Xây dựng chính sách, pháp luật: Phát huy vai trò của hội đồng tư vấn
(LSO) – Tham gia xây dựng chính sách, pháp luật là nội dung quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, chính quyền của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ). Để góp phần làm tốt nội dung này phải kể đến sự vào cuộc tích cực của các hội đồng tư vấn.
Hiện nay, Ủy ban MTTQ tỉnh có 4 hội đồng tư vấn, với số lượng từ 5 – 7 thành viên/hội đồng. Ngoài ra, Ủy ban MTTQ các huyện, thành phố cũng có các ban tư vấn về nhiều lĩnh vực như: dân chủ – pháp luật, dân tộc – tôn giáo, văn hóa – xã hội…
Thành viên các hội đồng, các ban tư vấn đều là những chuyên gia trên nhiều lĩnh vực; lãnh đạo các sở, ngành nghỉ hưu, có trình độ lý luận và kinh nghiệm thực tiễn, giúp Ủy ban MTTQ các cấp thực hiện tốt công tác tham gia xây dựng chính sách, pháp luật.
Ông Nguyễn Sơn Lâm, Trưởng Ban Dân chủ – Pháp luật, Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết: Để phát huy vai trò của các hội đồng tư vấn, khi tổ chức các chương trình, hoạt động, Ủy ban MTTQ tỉnh đều xây dựng kế hoạch, mời các thành viên tham gia. Trong đó, tại các cuộc phản biện xã hội, các hội nghị lấy ý kiến đối với dự thảo dự án luật hay các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế chính sách của tỉnh, chúng tôi còn “đặt bài” trước để họ nghiên cứu tư vấn, góp ý.
Đại biểu phản biện về chủ trương đầu tư dự án chỉnh trang cảnh quan thành nhà Mạc, thành phố Lạng Sơn
Từ năm 2016 đến nay, các hội đồng, ban tư vấn Ủy ban MTTQ các cấp đã tham gia đóng góp hàng trăm ý kiến đối với dự thảo các dự án luật. Cùng đó, tham gia phản biện đối với 25 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND tỉnh, đóng góp gần 200 ý kiến. Riêng từ đầu năm 2019 đến nay, đã tham gia đóng góp 30 ý kiến vào 3 dự thảo quyết định của UBND tỉnh về quản lý Nhà nước trên nhiều lĩnh vực.
Tại hội thảo phản biện ngày 30/8/2019 về dự thảo Quyết định của UBND tỉnh về Quy chế thu thập, quản lý, khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường, ông Lương Văn Kích, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về dân chủ – pháp luật cho rằng: nội dung quy chế cần logic, chặt chẽ hơn, ví dụ như một số tiêu đề ở các chương, điều giống nhau nhưng nội dung nêu lại không thống nhất, các căn cứ quy định, nghị định nêu ở quy chế cũng chưa cụ thể để dễ đối chiếu thực hiện…
Hay tháng 8/2018, tại hội nghị phản biện xã hội về chủ trương đầu tư dự án chỉnh trang cảnh quan thành nhà Mạc của Ủy ban MTTQ thành phố Lạng Sơn, nhiều ý kiến cho rằng việc chỉnh trang cần chú trọng nhiều hơn tới vấn đề bảo vệ môi trường, như hình dáng thùng rác và vị trí đặt hợp cảnh quan, đảm bảo thẩm mỹ, quan tâm hệ thống điện chiếu sáng, chăm sóc cây trồng cảnh quan nơi đây… Các ý kiến đóng góp được cơ quan tham mưu tiếp thu và bổ sung vào dự thảo, trình các cấp, ngành trước khi ban hành.
Từ nay đến hết năm 2019, theo kế hoạch, Ủy ban MTTQ tỉnh sẽ mời các hội đồng tư vấn tham gia phản biện đối với 8 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của UBND tỉnh.
Bên cạnh góp ý tại các hội nghị, hội thảo, thành viên các hội đồng tư vấn còn tích cực lắng nghe dư luận xã hội, nguyện vọng của nhân dân liên quan tới cơ chế, chính sách, từ đó tham mưu cho các cấp, ngành giải quyết. Đơn cử, từ năm 2017 đến nay, Hội đồng Tư vấn về dân tộc – tôn giáo, Ủy ban MTTQ tỉnh đã tham gia 8 cuộc khảo sát về tình hình thực hiện chính sách ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó phát hiện nhiều vấn đề bất cập, hạn chế để kiến nghị các cấp, ngành điều chỉnh các chủ trương, chính sách cho phù hợp…
Thời gian tới, Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh tiếp tục phát huy vai trò, trí tuệ, trách nhiệm của thành viên các hội đồng tư vấn, góp phần tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.
Ý kiến ()