng khó khăn hơn. Các năm từ 2005 đến 2009, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam thu mua và xuất khẩu được khoảng 70 đến 80% sản lượng cà-phê của niên vụ. Do tình hình tài chính khó khăn và lãi suất cao, từ năm 2010 đến nay, sản lượng thu mua xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước giảm dần. Trong khi đó các doanh nghiệp nước ngoài FDI đã thu mua và xuất khẩu hơn 50% sản lượng thu hoạch hằng năm. Thời gian qua, họ đã trực tiếp thu mua của người nông dân, trái với các quy định của Nhà nước. Với lợi thế đủ vốn, vay lãi suất thấp và nắm bắt thông tin thị trường kịp thời, các doanh nghiệp nước ngoài đã đẩy các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu cà-phê trong nước vào tình trạng khó khăn, do doanh nghiệp trong nước nắm không sát giá cả và biến động giá của thị trường thế giới. Hơn nữa các doanh nghiệp Việt Nam phải vay vốn lãi suất cao, chu kỳ vay ngắn nên việc thu mua kinh doanh xuất khẩu cà-phê rủi ro cao, nhiều doanh nghiệp lỗ lớn, lâm vào tình trạng phá sản. Có thể nói, các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu cà-phê Việt Nam đã thua ngay trên sân nhà, và không loại trừ khả năng khi doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm được thị trường thì sẽ dẫn đến tình trạng lũng đoạn giá cả, bất lợi cho cả sản xuất và kinh doanh xuất khẩu.
Cần những chính sách đồng bộ
Thực trạng sản xuất – thu mua – chế biến – xuất khẩu cà-phê hiện nay cho thấy, sự phát triển thiếu ổn định, thăng trầm, không bền vững. Cần có những chính sách đồng bộ mang tính lâu dài, căn cơ đáp ứng kịp thời các yêu cầu của sản xuất kinh doanh ngành hàng cà-phê. Đối với việc trồng cà-phê: Cần tuân thủ quy hoạch phát triển cà-phê đã được phê duyệt. Cần có chính sách vay vốn tín dụng Nhà nước để tái canh đối với diện tích cà-phê già cỗi. Người trồng cà-phê, ngoài việc tuân thủ quy trình cải tạo đất, quy trình kỹ thuật thì việc lựa chọn giống chất lượng được kiểm định trước khi trồng là điều rất quan trọng. Vì giống tốt hay xấu ảnh hưởng đến cả chu kỳ của cây cà-phê. Các cơ quan quản lý và hỗ trợ theo chức năng cần giám sát mọi mặt phát triển tái canh và trồng mới cà-phê. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh triển khai các dự án sản xuất cà-phê bền vững, các chương trình sản xuất cà-phê có chứng nhận theo các bộ nguyên tắc Utz, 4C… nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng thực hành sản xuất cà-phê bền vững cho các hộ nông dân.
Về chế biến, đặc biệt là chế biến sâu, Nhà nước cần quy hoạch phát triển chế biến cà-phê ở tất cả các cấp độ chế biến: cà-phê nhân, rang xay, chế biến cà-phê hòa tan, có tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm và kiểm tra chất lượng sản phẩm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, có chính sách tín dụng đặc biệt ưu đãi đối với dự án chế biến cà-phê hòa tan, kết hợp với ma-két-tinh xây dựng thị trường tiêu thụ bền vững cả trong và ngoài nước.
Đối với thu mua xuất khẩu cà-phê hiện nay, cần có chính sách đồng bộ: từ thu mua tạm trữ tới việc xây dựng doanh nghiệp xuất khẩu cà-phê có điều kiện về tài chính, kho hàng, kinh nghiệm. Không để các doanh nghiệp bất chấp điều kiện về con người, về tài chính, cơ sở vật chất… đua nhau làm xuất khẩu cà-phê như hiện nay. Chính sách thu mua tạm trữ cần được xây dựng và thực hiện lâu dài đối với các doanh nghiệp tham gia cả về kế hoạch tín dụng tạm trữ và cơ chế tài chính tạm trữ để điều hòa sản lượng tiêu thụ trong năm, không để các nhà đầu tư, kinh doanh quốc tế chi phối. Cần có quỹ tài chính bảo hiểm ngành hàng để hướng dẫn, hỗ trợ một phần tất cả các khâu sản xuất- chế biến- xuất khẩu.
Đối với những doanh nghiệp lớn sản xuất kinh doanh về cà-phê như Tổng Công ty Cà-phê Việt Nam, rất cần được Nhà nước quan tâm hỗ trợ, xử lý hết những tồn tại cũ kéo dài nhiều năm như: Vốn vay chương trình phát triển cà-phê chè AFD, chương trình hợp tác cà-phê Việt – Đức ODA, lỗ lũy kế của giai đoạn 2001- 2005…, để tổng công ty ổn định, phát triển, thật sự là doanh nghiệp “đầu tàu” phát triển thương hiệu cà-phê Việt Nam.
Theo Nhandan
Ý kiến ()