Xây dựng Chính phủ điện tử không làm tăng biên chế, bộ máy
Xây dựng Chính phủ điện tử không làm tăng biên chế, không tăng bộ máy và việc ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng Chính phủ điện tử làm thay đổi rất lớn về lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ khi có sự giám sát mạnh mẽ của người dân, doanh nghiệp và cơ quan báo chí.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng trả lời câu hỏi của ĐBQH về Chính phủ điện tử |
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP nêu xây dựng Cổng Dịch vụ công quốc gia là một trong những nhiệm vụ lớn của xây dựng Chính phủ điện tử. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, xây dựng Cổng Dịch vụ công quốc gia phải bảo đảm 4 vấn đề, đó là giải quyết 2 vấn đề trong nội bộ Chính phủ: Chính phủ với cơ quan hành chính Nhà nước, Chính phủ với cán bộ, công chức, viên chức và giải quyết 2 mối quan hệ: Chính phủ với người dân, Chính phủ với doanh nghiệp.
Trong đó, các hệ thống như Cổng Dịch vụ công quốc gia và Trục liên thông gửi, nhận văn bản quốc gia… đã đáp ứng yêu cầu này. Trục liên thông gửi nhận văn bản quốc gia khai trương tháng 3/2019, mỗi năm tiết kiệm 1.200 tỷ đồng; hệ thống e-Cabinet (Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ) khai trương tháng 6/2019 mỗi năm tiết kiệm 169 tỷ đồng; tháng 8/2020 đã khai trương Trung tâm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, mỗi năm tiết kiệm 460 tỷ đồng…
Riêng Cổng dịch vụ công quốc gia là hệ thống tương tác giữa các cơ quan Nhà nước với doanh nghiệp và người dân đã giúp tiết kiệm 6.700 tỷ đồng mỗi năm.
“Như vậy, hiệu quả kinh tế rất rõ và theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là không tăng một biên chế nào, không tăng bộ máy nào. Trước đây, với những việc tương tự, chúng ta làm dự án nhưng nay không làm dự án nữa mà ra đầu bài và thuê VNPT, Viettel thực hiện các việc này và VPCP thuê lại”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cho biết.
Về dữ liệu trong xây dựng Chính phủ điện tử, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cho biết chúng ta xử lý song song, vừa tập trung vừa phân tán. Ví dụ, cơ sở dữ liệu đất đai hiện đang nằm ở các địa phương, chỉ cần kết nối với bộ ngành, địa phương để xử lý. Chính phủ đã ban hành Nghị định 47 về kết nối và chia sẻ dữ liệu, Nghị định 45 về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Như vậy, về pháp lý chúng ta có đầy đủ, sử dụng dữ liệu đã có, không phải đầu tư mới.
Thứ hai, Bộ trưởng cho biết, qua việc cải cách, ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng Chính phủ điện tử đã giúp làm thay đổi rất lớn về lề lối làm việc, có sự giám sát mạnh mẽ của người dân, doanh nghiệp và báo chí. Ở bộ phận nào, cán bộ không xử lý theo đúng thời gian quy định thì đều công khai xem xét, đánh giá cán bộ.
Ý kiến ()