Xây dựng chủ đề STEAM trên nền tảng E-Learning: Khuyến khích khả năng sáng tạo, tự học của học sinh
– Sáng kiến “Xây dựng chủ đề STEAM trên nền tảng E-Learning trong dạy môn sinh học lớp 11 ở một số trường THPT tỉnh Lạng Sơn” của cô Phạm Huyền Phương, giáo viên môn sinh học, Trường THPT Hữu Lũng, huyện Hữu Lũng không chỉ giúp học sinh hiểu sâu, rộng về kiến thức đã học mà còn khuyến khích các em tự học và sáng tạo.
Ở giờ học trực tuyến thống, khi giờ học kết thúc người học không thể xem lại bài giảng nhưng với nền tảng E-Learning (Giáo dục trực truyến) thì học sinh có thể truy cập trực tuyến để xem lại bài học nhiều lần, các tài liệu học tập cũng được đính kèm cùng bài giảng giúp học sinh giảm việc ghi chép. Kết hợp hình thức dạy học này với phương pháp giáo dục STEAM (kết hợp giữa sáng tạo, nghệ thuật với khoa học, công nghệ, kĩ thuật và toán học) không chỉ giúp học sinh hiểu hơn các bài học mà còn có sự ứng dụng sáng tạo vào thực tiễn đời sống hằng ngày. Chính vì vậy, từ tháng 10/2021 – 3/2022, thạc sỹ Phạm Huyền Phương, giáo viên môn sinh học, Trường THPT Hữu Lũng, huyện Hữu Lũng đã nghiên cứu và đề xuất sáng kiến “Xây dựng chủ đề STEAM trên nền tảng E-Learning trong dạy môn sinh học lớp 11 ở một số trường THPT tỉnh Lạng Sơn”.
Tác giả tiến hành 1 giờ học với phương pháp xây dựng chủ đề STEAM trên nền tảng E-Learning
Cô Phạm Huyền Phương cho biết: Trên cơ sở quá trình nghiên cứu, tôi đã xây dựng quy trình thiết kế chủ đề STEAM trên nền tảng E-Learning gồm 4 bước: lựa chọn chủ đề bài học; xác định mục tiêu của chủ đề STEAM; thiết kế tiến trình tổ chức hoạt động dạy học; xây dựng phương án kiểm tra, đánh giá.
Trong đó, để xác định chủ đề của bài học giáo viên cần căn cứ vào nội dung kiến thức trong chương trình môn học và các hiện tượng, quá trình gắn với kiến thức đó trong tự nhiên. Trong môn sinh học 11, có thể chọn các chủ đề STEAM như: thiết kế mô hình tưới nước, mô hình trồng rau thuỷ canh, làm mứt dừa màu sắc, trồng rau mầm…
Ứng dụng nội dung sáng kiến vào thực tiễn dạy học, tác giả đã lựa chọn chủ đề làm tranh từ hạt cây. Đây là chủ đề liên quan đến nội dung kiến thức về các hình thức sinh sản ở thực vật. Để chuẩn bị cho chủ đề này học sinh phải tự tìm hiểu kiến thức về sinh sản vô tính ở thực vật, quá trình hình thành và vai trò của hạt, quả. Bài tập là làm tranh từ vỏ quả, vỏ hạt và hạt cây. Từ bài học này, học sinh không chỉ nắm được nội dung bài học mà còn có thể vận dụng kiến thức vào thực tiễn chăm sóc, bảo vệ cây xanh, sáng tạo nghệ thuật dựa trên những nguyên liệu sẵn có. Em Hoàng Minh Hạnh, lớp 11A8, Trường THPT Hữu Lũng, huyện Hữu Lũng cho biết: Em rất thích cách học này vì chúng em được rèn luyện cách làm việc theo nhóm, trong 1 bài học mà có rất nhiều kiến thức về các loại hạt, tác dụng của hạt ngoài việc làm lương thực, thực phẩm…
Thử nghiệm các nội dung sáng kiến tại 5 trường THPT trên địa bàn tỉnh gồm: THPT Hữu Lũng, THPT Vân Nham, THPT Tân Thành (huyện Hữu Lũng), THPT Chi Lăng (huyện Chi Lăng), THPT Lộc Bình (huyện Lộc Bình) cho thấy việc học tập qua chủ đề STEAM trên nền tảng E-Learning mang lại hiệu quả trong việc nâng cao khả năng nhận thức cho học sinh, tăng cường khả năng giải quyết vấn đề, khả năng sáng tạo nghệ thuật. Các lớp thực nghiệm tỷ lệ học sinh đạt điểm khá, giỏi ở nhóm thực nghiệm cao hơn nhóm đối chứng hơn 3%. Học sinh có điểm yếu ở lớp thực nghiệm thấp hơn 2%.
Đặc biệt, khi đánh giá về hình thức của phương pháp này đa số giáo viên đều cho rằng bố cục của bài giảng có thiết kế khoa học, thống nhất, phù hợp với nội dung hoạt động, giao diện hài hoà, phù hợp với chủ đề.
Với những lợi ích mang lại trong công tác dạy và học, sáng kiến “Xây dựng chủ đề STEAM trên nền tảng E-Learning trong dạy học môn sinh học 11 ở một số trường THPT tỉnh Lạng Sơn” đã được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận là sáng kiến cấp tỉnh năm 2022. Hiện sáng kiến đã được nhân rộng tại một số trường THPT trên địa bàn tỉnh để áp dụng vào thực tiễn, nâng cao chất lượng dạy và học.
Ý kiến ()