Xây dựng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo hướng phát triển năng lực học sinh
Giờ học môn Ngữ văn của học sinh trường THCS Nguyễn Trãi (Hà Nội). Ảnh: Duy Linh |
Chương trình sách giáo khoa hiện hành, bên cạnh những tiến bộ trong việc cập nhật, hiện đại, bám sát yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, vẫn còn bộc lộ những bất cập, hạn chế khó tránh khỏi trước sự phát triển nhanh chóng của khoa học nói chung và của xu thế phát triển chương trình giáo dục phổ thông quốc tế nói riêng.
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) Phạm Vũ Luận cho biết: Chương trình giáo dục phổ thông được xây dựng đã kế thừa và phát huy những ưu điểm cơ bản của các chương trình trước đây, phù hợp với xu hướng quốc tế về phát triển chương trình với đầy đủ các thành tố cơ bản. Nội dung bảo đảm tính khoa học, cơ bản, hiện đại và tiếp cận trình độ giáo dục các nước phát triển trong khu vực, đã chú ý đến sự liên thông trong môn học theo nguyên tắc kế thừa và phát triển; đã xây dựng được chuẩn kiến thức, kỹ năng mỗi cấp học. Trong quá trình xây dựng chương trình và biên soạn sách giáo khoa đã huy động, tập hợp được nhiều nhà khoa học, nhà sư phạm, cán bộ quản lý, giảng viên sư phạm và giáo viên giỏi, có kinh nghiệm về giáo dục phổ thông tham gia xây dựng, thí điểm, thẩm định chương trình và sách giáo khoa. Việc xây dựng chương trình và biên soạn sách giáo khoa được thực hiện trên cơ sở lý luận hiện đại về chương trình giáo dục, đồng thời kế thừa nhiều kinh nghiệm tốt trong nước và tham khảo kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới.
Tuy nhiên, phải nói rằng chương trình giáo dục phổ thông chưa được xây dựng như một chỉnh thể xuyên suốt từ tiểu học đến trung học phổ thông (THPT), từ chương trình cấp học đến chương trình từng môn học. Chưa có tổng chỉ huy cho toàn bộ quá trình xây dựng chương trình, biên soạn sách giáo khoa phổ thông, mặc dù đối với môn học đã có tổng chủ biên và chủ biên. Chương trình chưa thật sự chú trọng đến tính liên thông giữa giáo dục phổ thông với giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học. Hình thức tổ chức phân ban kết hợp với tự chọn ở các cấp THPT chưa thật sự đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng, khuynh hướng nghề nghiệp của học sinh và yêu cầu phát triển nguồn nhân lực của đất nước. Trong thực tế, học sinh lựa chọn ban và môn tự chọn chủ yếu theo cơ cấu môn thi, khối thi của kỳ thi tuyển sinh đại học. Ngoài ra, chương trình một số môn học yêu cầu còn cao, ở một số chủ đề còn nặng về “dạy chữ”, chưa coi trọng đúng mức “dạy người”; khối lượng kiến thức gây “quá tải”, học sinh phải học nhiều môn, chưa thể hiện đầy đủ mức độ hiện đại, cập nhật cần thiết, tích hợp trong xây dựng chương trình.
Hằng năm, Bộ GD và ĐT đã tổ chức khảo sát, đánh giá một cách nghiêm túc để rút ra những mặt được và chưa được trong quá trình thí điểm chương trình và sách giáo khoa để kịp thời điều chỉnh trong những năm học tiếp theo. Thí điểm đã góp phần quan trọng vào việc hoàn thiện chương trình và sách giáo khoa cũng như rút ra được những kinh nghiệm quý báu cho việc triển khai đại trà chương trình, sách giáo khoa mới. Bộ cũng tổ chức nhiều đợt đánh giá chương trình, sách giáo khoa với sự tham gia đông đảo của các tầng lớp xã hội, qua đó đã đưa ra những biện pháp điều chỉnh chương trình, quá trình triển khai khá kịp thời, tương đối hiệu quả, nhất là đã chỉ đạo việc phân cấp quản lý chương trình và kế hoạch giáo dục để tăng cường khả năng thích ứng của chương trình với các địa phương.
Theo Bộ trưởng GD và ĐT Phạm Vũ Luận, Bộ đã thành lập Ban chỉ đạo đổi mới chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2015, có nhiệm vụ tổ chức, chỉ đạo quá trình chuẩn bị và triển khai đổi mới chương trình giáo dục phổ thông trên phạm vi toàn quốc. Đồng thời, Bộ trưởng đã quyết định thành lập Ban soạn thảo đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015. Đề án này phải bảo đảm kế thừa những thành tựu của Việt Nam và vận dụng hợp lý kinh nghiệm quốc tế về phát triển chương trình giáo dục phổ thông; khắc phục những yếu tố hạn chế của các bộ chương trình, sách giáo khoa cũ. Bên cạnh đó, nội dung phải tinh giản, tạo điều kiện đổi mới phương pháp dạy học, phát triển phương pháp tự học. Khi xây dựng chương trình, biên soạn sách giáo khoa phải xuất phát và bảo đảm hướng tới năng lực cho học sinh; bảo đảm tính hài hòa, cân đối giữa “dạy chữ, dạy người” và định hướng nghề nghiệp; nội dung giáo dục mang tính chuẩn hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Hơn nữa, cấu trúc, nội dung chương trình, sách giáo khoa phải bảo đảm tính chỉnh thể, linh hoạt, thống nhất; đẩy mạnh đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục nhằm phát triển năng lực chung và các năng lực chuyên biệt của học sinh.
Ý kiến ()