Xây dựng chuỗi cung ứng nông sản vào chế biến để mở rộng kênh tiêu thụ
Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh muốn xây dựng chuỗi bền vững trong sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản cần có sự chung tay vào cuộc của tất cả các thành phần từ doanh nghiệp, hợp tác xã…
Sáng 13/1, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Diễn đàn kết nối nông sản 970 với chủ đề “Đẩy mạnh liên kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ rau quả ứng phó khó khăn của dịch COVID-19.”
Tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam chỉ rõ nhiều khi chúng ta quá tập trung xuất khẩu sản phẩm tươi, nhưng lại chưa chú trọng nhiều trong xây dựng chuỗi cung ứng đưa các sản phẩm vào các nhà máy chế biến để mở rộng kênh tiêu thụ.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành nhiều chính sách nhằm xây dựng các vùng nguyên liệu đạt chuẩn phục vụ cho chế biến và xuất khẩu.
Năm 2021, Bộ đã triển khai thí điểm xây dựng ở 11 tỉnh các vùng nguyên liệu trái cây, càphê, gỗ, thủy sản… để làm căn cứ nhân rộng ra cả nước trong thời gian tới theo hướng xây dựng vùng nguyên liệu lớn.
Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, hiện nay các nhà máy chế biến đang rất cần và thiếu nguyên liệu. Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là xây dựng được mối liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, người sản xuất lâu dài, bền chặt, để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm vẫn chưa được như mong muốn.
Trên cơ sở đó, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh muốn xây dựng chuỗi bền vững trong sản xuất, bảo quản, chế biến sản phẩm cần có sự chung tay vào cuộc của tất cả các thành phần từ doanh nghiệp, hợp tác xã…
Bên cạnh việc xây dựng chuỗi xuất khẩu, các địa phương, vùng nguyên liệu cần hết sức quan tâm đến xây dựng chuỗi liên kết để đưa sản phẩm vào các nhà máy chế biến. Để sản phẩm được thu mua vào các nhà máy cần chuyển biến về tư duy nhận thức để hình thành chuỗi liên kết chế biến.
Ông Nguyễn Khắc Tiến, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Ameii Việt Nam cho biết quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói để đạt yêu cầu thực phẩm, chất lượng đang là vấn đề được công ty đặc biệt quan tâm.
Ông Nguyễn Khắc Tiến nêu thực trạng những đơn hàng đầu khi công ty đôn đốc, kiểm tra tại nguồn thì cơ sở đóng gói làm tốt. Nhưng những đơn hàng sau, chất lượng không còn đảm bảo.
Hiện Ameii có nhiều đơn hàng thanh long, nhưng chưa nắm được thông tin về vùng nguyên liệu, cơ sở sơ chế, chế biến, đóng gói. Các tỉnh trồng nhiều thanh long như Bình Thuận, Long An, Tiền Giang… cần có hướng dẫn và có cơ chế giám sát cơ sở đóng gói.
Ameii sẽ tiếp tục đồng hành và phát triển hơn nữa việc đưa thanh long ra nước ngoài tiêu thụ với điều kiện các địa phương, đơn vị phải đảm bảo được chất lượng sản phẩm, cũng như mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, ông Nguyễn Khắc Tiến cho hay.
Hướng tới xây dựng hệ thống thông tin minh bạch, ông Nguyễn Lâm Viên – Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vinamit có quan điểm việc phát triển xây dựng chế biến không khó. Khó là kết nối thị trường.
Do đó, rất cần xây dựng trung tâm tiếp nhận thông tin để sau đó đưa đến cho người trồng, qua đó có thể kiểm soát vùng trồng tốt hơn, rồi có thể kiểm soát được thị trường tiêu thụ.
Chia sẻ về kinh nghiệm giúp tỉnh Bắc Giang, Hải Dương đưa quả vải tươi sang thị trường Nhật Bản, ông Nguyễn Văn Minh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần OTAS GLOBAL cho biết, đã thiết lập được vùng trồng, xây dựng mô hình quản trị gồm 5 nhà: nông dân, nhà sản xuất, nhà quản lý, hợp tác xã và đơn vị giám sát (chính quyền địa phương, ban quản trị vùng trồng).
Mô hình quản trị này để thống nhất, hướng dẫn người dân kỹ thuật canh tác, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý, theo danh mục quy định…
Cùng với đó là việc đồng bộ hóa dữ liệu từ việc cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đến thủ tục thông quan hải quan… giúp doanh nghiệp tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí nhất.
Khi doanh nghiệp tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí thì sẽ quan tâm nhiều hơn đến việc phối hợp với người sản xuất phát triển các vùng trồng, xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ chế biến và xuất khẩu.
Tại diễn đàn, ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai thông tin, diện tích trồng cây ăn quả của tỉnh thuộc mức trung bình so với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Thời gian qua, tỉnh có nhiều phương án chủ động tiêu thụ nông sản cho người dân ở các vùng sản xuất tập trung bằng cách liên kết trên 170 hợp tác xã nông nghiệp, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho bà con.
Các khâu đầu vào sản xuất của người dân được quan tâm từ sớm. Hiện tỉnh đang xây dựng hai cụm chế biến sâu cho nông nghiệp với diện tích khoảng 100ha, ông Nguyễn Văn Thắng cho biết.
Là địa phương có diện tích thanh long lớn, ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận cho biết toàn tỉnh có khoảng 110 cơ sở chế biến thanh long, tuy nhiên chủ yếu là các cơ sở có quy mô nhỏ lẻ, công nghệ hạn chế.
Các mặt hàng chế biến chủ yếu là thanh long sấy khô, dẻo, kẹo, nước ép… Năng lực chế biến đạt khoảng 25%/năm tổng sản lượng (tương đương 600.000-700.000 tấn).
Tỉnh Bình Thuận mong muốn các doanh nghiệp tiếp tục hỗ trợ tỉnh trong xây dựng các nhà máy chế biến nông sản, đồng hành với người nông dân trong xây dựng chuỗi liên kết bền vững.
Tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp tham gia liên kết với hợp tác xã, người sản xuất. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ có chính sách để phát triển các vùng nguyên liệu, sẵn sàng đảm bảo mọi tiêu chuẩn, yêu cầu về chất lượng của các doanh nghiệp chế biến.
Theo Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Nguyễn Quốc Toản, năng lực sản xuất rau quả hàng năm của Việt Nam là 28 triệu tấn, trình độ công nghệ chế biến rau, quả ở mức trung bình tiên tiến. Năng lực sơ chế rau quả khoảng 30%.
Năm 2019, xuất khẩu thô chiếm 90%. Đến năm 2021, xuất khẩu qua chế biến tăng lên đạt khoảng 30%. Đây là bước tiến nhưng cần đẩy cao hơn nữa.
Trong khi đó, công suất nhà máy chế biến nhiều nơi lại không đủ nguyên liệu. Do đó, ngành nông nghiệp xác định xây dựng các vùng nguyên liệu để đáp ứng cho chế biến, đa dạng hóa sản phẩm chế biến./.
Ý kiến ()