Xây dựng chuỗi giá trị để gạo Việt Nam phát triển bền vững
Năm 2024 có nhiều yếu tố thuận lợi cho xuất khẩu gạo với giá tốt. Hiện nay, giá trị gạo Việt Nam trên thị trường thế giới đã được khẳng định khi các đối tác nhập khẩu và người tiêu dùng đều ưa chuộng gạo Việt.
GS. Võ Tòng Xuân phát biểu tại Tọa đàm.
Đây là ý kiến được nhiều chuyên gia, doanh nghiệp nhận định tại Tọa đàm “Giải pháp đường dài cho xuất khẩu gạo” do Báo Người lao động tổ chức ngày 9/1.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2023, gạo Việt Nam xuất khẩu khoảng 8,29 triệu tấn, mang về giá trị 4,78 tỷ USD, tăng 16,7% về khối lượng và tăng 38,4% về giá trị so với năm 2022. Đây là con số cao kỷ lục kể từ khi Việt Nam bắt đầu tham gia xuất khẩu gạo. Cũng trong năm 2023, gạo ST25 của Sóc Trăng tiếp tục đoạt giải “Gạo ngon nhất thế giới”. Điều đặc biệt hơn, giá trị gạo Việt Nam trên thị trường thế giới đã được khẳng định khi các đối tác nhập khẩu và người tiêu dùng đều ưa chuộng gạo Việt.
Nhận định về xu hướng thị trường năm 2024, ông Nguyễn Vĩnh Trọng, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng cho rằng, giá lúa gạo trong năm 2024 và những năm tới vẫn cao, các doanh nghiệp Việt Nam nên tận dụng cơ hội sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu để nâng cao giá trị.
Đồng quan điểm trên, ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An khẳng định: Năm 2024 xuất khẩu gạo có thể tốt hơn khi chúng ta tận dụng được cơ hội thị trường do nhu cầu tiêu thụ vẫn lớn, trong bối cảnh thế giới đang thiếu gạo; mặc dù Việt Nam cũng bị biến đổi khí hậu nhưng chúng ta vẫn có thể tăng sản xuất.
Ông Phạm Thái Bình đề xuất muốn phát triển bền vững, cần phải sắp xếp lại chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo; liên kết chặt doanh nghiệp và nông dân để đôi bên cùng có lợi. Theo đó, cần đẩy mạnh triển khai “Đề án 1 triệu ha lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp” mà Chính phủ đã ban hành.
Còn theo GS. Võ Tòng Xuân, để tham gia Đề án 1 triệu ha lúa gạo chất lượng cao, các tỉnh có thể khuyến khích doanh nghiệp ký hợp đồng trước để triển khai sản xuất với nông dân. Theo đó thành lập hoặc củng cố các hợp tác xã. Các hợp tác xã sẽ được huấn luyện trồng lúa theo giống nào, quy trình nào để nông dân làm theo. Các hợp tác xã sẽ sản xuất theo đặt hàng của doanh nghiệp để có đầu ra ổn định.
Bên cạnh đó, GS. Võ Tòng Xuân cho rằng, cần đa dạng sản xuất các giống gạo, loại gạo khác nhau để bán cho những người sản xuất có nhu cầu… Đặc biệt, cần sắp xếp trên thị trường, chia thị phần gạo của mình ra để xuất khẩu hoặc bán trong nước. Nếu làm vậy các doanh nghiệp sẽ từ từ không còn tranh mua, tranh bán, mà mỗi doanh nghiệp có vùng nguyên liệu của mình. Đây là con đường tương lai để gạo của Việt Nam có thể tiếp tục phát triển bền vững.
Theo baochinhphu.vn
Ý kiến ()