Xây dựng chính quyền thân thiện, gần gũi với nhân dân
(LSO) – Để xây dựng chính quyền thân thiện, thời gian qua, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã và đang từng bước đổi mới phong cách, lề lối làm việc, thái độ phục vụ, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, tăng cường tiếp xúc, đối thoại để giải quyết công việc cho nhân dân.
Bước vào trụ sở xã Đề Thám, huyện Tràng Định chúng tôi thấy ngay những khẩu hiệu nổi bật: 3 thể hiện (tôn trọng, văn minh, gần gũi), 4 luôn (luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn thấu hiểu, luôn giúp đỡ), 5 biết (biết nghe dân nói, biết nói dân hiểu, biết làm dân tin, biết xin lỗi, biết cảm ơn). Đây là những khẩu hiểu và cũng là những cẩm nang của cán bộ, công chức xã trong giao tiếp và giải quyết công vụ.
Trao đổi với chúng tôi, chị Mông Thị Âm, thôn Nà Căm, xã Đề Thám cho biết: Chúng tôi đến trụ sở xã chủ yếu để giải quyết các thủ tục hành chính nên thường xuyên tiếp xúc với cán bộ ở bộ phận “một cửa”. Người dân đến làm thủ tục già có, trẻ có, có người nói tiếng Kinh chưa sõi nhưng luôn được cán bộ hướng dẫn tận tình, cụ thể. Có cán bộ chỉ bảo cởi mở, dễ gần nên bà con trong xã không ngại đến trụ sở làm các thủ tục. Hơn nữa, giờ làm các giấy tờ như: giấy khai sinh, sổ hộ khẩu, thẻ bảo hiểm cũng nhanh gọn hơn trước.
Năm 2019, Đề Thám được chọn làm điểm thực hiện mô hình chính quyền thân thiện của huyện Tràng Định. Ông Nguyễn Văn Sơn, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Đảng ủy xã đã quán triệt đến toàn thể cán bộ, công chức việc thực hiện quy tắc ứng xử nhất là những quy tắc trong giao tiếp với người dân trong đó luôn đề cao phương châm “lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá cán bộ”. Bộ phận “một cửa” của xã luôn đảm bảo cán bộ túc trực, tiếp nhận và hướng dẫn người dân giải quyết thủ tục thậm chí là viết hồ sơ hộ công dân trong trường hợp cần thiết. Các công chức ở đây đều có tinh thần trách nhiệm, không hách dịch, cửa quyền hay đùn đẩy trách nhiệm gây trễ nải khi giải quyết việc cho dân.
Lãnh đạo huyện Văn Quan đối thoại với người dân thị trấn Văn Quan về việc chuyển đổi phương thức, nâng cao hiệu quả nuôi cá lồng
Tương tự Tràng Định, các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đều lựa chọn 1 đến 2 cơ sở để chỉ đạo điểm mô hình chính quyền thân thiện. Hiện nay, các đơn vị đã và đang củng cố cơ sở vật chất tại bộ phận “một cửa” đồng thời quán triệt cán bộ, công chức thay đổi phong cách, lề lối làm việc theo hướng phục vụ trong giải quyết thủ tục hành chính.
Cùng với việc đẩy mạnh cải cách hành chính, việc tiếp xúc, đối thoại với nhân dân cũng được chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh chú trọng. Trong năm qua, việc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với người dân đã được thực hiện nền nếp, hiệu quả ở cả cấp huyện và cấp xã.
Như trong cuộc đối thoại với lãnh đạo huyện đầu tháng 12 vừa qua, ông Hoàng Văn Thái, phố Đức Tâm 2, thị trấn Văn Quan đã trình bày quan điểm, ý kiến của mình về chủ trương chuyển đổi nuôi cá lồng từ lồng quây sang lồng treo. Gia đình ông cũng như những hộ nuôi cá lồng khác từ lâu đã sử dụng lồng quây nên việc chuyển sang lồng treo chưa thể thực hiện ngay, cần thời gian từ 1 năm rưỡi đến 2 năm mới có thể chuyển đổi được.
Nắm bắt được tâm tư của người dân, tại buổi đối thoại, lãnh đạo huyện đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn, chính quyền cơ sở hướng dẫn người dân chuyển đổi trong thời gian phù hợp với điều kiện thực tế.
Ông Thái cho biết: Người dân chúng tôi nhất là những hộ nuôi cá lồng chờ đợi những cuộc đối thoại để được bày tỏ ý kiến của mình với các cấp lãnh đạo. Qua đối thoại, một số vướng mắc đã được giải đáp, số còn lại lãnh đạo huyện đã ghi nhận và chỉ đạo các ngành chuyên môn nghiên cứu xem xét giải quyết.
Có thể nói, các cuộc tiếp xúc, đối thoại người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với người dân là kênh thông tin quan trọng giúp lãnh đạo các cấp thấu hiểu hơn về đời sống của người dân, đồng thời qua đó nhân dân cũng được trực tiếp gửi gắm tiếng lòng của mình với lãnh đạo. Hoạt động đối thoại đã góp phần củng cố niềm tin của người dân vào chính quyền.
Bà Giáp Thị Bắc, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết: Các yếu tố vật chất là cần thiết, tuy nhiên con người mới là yếu tố quyết định trong giải quyết thủ tục hành chính. Do đó, hướng tới xây dựng chính quyền thân thiện cần phải đổi mới tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, công chức, bố trí những cán bộ có năng lực, cởi mở, trách nhiệm với công việc làm việc tại bộ phận một cửa, lấy sự hài lòng của người dân đặt lên hàng đầu. Thời gian tới, các cấp, các ngành cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường tiếp xúc, đối thoại với nhân dân, từng bước nhân rộng mô hình chính quyền thân thiện để củng cố mối quan hệ khăng khít giữa chính quyền với người dân trên toàn địa bàn tỉnh.
Ý kiến ()